MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lai dắt Đại Hùng 01 vào bờ. Ảnh: DQS

Lai dắt “sân vận động” trên biển

nguyễn huy minh LDO | 25/07/2020 15:51
Một cuộc vượt sóng gió trùng khơi vừa diễn ra trên biển Đông: Giàn khai thác tự nâng lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam được những người kỹ sư, công nhân Dầu khí lai dắt ngót nghìn cây số vào bờ để duy tu, sửa chữa. Giàn Đại Hùng 01 nửa nổi nửa chìm, có kích thước khổng lồ như một sân vận động, với tổng trọng tải tới 9.880 tấn, do đó việc lai dắt không hề dễ dàng gì.

Trước đây, Đại Hùng là giàn khoan, sau năm 1994 được sửa chữa và hoán cải thành giàn khai thác. Đại Hùng 01 dài 108,2m, rộng 67,36m, chiều dài boong chính 68,6m, mớn nước tối đa 21,3m, là một khối tài sản quốc gia không nhỏ. Để tháo tách Đại Hùng 01 khỏi vị trí tại mỏ, người ta phải ngắt các đường ống nối từ các giếng khai thác ngầm lên kết nối trên giàn. Các đường ống này đều có tuổi thọ cao nên quá trình tháo tách diễn ra rất thận trọng, để đảm bảo không làm hư hại. Đồng thời, ngắt kết nối các xích có đường kính 98mm giữ giàn, thả xuống biển để chờ mai này khi Đại Hùng 01 quay về thì kéo lên neo lại. Chỉ tính riêng công việc tháo tách giàn đã mất khoảng 20 ngày.

Đại Hùng 01 có trọng tải lớn, trọng tâm nổi cao và diện tích hứng gió lớn nên chịu ảnh hưởng mạnh đến tính ổn định của giàn trong quá trình lai dắt. Từ mỏ Đại Hùng, một vị trí mà nhìn trên bản đồ, tôi hình dung nó như đỉnh phía đông bắc của một tam giác mà hai đỉnh kia là Côn Đảo và cửa Cửu Long đổ nước ra biển Đông, giàn được đưa về phao số 0 Dung Quất theo hải trình đã vạch, dài  khoảng 450 hải lý tương đương 835km, tốc độ di chuyển trung bình 3,9Knots, với 5 ngày ròng rã trên biển. Chặng đường này do PTSC-POS/TOS đảm trách, tàu kéo TC FORTUNE có công suất trên 12.240 mã lực kéo chính và tàu HD79 có công suất 12.070 mã lực hộ tống. Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) chịu trách nhiệm kéo giàn từ phao số 0 vào dock, khoảng cách còn lại này chỉ 3,5 hải lý nhưng đã được huy động các tàu “hạng nhất” trong đội hình: Dung Quất 01, công suất 2.560 HP - kéo chính, Sông Hồng 03, công suất 3.200 HP (azimuth) - lai cập mạn; Tân Cảng A4, công suất 2.400 HP (azimuth) - lai cập mạn; PW Zeta, công suất 3.200 HP (azimuth) - lai cập mạn; Tân Cảng 18, công suất 5.054 CV - giữ lái. Điểm khó khăn nhất là Đại Hùng 01 không có điểm tỳ cho các tàu lai do chiều chìm pontoon chỉ nổi khoảng 200mm, do đó toàn bộ điểm tiếp xúc (đẩy, lùi) phải tỳ vào skirt (giá đỡ neo) của giàn; chiều rộng của giàn khi chưa cắt skirt khoảng 78m trong khi chiều rộng dock là 86m nên việc kéo giàn vào nếu không khống chế được dao động sẽ xảy ra va chạm giữa skirt với lan can và thành dock, gây ra thiệt hại nặng nề. Bên cạnh đó là những hiểm nguy rình rập: Đứt dây kéo; vướng dây kéo vào chân vịt, bánh lái; va chạm cứng với giàn được lai dắt; va vào các bờ dock; người rơi xuống nước khi lên xuống giàn; va chạm đá ngầm; gặp gió lớn cấp 5 trở lên khi đang kéo giàn khiến chậm tiến độ, gây thiệt hại tài sản, hư hỏng giàn thậm chí gây thương tật, chết người hoặc chết nhiều người. Bởi vậy, toàn bộ quá trình lai dắt từ phao số 0 vào dock được chỉ huy bởi hai hoa tiêu ngoại hạng.

Mặt biển nhìn từ boong Đại Hùng 01. Ảnh: PTSC-POS/TOS

Tuy nhiên, không một sơ suất đáng kể nào đã xảy ra như lo lắng.

Trong lần nằm bờ này, toàn bộ phần chìm của Đại Hùng 01 sẽ được làm sạch, 5km ống các loại sẽ được hàn, toàn bộ thiết bị, máy móc, điện được bảo dưỡng... chờ ngày về lại với biển Đông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn