MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Làm cho hiện hữu - “vẽ cái mông lung”

Hải An LDO | 03/12/2017 08:50
Là một người yêu hội họa đặc biệt, sau 59 năm cầm bút vẽ lặng lẽ và nghiêm cẩn “một tốc độ”, họa sĩ Đặng Huy Quyển đã để lại dấu ấn riêng bằng hàng trăm bức tranh. Tình yêu cuộc sống và tình yêu nghệ thuật đã khởi nguồn và nuôi dưỡng niềm say mê ông dành cho hội họa, nhưng không dừng lại ở đó, chúng còn lan tỏa đến những trang văn. “Vẽ cái mông lung” là trang tiếp của dòng chảy đó.

Cuốn sách gần 150 trang khổ nhỏ bao gồm 68 tự sự truyện được Đặng Huy Quyển viết rải rác trong 17 năm. Trước khi đến tay bạn đọc, bản thảo của chúng đã có một thời gian nằm trong ngăn kéo của tác giả cũng như các nhà xuất bản. Ban đầu, tác giả đặt tên cuốn sách là “Hiện thực mờ” như là cách mở ra chiều suy tưởng xuyên suốt về một “hiện thực khác”, khó nắm bắt nhưng vẫn tồn tại trong đời sống. Bằng cảm quan riêng, tác giả đã “dựng ra” thế giới ấy bằng chữ, dùng lối kể chuyện, thủ pháp nhân hóa, bồi thấn (tăng dần mức độ), tương phản… giúp người đọc có thể hình dung.

“Vẽ cái mông lung” có thể chia ra làm hai mảng, một mảng là những chiêm nghiệm, dẫn giải về đời sống (trong đó người viết chủ yếu đóng vai trò quan sát) và mảng thứ hai là những tự sự về nghệ thuật (trong đó tác giả thường trở thành nhân vật). Nếu như mảng về đời sống có “Làng tôi”, “Lòng mẹ”, “Môn toán ở quốc gia lẩm bẩm”, “Lời ru”, “Ven đô”, “Lòng kính trọng”, “Những con đường”, “Bò và người”, “Luận về khí”, “Không gian cong”... thì mảng tự sự nghệ thuật có “Cái vòng tròn khiêm tốn”, “Rỗng không”, “ Hoàng đế của thơ”, “Những nạn nhân của danh vọng”, “Đạo sĩ và đứa bé”, “Vẽ cái mông lung”, “Cánh đồng giấy trắng”... Điểm chung của cả hai mảng là mỗi câu chuyện tác giả viết rất ngắn (trừ câu chuyện cuối cùng của cuốn sách quanh một làng “Ven đô”), văn phong giản dị nhưng lại khiến độc giả phải suy nghĩ khi đọc xong.

Người đọc không lường trước, đoán trước câu chuyện tác giả định nói và luôn trong tình trạng dễ tin các chi tiết “khó tin” như: “Thằng bé tháo mồm kẹp vào nách rồi lắp một cái tai vào chỗ mồm, nó vái ông ba vái đi về phía mặt trời” (Đạo sĩ và đứa bé), “Những con ngựa mặc áo da ngựa. Những con trâu mặc quần da trâu. Và con người... mặc quần áo da người, leo lên trèo xuống trên cái cầu vồng ưỡn cong trong thời tiết...” (Có một sự đi) hay “Lắng nghe thì thấy. Trong cái niêu đất úp chụp kia có tiếng khóc hài nhi” (Tình yêu và hạt cơm) hoặc “Có cái gậy dẫn một người, người ấy vừa đi vừa hát, anh ta chọc cái gậy vào mắt tôi” (Thính tai, tinh mắt)... Bởi tác giả luôn đặt các chi tiết trong một sự dẫn giải hợp lý và đầy tính sự ước lệ. Tức là đã làm cho chi tiết trở thành biểu tượng hàm chứa một ý nghĩa nào đó chứ không còn là chi tiết đơn thuần tự thân.

Xuất phát từ quan niệm: Bắt đầu từ cái may và không may trong cuộc sống và người ta không giải thích được tại sao lại may, tại sao lại gặp tai họa, người ta tin là có một “thế lực” khác, tin vào số phận, định mệnh, thánh thần. Cũng như hai mặt của cuộc sống, mặt “hiện ra bên ngoài” ai cũng thấy và mặt “khuất đằng sau lưng” không thấy nhưng có khả năng chi phối “mặt hiện ra”. Đặng Huy Quyển có lẽ đã đi vào sâu cái miền sâu khuất ấy và gọi tên nó, một “hiện thực mờ” song hành cùng hiện thực, một “hiện thực mờ” làm tỏ hiện thực, một “hiện thực mờ” có khả năng dẫn dắt hiện thực. Con người là một phần của tạo hóa và nên học cách chung sống hài hòa với vạn vật thay vì tàn phá môi trường sống của chính mình và của vạn vật. Con người hãy trở về mình, trước tiên hãy khám phá mình, ở nhiều phương diện, để có nhận thức đúng, quan niệm đúng trước khi hành động đúng.

Một họa sĩ nếu chuyên tâm vẽ thì “đến hết đời cũng không đi hết con đường mình đi”. Cái chân lý nghề giản dị “vẽ hình cho vững, vẽ màu cho đẹp, bố cục cho chặt”, “đi mãi vẫn chưa đến đích” lại còn “tạt ngang” sang chữ nghĩa, viết lách? Với Đặng Huy Quyển, để đi con đường sáng tạo, bên cạnh kiến thức chuyên môn còn cần nền tảng kiến thức chung, trải nghiệm cuộc sống và trí tuệ. Hiểu cái khác, soi vào lăng kính khác cũng chính là cách thực hành con đường mình đi. Văn chương hay hội họa, cũng chỉ là cách diễn tả bổ sung cho nhau trên con đường ấy.

Họa sĩ Đặng Huy Quyển sinh năm 1948, hiện sống ở Hà Nội. Ông đến với hội họa tự nhiên, từ 10 tuổi đã say mê học vẽ, nhưng phải làm nhiều nghề, tìm đủ cách để được theo nghiệp vẽ suốt đời. Theo lối vẽ biểu hiện, đến nay ông đã vẽ khoảng 700 tranh sơn dầu nhưng chỉ ít bạn bè được xem tranh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn