MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ. Ảnh: NVCC

“Ký ức lịch sử không bao giờ quên”: Một cuốn sách quý giá!

Khánh Phương LDO | 31/10/2021 12:41
Trước đây, tôi từng có dịp tới thăm Nhà máy Xi măng VICEM Hải Phòng. Ở đó, tôi phần nào nắm được tình hình phát triển của nhà máy qua các thời kỳ, thông qua tham quan Phòng truyền thống, thông qua sách báo như “Ca dao công nhân Xi măng”, “Lịch sử Phong trào công nhân Xi măng Hải Phòng”, “Lịch sử Đảng bộ Nhà máy Xi măng”, “100 năm Xi măng Hải Phòng (1899 - 1999)”... Và gần đây nhất là hiểu thêm về nhà máy qua cuốn sách này.

Cuốn sách “Ký ức lịch sử không bao giờ quên” quả thực là một ấn phẩm đặc biệt bởi nhiều yếu tố. 

Điều đặc biệt thứ nhất - Trân trọng lịch sử. Như chúng ta đã biết, sau ngày giải phóng, có vô số tài liệu trong đó bao gồm những bản thiết kế các tòa nhà người Pháp xây dựng ở Việt Nam nói chung và ở Hải Phòng nói riêng đã bị phá hủy. Người ta xem đó là “độc hại”, là “lai căng”, là “của đối phương”... nên không cần phải bảo tồn, giữ gìn. Thế mà, những tài liệu của thời Pháp lại được giữ gìn và sưu tầm cho tới tận ngày nay, để rồi từ đây làm nên chất liệu của cuốn sách này. 

Điều đó nói lên rằng đội ngũ lãnh đạo nhà máy rất có trách nhiệm với lịch sử, họ mang trong mình ý thức gìn giữ, trân trọng quá khứ... Đây là nét văn hóa chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Rất nhiều người đôi khi phiến diện, chỉ nhìn từ một phía. Ví dụ như có rất nhiều sách báo phản ánh việc công nhân bị người Pháp bóc lột tàn tệ, bị đám đốc công cai ký đối xử tàn bạo. Điều ấy không sai nhưng cũng không nên xem nhẹ những nỗi lo ngại, buồn phiền, thậm chí vật vã mà người lãnh đạo thời ấy đã gặp phải. 

Qua cuốn sách này, chúng ta hiểu thêm về họ, những người nắm giữ vận mệnh nhà máy, họ là những người trong ban quản trị, những cổ đông góp vốn cho nhà máy và họ luôn phải căng thẳng về việc sản phẩm xi măng ấy sẽ đi về đâu, làm sao để phát triển, để sinh sôi nảy nở trong hoàn cảnh cách đây hàng trăm năm. Qua cuốn sách, ta thông cảm với họ hơn, rằng họ không phải là những người chỉ biết bóc lột, không phải chỉ biết hưởng thụ, mà họ đã luôn đau đáu với công việc, dành tâm huyết cả về thời gian lẫn vốn đầu tư cho sự phát triển của nhà máy. 

Nhiều trang sách đã giúp ta mở tầm nhìn, để “thấu tình đạt lý” của những người lãnh đạo qua nhiều thời kỳ với biết bao câu chuyện thấm đẫm mồ hôi và nước mắt. Một ví dụ nhỏ sau đây chứng minh điều đó: “Báo “Tiếng vang An Nam” ngày 23.10.1939 đã kể lại hành trình của Albert Butin trên đường tìm kiếm nơi xây dựng nhà máy kéo sợi và nhà máy xi măng. Tờ báo nêu rõ Butin là người lao động miệt mài chăm chỉ, từ sáng đến tối không lúc nào ngơi với những bản vẽ, kế hoạch, việc đặt hàng, yêu cầu, thư từ và thăm nhà xưởng... Ông luôn tồn tại, luôn lớn mạnh, không một sai sót, không chút yếu mềm. Người Hải Phòng có nợ với ông rất nhiều...”

Điều đặc biệt thứ hai của cuốn sách - Dày công sưu tầm tài liệu. Thật đáng nể phục về sự gìn giữ, bảo tồn những tư liệu nêu trong cuốn sách. Phải cảm ơn Tổng giám đốc Mai Hồng Hải, người đã có công sưu tầm và ký thác cho ban lãnh đạo Nhà máy Xi măng Hải Phòng để có cơ duyên được đọc cuốn sách này. Qua đây ta có thể hiểu thêm một cách đầy đủ về lịch sử nhà máy xi măng Hải Phòng từ khi khởi nguồn ý tưởng.

Bìa cuốn sách. Ảnh: NVCC

Đó là giấy tờ ghi lại quá trình hình thành ý tưởng, việc xây dựng và phát triển, tình hình sản xuất kinh doanh hàng năm của nhà máy; thành phần ban quản trị; biên bản các cuộc họp. Trong đó có rất nhiều những bài báo viết về nhà máy được người Pháp sưu tầm. Có bài, có mục dài hơn chục trang, có chỗ chỉ đôi ba dòng. Trong tập tài liệu đó còn có những sự kiện ghi lại ở biên bản các cuộc họp của Hội đồng quản trị và các cổ đông mà qua đó người đọc có thể mường tượng được những chất vấn gay gắt và mối lo ngại về sự phát triển của nhà máy. Rồi những chi tiết như về dòng tộc, gia thế các nhân vật quan trọng. 

Những bài phát biểu trong các chuyến viếng thăm nhà máy của các viên Toàn quyền, các nhà cai trị Đông Dương... đều nguyên vẹn và được nêu tỉ mỉ trong cuốn sách này. Ngạc nhiên hơn là còn có cả các cáo phó của các nhân vật từ ban lãnh đạo đến cả kế toán viên cũng được ghi lại. Đó không phải là những dòng chữ khô khan, mà chứa đựng trong đó cả một lòng trắc ẩn khi người Pháp làm việc tại Việt Nam. 

Điều đặc biệt thứ ba - Dịch giả Nguyễn Hữu Vỹ. Ngoài năng lực dịch thuật, Nguyễn Hữu Vỹ từng là cán bộ của nhà máy một thời. “Người cũ” quả là sự lựa chọn xuất sắc bởi sẽ khó tìm được dịch giả nào vừa hiểu biết, lại vừa có trách nhiệm với nhà máy đến thế. Tôi cũng là một dịch giả nên rất hiểu: Nếu không có trách nhiệm và sự tâm huyết thì làm sao mà đủ kiên nhẫn để dịch từ những mẩu tài liệu cỏn con cho đến dài dằng dặc không đầu không cuối, lại còn phải sắp xếp và xâu chuỗi các sự kiện để người đọc có thể thẩm được nội dung. Tôi gọi đây không đơn thuần là dịch giả nữa, mà chính là người kiêm biên tập, chủ biên và dịch giả. 

Tuy nhiên, có lẽ do quá nhiều nguồn tài liệu, do nội dung cuốn sách được trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau, được xuất bản bằng tiếng Pháp trên các tờ báo, tạp chí, các báo cáo, tin vắn,... nên đôi chỗ có những tình tiết không logic, trùng lặp. Nếu có tái bản, hãy lưu ý đến trình tự thời gian sắp xếp với những dữ kiện xảy ra sao cho hợp lý hơn, đồng thời nên rút gọn câu chữ để người đọc tiện theo dõi hơn. 

Trong không khí mừng cho sự đổi thay của Hải Phòng nói chung và của nhà máy Xi măng VICEM Hải Phòng nói riêng, từ sâu thẳm gọi về quá khứ, chúng ta không được phép quên đi sự khởi nguồn. Nhà máy Xi măng thuở xa xưa là nơi gắn bó không chỉ với người Hải Phòng mà còn là chốn nương náu của những người viễn xứ. Đây là cuốn sách vô cùng quý giá cho toàn thể đội ngũ lãnh đạo, công nhân viên của nhà máy. Những người đã từng, đang và sắp tham gia vào công cuộc phát triển của nhà máy sẽ vô cùng hữu ích và phấn khởi khi tiếp cận được cuốn sách này.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn