MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch giả Thúy Toàn cùng 3 thành viên Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội tại Nhà Lưu niệm Văn học Nga. Ảnh: NVCC

Kỳ nhân phố chợ Giàu

Kiều Bích Hậu LDO | 02/10/2022 19:30
Chợ Giàu nằm ở khu vực trung tâm khu phố Phù Lưu thuộc phường Đông Ngàn, Thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Có một con đường chính giữa làng, qua chợ Giàu, được lát 4 viên đá tảng xanh hàng ngang chạy dài, hai bên là gạch đỏ lát nghiêng, xếp hình xương cá thật cổ kính, phong cách. Mọi thứ ở quanh chợ Giàu thật đặc biệt. Và ở đây có một kỳ nhân đã dựng lên hẳn một ngôi Nhà Lưu niệm Văn học Nga ở Việt Nam. Kỳ nhân đó là dịch giả Thúy Toàn, nay đã đi qua 83 mùa xuân xanh.

Một lần, năm 2020, khi đại dịch COVID-19 có vẻ tạm yên ắng ở Việt Nam, tôi gặp dịch giả Thúy Toàn tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc ấy, tôi thấy ông già yếu lắm. Phải chăng do ảnh hưởng tâm lý từ đại dịch, phải ở lâu trong nhà ít tiếp xúc xã hội, và thêm lo lắng chưa biết tình hình dịch bệnh diễn tiến ra sao, mà trông ông khi ấy rất mệt, râu tóc bơ phờ. Tiếng ông nói yếu và run, tôi phải lắng tai nghe, nhưng ông lại nói rất nhiều, có cảm giác như nếu không nói hết ra điều đó với tôi, thì sẽ không có lần sau để nói nữa. Ông kể rằng, dự án dịch 100 cuốn sách văn học Nga mà bên Nga tài trợ, giao cho ông đứng ra lo liệu, đã dịch và xuất bản được 10 cuốn, thì đại dịch nổ ra, phía Nga gặp khó khăn, cắt nguồn tài trợ, vậy là có một số cuốn đã dịch xong, đành để đó, không có tiền in sách! Tôi đồng cảm với ông, bởi giới văn chương, dịch thuật, còn gì buồn hơn việc đã viết, dịch xong tác phẩm mà lại không thể xuất bản được!

Đến năm 2021, dịch giả Thúy Toàn chủ động gọi điện cho tôi, hẹn gặp Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội mà tôi là trưởng nhóm. Ông đến, mang theo hai tập cuốn sách của ông do NXB Thế giới ấn hành, với tựa đề “Một nghệ thuật cao cả” nói về dịch văn học và văn học dịch. Ông tặng nhóm chúng tôi cuốn sách đó, và rồi mở ra trang báo Văn nghệ Công an có đăng bài nhà văn Lê Hoài Nam viết về nhóm, đề cập đến việc nhóm tập trung dịch ngược văn học Việt Nam để xuất bản ở nước ngoài. Thúy Toàn tỏ ý khen ngợi chúng tôi, nói rằng ông ước ao bao lâu rồi về việc Việt Nam sẽ có đội ngũ dịch giả chuyên nghiệp, phát triển bền vững, mà không thấy xuất hiện. Nay ông kỳ vọng vào Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, sẽ như một dấu hiệu của sự xuất hiện đó. Và điều mới mà Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội làm được, đó là dịch ngược, giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ra được với thế giới.

Dịch giả Thúy Toàn cho biết, ở Việt Nam đã từng có Hội các dịch giả, thành lập từ năm 1907, gồm 300 hội viên. Nhưng sau đó Hội này không tồn tại. Trong những năm vừa qua, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình thành lập, cũng manh nha ý định tạo ra Câu lạc bộ dịch thuật, nhưng rồi việc cũng không thành. Hội Nhà văn Việt Nam từng ra quyết định thành lập Trung tâm dịch văn học, nhưng do không có kinh phí nên cũng không hoạt động. Hiện nay có Câu lạc bộ Thơ dịch do Hội nhà văn Hà Nội đứng ra thành lập 1997, mỗi tháng họp một buổi vào ngày 21 tại Hà Nội, gồm đội ngũ dịch thuật nhiều lứa tuổi, thực hiện dịch và giới thiệu Thơ nước ngoài và thơ Việt Nam bằng 4 thứ tiếng Pháp, Trung, Anh, Nga và chữ Hán. Tuy nhiên CLB Thơ dịch chủ yếu xuất bản tác phẩm ở Việt Nam chứ chưa đưa ra nước ngoài được.

Ông cũng bộc bạch: “Trong giới dịch văn học, tôi kính yêu ông Bằng Việt vì ông ấy nói ra được một câu hay quá: “Nhiều người cứ tưởng văn học là do những nhà thơ, nhà văn làm nên, nhưng không có những dịch giả thì họ chỉ là những con ếch ngồi đáy giếng mà thôi!” Như vậy đó, không có giao lưu văn học, thì không phát triển được.”

Năm 2022, Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội về thăm Nhà Lưu niệm Văn học Nga do dịch giả Thúy Toàn dựng lên tại phố Phù Lưu. Chúng tôi thực sự xúc động trước sự dày công và tình cảm mà ông dành cho dịch văn học nói chung và văn học Nga nói riêng. Thúy Toàn đã viết và xuất bản hơn 10 cuốn sách viết về dịch văn học. Ông cũng đã biên soạn và xuất bản cuốn kỷ yếu về những dịch giả, xuất bản năm 2002, trong đó tập hợp nội dung giới thiệu hơn 300 dịch giả trong nước. Cho đến nay, 20 năm đã trôi qua, ông vẫn tiếp tục tập hợp tư liệu mới về các dịch giả. Ông cho rằng, đã đến lúc cần bổ sung và tái bản cuốn kỷ yếu dịch giả này. Bởi hai thập niên đã trôi qua, có người thì đã mất đi, lại thêm những người mới tham gia công việc dịch văn học. Trong đó, có những người làm việc này rất tâm huyết chứ không chỉ đáo qua cho vui.

Ông kể: “Tôi tích lũy nhiều tư liệu về giới dịch giả. Khi đọc tác phẩm của họ dịch, đọc về bản thân người dịch, tôi thấy yêu họ hơn, thương cảm với họ nữa. Và tôi thấy mình quá hạnh phúc, quá may mắn bởi còn được người đời ghi nhận. Trong khi bao dịch giả làm được những việc rất tốt, nhưng khi chết đi vài năm đã bị quên lãng. Còn tôi, khi mới ra trường, đã được về làm việc tại NXB Văn học, tuy rằng ban đầu chưa có biên chế. Thời đó, xu hướng đọc văn học Nga phát triển mạnh mẽ, và tôi được hòa trong xu hướng đó, dịch mê say. Rồi tôi được nhận về NXB Hội Nhà văn, được rơi vào một trường học mới, được ngồi nghe các bậc gạo cội như Quang Dũng, Khương Hữu Dụng,... chuyện trò, rất sung sướng vì tôi học được từ họ rất nhiều. Họ là những bậc trí thức gai góc, tài năng và tư cách tuyệt vời.  Tôi học họ cách làm việc, biên tập sách và tư cách làm người. Tôi luôn biết ơn những biên tập viên ấy.”

Thúy Toàn là một trong số 100 học sinh được Bác Hồ chọn, cử sang Nga học phiên dịch tiếng Nga năm 1954. Thúy Toàn cho rằng, Bác Hồ rất tinh khi nuôi mầm mống các thế hệ nối tiếp mình bằng cách đó. Thúy Toàn là một trong 20 người sau khóa học phiên dịch tiếng Nga, thì được giữ lại học lên Đại học ở Liên Xô (cũ). Đến năm 1961 ông tốt nghiệp đại học và về Việt Nam làm việc. Cả cuộc đời ông gắn với văn học, văn hóa Nga. Ông được trở lại thăm nước Nga nhiều lần, và sưu tập những hiện vật để sau nay đưa vào trưng bày, lưu giữ trong Nhà Lưu niệm Văn học Nga ở Việt Nam. Tất cả những tư liệu về dịch thuật, hình ảnh, bài báo,... đều được ông giữ gìn cẩn thận, với ý thức dành cho công tác lưu trữ.

Chia sẻ với nhóm tôi những điều tâm huyết về công tác dịch văn học, rồi dịch giả Thúy Toàn tặng chúng tôi bộ sách ông viết về dịch văn học và các tác phẩm văn học Nga kinh điển mà ông đã dịch và xuất bản. Trước khi ra về, ông còn dặn dò chúng tôi thật kỹ: “Tôi rất yêu quý Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Các bạn cần tập hợp nhau lại, thành một tổ chức bền vững và làm công tác dịch văn học thật bài bản, chuyên nghiệp. Đây là một việc làm ý nghĩa cho văn học Việt Nam.”

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn