MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Shinjuku, một trong ba khu phố mua sắm lớn nhất ở Tokyo, với hệ thống chợ sầm uất dưới lòng đất. Ảnh: Dương Dương Blog

Lạc lối ở Nhật Bản

Phạm Huyền LDO | 18/06/2023 07:39

Hoàng Thùy Dương blogger đến từ Bắc Giang, dành 12 ngày rong ruổi khắp những thành phố đẹp của Nhật Bản như Tokyo, Osaka và Kyoto... vào đầu tháng 4. Nhưng chuyến đi chẳng hề khởi đầu nên thơ khi cô lên đường mà lòng bộn bề lo lắng vì không có người đồng hành trong toàn bộ hành trình ở một đất nước xa xôi, nơi tiếng Anh không thực sự hữu ích.

Lạc đường là bình thường

Nỗi lo lớn nhất, đặc biệt với một người tự gọi bản thân là “mù đường” xác định phương hướng kém như Thùy Dương, chính là đi lạc.
“Đã có lúc mình định bỏ visa vì lo lắng. Trước khi lên đường mình đã phải hỏi kinh nghiệm của các bạn du học sinh và người từng du lịch ở Nhật Bản để biết cách tìm đường khi chỉ có một mình. Được mọi người hướng dẫn và trấn an tinh thần nên mình mới liều lên đường” - cô chia sẻ.
Để khắc phục điểm yếu về ngôn ngữ, đầu tiên cô lên lịch trình cụ thể, ghi tên địa điểm bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh rõ ràng, để tìm đường và hỏi đường nhanh chóng.
“Chắc nhiều người sẽ cười vì ai cũng biết dùng Google Maps. Nếu bạn ở một nơi quá lâu và quen đường rồi, địa chỉ lại rõ ràng, viết bằng tiếng mẹ đẻ, phương tiện công cộng không phức tạp thì không có gì phải lo. Còn ở Nhật, đường phố siêu rộng, mạng lưới giao thông chằng chịt, biển hiệu viết bằng tiếng Nhật thì mọi chuyện phức tạp hơn rất nhiều”, blogger 9x chia sẻ.
Bài toán “khoai” nhất với một khách du lịch lần đầu ghé thăm Nhật Bản chính là giải mã bản đồ tàu điện ngầm. Thùy Dương phải học cách xem tuyến tàu, giờ khởi hành, chuyển tàu, biển chỉ dẫn bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật, hiểu hệ thống vạch kẻ đường... “Mọi người phải đi rồi mới hiểu... cực kỳ khó nha! Kể cả bạn mình ở Nhật đã hơn nửa năm, vẫn lạc đường, vẫn bắt nhầm tàu” - cô nói.
Quả thực, du khách sẽ choáng ngợp trước sơ đồ hệ thống tàu điện phức tạp đan xen như mắc cửi, nhất là tại những thành phố lớn của Nhật Bản. Đơn cử như tại Tokyo - nơi sở hữu hệ thống tàu điện ngầm phức tạp nhất thế giới, có tổng cộng 13 tuyến và 274 nhà ga kết nối 23 quận, phục vụ trung bình 8 triệu lượt khách một ngày.
Chỉ riêng tại một nhà ga Shinjuku, trung bình có 3,64 triệu hành khách sử dụng tàu điện ngầm mỗi ngày. Shinjuku cũng chính là nhà ga tàu điện ngầm đông nhất thế giới, theo tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới. Nhà ga này có hơn 200 lối ra và thậm chí còn một ứng dụng riêng để giúp hành khách xác định phương hướng.
Chuẩn bị kỹ là vậy, Thùy Dương vẫn gặp những tình huống bất ngờ đòi hỏi phải vận dụng tất cả kỹ năng để xử lí. Sự cố thót tim nhất xảy đến vào đúng ngày cuối cùng Thùy Dương ở Nhật.
“Kỷ niệm đau thương nhất là đi nhầm tàu trên đường ra sân bay Narita về Việt Nam. Đáng ra phải dừng ở nhà ga sân bay số 2 (Terminal 2) thì mình đi thẳng về nhà ga số 1 (Terminal 1). Phải bắt tàu quay ngược lại đã đành, khi mình hỏi nhân viên ở trạm bằng tiếng Anh "Đây có phải Terminal 2 không?", họ lại đáp bằng tiếng Nhật và ra hiệu gì đó mình không hiểu”, cô hồi tưởng.
Trong tích tắc cửa tàu đóng lại, đưa cô đến trạm xa sân bay hơn mà lúc này cô mới nhận ra mình đã đi nhầm ga tàu. Một lần nữa Thùy Dương phải bắt tàu quay ngược về sân bay, lần này mới đúng điểm để kịp checkin chuyến bay về nước.

Hoàng Thùy Dương checkin núi Phú Sĩ - biểu tượng của Nhật Bản. Ảnh: Dương Dương Blog

Cứ đi rồi sẽ đến

Trước khi lên đường, Thùy Dương đã nghĩ Nhật Bản rất đẹp, nhưng cái gì cũng đắt, người dân khó gần, không thân thiện lắm... “Đây cũng là lần đầu tiên ra nước ngoài một mình nên bản thân Dương lo lắng nhiều, không biết liệu có an toàn, có cô đơn không hay chắc mình sẽ đi lạc suốt thôi vì chẳng ai giúp đỡ”, cô bày tỏ.
Nhưng xứ sở hoa anh đào đã chào đón cô theo cách không thể ấn tượng hơn, từ cảnh sắc, con người đến ẩm thực đều đưa cô đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhật Bản sạch sẽ, hiện đại và đẹp ngoài sức tưởng tượng của blogger này. Khi đặt chân xuống sân bay, lên tàu về Tokyo, ngắm qua cửa kính Thùy Dương thấy một thế giới khác đang hiện ra trước mắt mình. “Khung cảnh lướt đi như một cuốn truyện tranh. Dù đi qua thành phố hay làng quê, cảnh vật đều nên thơ, thanh bình khó tả”, cô nói.
Khoảnh khắc hạnh phúc nhất chuyến đi này với Thùy Dương là khi thấy núi Phú Sĩ sừng sững ngay trước mặt. Đó vốn là khung cảnh từ bé cô đã hằng ao ước ngắm nhìn tận mắt khi đọc truyện, xem phim hoạt hình và biết đến ngọn núi biểu tượng của Nhật Bản.
“Được ngắm tận mắt núi Phú Sĩ, cảm xúc như vỡ oà. Ngọn núi này thực sự có một không hai trên thế giới, sức cuốn hút kỳ lạ. Đây cũng là nơi đẹp nhất, đáng đi nhất trong hành trình của mình” - cô cảm thán.
Trong mắt Thùy Dương, người dân Nhật Bản rất văn minh, lịch sự và khá thân thiện. “Từ khi bước vào cửa hải quan, nhập cảnh đến khi lên tàu, mỗi khi nghe tiếng Nhật từ nhân viên an ninh, lễ tân... mình đều thấy rất dịu dàng, thân thương. Họ thật sự tử tế và chu đáo, biết mình là khách du lịch không rõ đường nên chỉ dẫn tận nơi. Ai có thời gian hoặc tiện đường họ còn dẫn mình đi cùng”, cô kể.
Khép lại chuyến khám phá Nhật Bản gần nửa tháng, Thùy Dương chỉ tiếc bản thân không có nhiều thời gian, nhiều tiền hơn nữa để đi nhiều hơn. Cô đến Nhật vào mùa xuân để cảm nhận được sức sống tươi mới của xứ sở hoa anh đào nên còn muốn quay lại vào mùa thu để ngắm lá đỏ và dành nhiều thời gian nhất ở cố đô Kyoto - nơi để lại nhiều kỷ niệm đẹp.
Hành trình dám dấn thân đem đến cho Thùy Dương những trải nghiệm lần đầu tiên đáng nhớ. “Chuyến đi này đã giúp bản thân không còn sợ du lịch ở nước ngoài một mình nữa. Dù đường đi có phức tạp, phương tiện hiện đại tới đâu, mình cũng từng trải qua cảm giác đó rồi. Mình sẽ học được cách sử dụng để đi thôi. Mỗi miền đất mới lại cho mình những trải nghiệm thú vị ngoài sức tưởng tượng, giúp mình trưởng thành hơn, tự tin hơn. Đi rồi sẽ đến!” - nữ blogger bộc bạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn