MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô Nguyễn Thị Nguyệt và chú Nguyễn Thanh Toàn hạnh phúc khi làm cha mẹ ở tuổi lục tuần.

Làm cha mẹ ở tuổi lục tuần

lệ hà LDO | 05/09/2017 07:00
Trong hành trình đi tìm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ, không ít gia đình đã mất hàng chục năm. Mỗi người một hoàn cảnh nhưng mong ước cuối cùng vẫn là có đứa con. Nhờ sự tiến bộ của y học, các biện pháp hỗ trợ sinh sản ra đời đã giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn đạt được ước nguyện.

Hạnh phúc muộn mằn

Trường hợp của vợ chồng cô Nguyễn Thị Nguyệt và chú Nguyễn Thanh Toàn, cùng 61 tuổi, Lạng Giang, Bắc Giang có lẽ là đặc biệt hơn cả. Trên khuôn mặt rạng ngời, cô Nguyệt bế cậu con trai 18 tháng tuổi khoe: “Con trai tôi đấy!”. Nhìn vào ai cũng nghĩ đó là ông bà bế cháu nhưng khi biết câu chuyện của vợ chồng cô Nguyệt ai cũng nể phục và thầm chúc phúc cho gia đình cô, bởi cô chú sinh con khi đã bước vào tuổi 60, cái tuổi đã lên ông, lên bà.

Cô Nguyệt là giáo viên nghỉ hưu, chú Toàn là bộ đội về mất sức. Vợ chồng cô Nguyệt có 2 con gái đã trưởng thành. Con gái đầu lấy chồng năm 2010 và đã có con. Vợ chồng cô đã lên chức ông bà ngoại mấy năm nay. Trong suy nghĩ vợ chồng cô Nguyệt chưa bao giờ nghĩ sinh thêm con thứ ba. “Con nào cũng là con, miễn là các con ngoan ngoãn, trưởng thành. Thế nhưng, năm 2011, con gái thứ hai phát hiện bị ung thư máu giai đoạn cuối và qua đời gần 1 năm sau đó, khiến mọi chuyện đảo lộn”, cô Nguyệt bùi ngùi.

Phải mất thời gian dài, gia đình cô Nguyệt mới vượt qua mất mát lớn và ổn định lại cuộc sống. Trong nhà chỉ còn hai vợ chồng già, cô Nguyệt bàn với chồng sinh thêm con. Khi vợ nói ra ý định chú Toàn không khỏi bất ngờ: “Ở cái tuổi lục tuần còn sinh nở gì nữa”. Không từ bỏ ý định, cô Nguyệt tiếp tục động viên chồng. Năm 2012, hai vợ chồng đã tìm đến nhiều cơ sở với mong muốn sinh thêm con. Kết quả nhận được là những cái lắc đầu cô Nguyệt đã lớn tuổi.

“Họ cũng khuyên vợ chồng tôi nên từ bỏ ý định vì nếu mang thai sẽ dễ mắc tim mạch, huyết áp cao rất nguy hiểm. Nhiều người còn khuyên vợ chồng tôi xin con nuôi nhưng tôi vẫn muốn thử thêm lần nữa”, cô Nguyệt nhớ lại.

Đến năm 2015, vợ chồng cô Nguyệt được giới thiệu tới tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Cũng như những nơi vợ chồng cô Nguyệt đã tới, các bác sĩ cũng e ngại vì tuổi cô Nguyệt đã lớn. Nhưng khi cô Nguyệt trình bày hoàn cảnh các bác sĩ đã dồn sức giúp vợ chồng cô. May mắn, các kết quả kiểm tra tốt, bác sĩ chỉ định biện pháp ICSI, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, chuyển 5 phôi. Kết quả, thai đậu.

“Thai đậu hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng do tôi tuổi cao, quá trình mang thai hết sức gian nan. Khi 3 tuần tuổi, thai doạ sảy, tôi phải nằm bệnh viện 6 tuần, sau đó liên tiếp tiêm giữ thai 3 tháng và hạn chế đi lại suốt thai kỳ. Dù tuổi cao mang thai khó nhưng tôi ăn ngủ được, không bị nghén”, cô Nguyệt kể.

Khi thai 37 tuần, cô Nguyệt bước sang tuổi 60 và được sinh mổ. Bé trai khoẻ mạnh nặng 2,6kg chào đời trong niềm vui sướng và hạnh phúc của cả gia đình. Con trai được cô Nguyệt đặt tên là Nguyễn Trọng Khánh nay đã 18 tháng tuổi bụ bẫm, đáng yêu. “18 tháng nhưng bé chưa biết viên thuốc kháng sinh là gì. Bé được bú mẹ toàn toàn. Trộm vía, con cứ ăn no là ngủ, không quấy khóc gì nên bố mẹ đỡ vất vả. Nếu ai không biết cứ ngỡ vợ chồng tôi đang chăm cháu”, cô Nguyệt khoe.

Phao cứu sinh của các gia đình hiếm muộn

Bác sĩ Lê Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, cho biết: Trường hợp của vợ chồng cô Nguyệt khá đặc biệt. Khi tiếp nhận cặp vợ chồng này chúng tôi cũng đắn đo rất nhiều, vì tuổi của cả hai đã cao. Nhưng thấy hai người khao khát có con, mà mọi chỉ số vẫn trong khả năng của chúng tôi, nên chúng tôi đã đồng ý thực hiện và cuối cùng thành công đã đến. Đây cũng là trường hợp phụ nữ lớn tuổi nhất ở Việt Nam sinh con cho tới thời điểm này.

Bế con 5 tháng tuổi đến Bệnh viện Bưu điện. Hà Nội kiểm tra sức khỏe, chị Lê Thu Nhung, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội vui mừng khoe với BS Nguyễn Thị Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản: “Em bé sinh ra khi tinh trùng bất động đây ạ. Em bé trộm vía phát triển tốt”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã nhớ ngay trường hợp của chị Nhung vì đây là ca đặc biệt với bản thân chị và Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Bác sĩ Nhã kể, trường hợp của vợ chồng Nhung là ca đầu tiên tinh trùng bất động mà trung tâm thực hiện. Chồng Nhung được xác định tinh trùng liệt đuôi, khả năng có con tự nhiên là không thể. Sau khi xác định được bệnh, cả hai vợ chồng mong muốn, quyết tâm có con nên đã nhờ các bác sĩ giúp đỡ.

“Tinh trùng yếu nhưng vẫn sinh con nhờ sự hỗ trợ của y học hiện nay đã được nhiều cơ sở y tế thực hiện. Nhưng tinh trùng bất động 100% là những trường hợp nan giải. Bạn cứ tưởng tượng tinh trùng xuất ra nhưng bất động, không một con nào có biểu hiện của sự sống. Các bác sĩ đã mang tinh trùng đi lọc rửa, kiểm tra bằng bằng kỹ thuật HOS-Test (Hypo-osmotic Swelling Test) xem trong số đó con nào sống. Số tinh trùng nằm im được cho vào môi trường nhược trương.

Bình thường tinh trùng sống trong môi trường đẳng trương nhưng khi muốn tìm con tinh trùng nào sống, con nào chết thì thả tất cả vào môi trường nhược trương. Những con sống sẽ phản ứng, cong đuôi lên. Những “con giống” này sau đó được tiêm trực tiếp vào bào tương trứng. May mắn lần đầu thực hiện vợ chồng chị Nhung đã thành công. Sau 9 tháng 10 ngày bé được sinh ra khỏe mạnh”, bác sĩ Nhã chia sẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, lâu nay khi hiếm muộn các ông chồng thường đổ lỗi cho vợ, nhưng thực tế nhiều trường hợp do nam giới. Các điều tra đã cho thấy, 40% nguyên nhân do người chồng, 40% do người vợ và 20% không rõ nguyên nhân. Nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh ở nam giới như một số phẫu thuật, di chứng tổn thương tủy sống... nhưng chủ yếu tinh trùng ít, tinh trùng yếu, không có tinh trùng.

Vô sinh hiếm muộn ngày càng trở nên phổ biến đang là mối lo ngại lớn của các cặp vợ chồng (ngay cả các cặp vợ chồng trẻ). Sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong ngành sản phụ khoa đã mang lại hy vọng nhiều hơn cho những cặp đôi hiếm muộn.

Sau 20 năm, Bộ Y tế cho phép thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ngày càng có nhiều kỹ thuật mới được các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước áp dụng như thụ tinh trong ống nghiệm, kích trứng, mang thai hộ, xin trứng, xin tinh trùng... giúp hàng chục ngàn cặp vợ chồng chẳng may mắc vô sinh, hiếm muộn sớm thực hiện mơ ước làm cha mẹ.

Một trong những kỹ thuật đó phải kể tới trữ lạnh và rã đông phôi là một trong những kỹ thuật giúp đưa lĩnh vực hỗ trợ sinh sản lên một bước tiến mới đã được nhiều cơ sở y tế áp dụng thành công. Việc trữ lạnh và rã đông phôi sẽ giúp trữ lại những phôi dư có chất lượng tốt của bệnh nhân, tránh được sự lãng phí, tiết kiệm chi phí cho lần điều trị sau và đặc biệt là giảm được gánh nặng về thể chất và tâm lý cho bệnh nhân do quá trình kích thích buồng trứng mang lại.

“Những thành tựu trong việc điều trị vô sinh, hiếm muộn là minh chứng cho những nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ. Mặt khác, việc gặp những trường hợp khó càng thúc đẩy các bác sĩ nỗ lực hơn nữa để mang đến niềm hạnh phúc cho các cặp vợ chồng chẳng may mắc hiếm muộn. Bởi chúng tôi hiểu rằng, làm cha, làm mẹ là thiên chức thiêng liêng, là khát khao của mọi cặp vợ chồng”, bác sĩ Lê Thu Hiền chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn