MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Hải Dương có 5 phòng thừa cấp phó. Ảnh: GĐ&XH

“Lạm phát” lãnh đạo: Lỗi do đâu?

Huyên Nguyễn LDO | 23/09/2017 16:57
Việc dư thừa lãnh đạo, đặc biệt là cấp phó trong thời gian qua ở khắp nơi đều được biện minh là do... chưa có quy định. Vậy, các cơ quan cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào và biện pháp khắc phục ra sao?

Khắp nơi dư cấp phó

Thời gian qua, dư luận hết sức bất bình trước hiện tượng “lạm phát” cán bộ xảy ra ở nhiều cơ quan, ban ngành của trung ương và địa phương. Nhắc đến nhiều nhất vẫn là câu chuyện tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương với 46 công chức thì có đến 44 người làm lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên.

Hay mới đây, việc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc có 46 công chức nhưng có tới 37 người làm lãnh đạo, trong đó một số phòng ban có 100% là lãnh đạo cũng khiến chúng ta phải nhìn lại. Trả lời về việc bổ nhiệm thừa lãnh đạo này, đại diện các đơn vị hầu hết đều đưa ra lý do mới chỉ có quy định về số lượng cấp phó tới cấp sở, chưa có quy định tới cấp phòng.

Không chỉ ở địa phương mà ngay cả trung ương hiện tượng này cũng diễn ra ở nhiều bộ, ngành. Tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội với Chính phủ để hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2016 hồi tháng 8 vừa qua nêu rõ việc tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, số đầu mối đơn vị hành chính tăng.

Bộ máy cồng kềnh, quá nhiều đầu mối đã làm số lượng công chức giữ vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên rất lớn, dẫn đến mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý với số tham mưu. Không chỉ có vậy, với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy nhân sự thì số lượng lãnh đạo lại càng tăng lên.

Cụ thể, vào năm 2011, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) là 12.216 người, tỉ lệ 1/6, tức là 6 người thì có 1 cán bộ quản lý. Nhưng đến tháng 12.2016, số công chức quản lý đã lên con số 13.556 người, tỉ lệ nâng lên 1/5.

Cùng với đó, ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng từ 3.871 người (năm 2011) lên 4.619 người (cuối năm 2016), tỉ lệ là 1/2 và 4/7. Đặc biệt, có những ngành tỉ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức cao như Bộ Công Thương là 3/4; Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5. Ở các địa phương Hà Giang, tỉ lệ này là 3/4; Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Kiên Giang là 1/2...

Bất hợp lý

Trước thực trạng “lạm phát” cán bộ như trên, cần một sự nhìn nhận thẳng thắn để tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục. Theo ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, sẽ có nhiều lý do biện minh cho việc này như bệnh hình thức, vừa để lấy chế độ, danh vị, quan hệ công tác vừa giải quyết khâu “oai”.

“Những hiện tượng này rất phản cảm, làm cho người dân thấy bộ máy hành chính thiếu nghiêm túc. Rõ ràng, các đơn vị đang lợi dụng việc quy định về số lượng cấp phó không rõ ràng để bổ nhiệm”, ông Pha nhận định.

Phó Chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết thêm, từ thực tế các quy định về bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ cấp phó phòng chưa được chặt chẽ thì về mặt thể chế là phải nhanh chóng sửa đổi. Các cơ quan tổ chức của Đảng, nội vụ của nhà nước phải sâu sát, khẩn trương khắc phục những điểm còn thiếu sót, đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về công tác quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Vinh - ĐBQH, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XII, XIII, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hải Phòng - nhận định: Việc cán bộ nhiều hơn nhân viên là quá bất hợp lý. Luật có thể chưa có nhưng sẽ có cách quy định liên quan đi kèm. Các cơ quan ban ngành không thể lợi dụng việc này để thực hiện bổ nhiệm quá nhiều. Việc làm này cần phải uốn nắn ngay.

Ông Vinh kiến nghị, Bộ Nội vụ nên xem xét trình Chính phủ để xác định từng loại đô thị để ra các quy định cho phù hợp. Ví dụ, đô thị loại nào thì được có bao nhiêu sở, đó là sở nào; trong sở thì có bao nhiêu phòng, tỉ lệ lãnh đạo và chuyên viên trong mỗi phòng là như thế nào.

“Chúng ta cần siết chặt kỷ cương, rà soát lại công tác cán bộ chứ không phải bổ nhiệm tràn lan gây lãng phí như hiện nay. “Lạm phát” lãnh đạo chẳng khác gì thầy nhiều hơn thợ cả. Theo tôi, với những phòng chỉ có 3-4 người chỉ cần 1 trưởng phòng, không cần thiết phải có phó phòng. Tuy nhiên, cũng phải tuỳ điều này căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để quy định, xây dựng căn cứ phải dựa trên nguyên tắc xác định việc để tìm người chứ hiện nay chúng ta đang làm theo kiểu vì người mà bố trí việc”, ông Vinh đề xuất.

Còn bà Bùi Thị An - ĐBQH khoá XIII nhìn nhận: Trong chủ trương chung về nâng cao hiệu quả bộ máy, tinh giản biên chế thì có 2 vấn đề đặt ra đó là làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ máy và bố trí vị trí công việc cho tinh gọn. Nhưng hiện nay, chúng ta đang làm tốt điều này. Lý do là vì sao? - bà An đặt câu hỏi.

Từ thực tiễn đó, bà An cho rằng các cơ sở rà soát lại trong phạm vi cho phép xem việc bổ nhiệm có đúng quy định không. Việc thực hiện sai hoặc “lạm phát” sẽ “đẻ ra” bộ máy cồng kềnh, hiệu quả làm việc kém, gây mất đoàn kết nội bộ. Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, các đồng chí lãnh đạo cần rà soát, công khai minh bạch tìm nguyên nhân của sự “lạm phát”. Sau đó, cần làm rõ trách nhiệm của ai và biện pháp xử lý.

Bàn về biện pháp khắc phục, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Đây là một việc làm khó bởi khi đã bổ nhiệm đúng quy trình, điều kiện thì về mặt khách quan không có lỗi gì cả. Vì thế, khó có thể “cách chức” đi trừ khi các cá nhân chủ động xin thôi giữ chức vụ.

Ông Pha cũng đặt tình huống: Cứ cho rằng nhu cầu cấp phó là có thật ở một số nơi, thì việc bổ nhiệm phải công khai và đảm bảo tiêu chuẩn. Tốt nhất là nên tổ chức bằng hình thức thi tuyển và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có trách nhiệm và nhân dân. Đừng để loanh quanh trong một đơn vị tự giới thiệu và bổ nhiệm nhau thì đó cũng không đảm bảo tính khách quan, ông Pha nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cần xây dựng, ban hành văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở để làm căn cứ thực hiện thống nhất. Đề án vị trí việc làm cần xây dựng phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế và giảm số lượng cấp phó trong cơ quan, tổ chức; thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm công chức theo đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn