MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Nam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá khoá XIII.

"Lạm phát" lãnh đạo: Đừng đổ do “thiếu quy định”

tuệ nhi LDO | 24/09/2017 18:45
“Quy định từ trước tới nay vẫn thế, địa phương, sở, ban, ngành nào cũng áp dụng như vậy tại sao có nơi có có nơi không? Chưa bao giờ, tôi thấy tình trạng bổ nhiệm cán bộ nhiều hơn nhân viên như vậy...

Chung quy lại, tất cả vẫn chỉ là do người thực hiện”, ông Lê Nam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá khoá XIII - nhận định về việc “lạm phát” lãnh đạo. 

Theo ông, việc có quá nhiều lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên trong cơ quan nhà nước xuất phát từ những nguyên nhân nào?

Câu chuyện quá nhiều phó phòng, chức danh lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước có thể xuất phát từ nguyên nhân, đầu tiên phải kể đến là do hệ thống quy định còn đang bỏ ngỏ. Trong khi đó, các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ tại các bộ, ngành và các địa phương cũng chưa đưa ra những quy định áp dụng chung và dường như “thả” bổ nhiệm.

Chính vì thế, có nơi theo yêu cầu, cũng có nơi theo sở thích, mong muốn của lãnh đạo cơ quan hoặc theo nguyện vọng của cá nhân người được bổ nhiệm. Gốc của vấn đề là do quy định và luật.

Công luận, báo chí đã phát giác và nói về việc này vài năm nay rồi nhưng đến nay vẫn chưa có quy định hay điều chỉnh nào.

Theo lý giải của nhiều địa phương, việc bổ nhiệm là do nhu cầu thực tế và đều “đúng quy trình”. Ông nhận định như thế nào về việc này?

Theo tôi, hiện có 3 nhóm người được bổ nhiệm. Nhóm thứ nhất, là những người có năng lực, có nguyện vọng, có chí tiến thủ, muốn cống hiến... thì các sở, ban, ngành có điều kiện, luật không cấm thì sẽ bổ nhiệm. Trong trường hợp này, những người làm lãnh đạo cũng muốn có chính sách, điều kiện để động viên những anh em có thực lực. Số này cũng không phải ít.

Nhóm thứ 2 là không có nhu cầu, không xứng đáng, không được tín nhiệm nhưng vẫn được bổ nhiệm do có quan hệ, có ưu ái, là con ông cháu cha... hoặc do những ý đồ cá nhân trong bổ nhiệm cán bộ và người ta cứ đề bạt lên.

Nhóm cuối cùng là những người “chạy” chức, chạy quyền và đương nhiên sẽ có những hành vi tiêu cực.

Nói như thế nào đi chăng nữa, thì việc bổ nhiệm quá nhiều lãnh đạo là việc làm không nên. Chúng ta cần nhanh chóng có những quy định, nhanh nhạy hơn trong công tác quản lý nhà nước về công tác tổ chức cán bộ để có ngay những điều chỉnh để giải quyết thực trạng.

Đối với 1 người thì số tiền được hưởng phụ cấp chức vụ là không lớn nhưng tính chung trên toàn quốc thì sẽ là một khoản rất lớn.

Theo ông, tác hại của việc “lạm phát” lãnh đạo là như thế nào và biện pháp khắc phục?

Việc bổ nhiệm dư thừa lãnh đạo có tác hại lớn nhất là làm rối loạn công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Những chuẩn mực về công tác cán bộ bị phá vỡ ngay từ cấp dưới sẽ ảnh hưởng đến các cấp trên nữa, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Thẳng thắn nhìn nhận, thiếu quy định là trách nhiệm của trung ương. Tuy nhiên, bản thân người đứng đầu các địa phương và các đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ thì cũng phải xem lại mình trong việc này.

Quy định từ trước tới nay vẫn thế, địa phương, sở, ban, ngành nào cũng áp dụng như vậy tại sao nơi có nơi không? Chưa bao giờ, tôi thấy tình trạng bổ nhiệm cán bộ nhiều hơn nhân viên như vậy... Chung quy lại, tất cả vẫn chỉ là do người thực hiện.

Chúng ta cần sớm có chấn chỉnh, đừng chờ nữa để không tái diễn các hiện tượng tương tự. Chúng ta cứ bàn mãi như thế này, báo chí nói thậm chí cũng có đồng chí lãnh đạo nói nhưng không biến thành các quy định cụ thể có tính chất bắt buộc thì người ta vẫn cứ làm.

Ngoài ra, những đơn vị trót làm thì cần mạnh dạn cắt giảm lãnh đạo chứ không để chấp nhận như “chuyện đã rồi” để hậu quả lúc nào cũng phải gánh rất lớn.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn