MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một con nghê đắp bằng vôi vữa nhuốm màu thời gian ở đình làng Cựu.

Làng Cựu - Vàng son một thuở

Bài và ảnh của Minh Công LDO | 13/03/2021 17:00
Làng Cựu - ngôi làng có tuổi đời khoảng 500 năm tuổi thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội có nhiều điểm độc đáo bởi pha trộn nét kiến trúc kết hợp Đông - Tây nhưng vẫn giữ được cái cốt cách của làng quê cổ Bắc Bộ, dù đã trải qua thăng trầm biến đổi.

Đặt chân đến làng Cựu, điểm thu hút đầu tiên là chiếc cổng làng bề thế, được xây theo lối “quyển thư”, tựa như một cuốn sách khổng lồ đang mở ra đón khách. Cổng làng có kiến trúc cầu kỳ, có tầng, có mái và có cả lối lên xuống. Vọng các của cổng làng với mái ngói, bờ đao cong vút, hai đôi nghê đắp nổi dù đã sứt mẻ theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên nét đẹp cổ kính của một ngôi làng trù phú. Cổng mỗi nhà đều có họa tiết trang trí khá riêng biệt, có thể là hình đôi nậm rượu, con tôm, con dơi hay có cổng thì là hai con nghê chầu hai bên án ngữ.

Mặt tiền căn biệt thự nhà bà Nguyễn Thị Lan với những họa tiết hoa văn mang đặc trưng kiến trúc Pháp.

Theo lời các bậc cao niên trong làng kể lại, làng Cựu cổ kính đã có cách đây trên 500 năm. Làng vốn thờ một vị tướng nhà Trần. Vị tướng này không phải quan văn, cũng không phải quan võ mà là tướng dạy hổ. Thời trước, người giàu có làng Cựu xây nhà công phu lắm. Có những ngôi biệt thự, riêng phần cửa, thợ giỏi phải thay nhau chạm trổ cả năm trời mới xong. Ông Nguyễn Thiện Tứ (76 tuổi) tự hào giới thiệu với chúng tôi ngôi biệt thự cổ nhất trong làng này với tuổi đời hơn 100 năm. Tính đến đời ông thì đã có 4 thế hệ sinh sống trong ngôi nhà này. “Ngôi nhà được xây dựng từ thời cụ của ông vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” - ông vừa nói vừa hướng lên bàn thờ với tấm lòng thành kính.

Một con ngõ trong làng Cựu với nhà bên phải mang dấu ấn kiến trúc Pháp và dãy nhà bên trái là kiến trúc làng Việt cổ.

Lý giải cho những nét kiến trúc truyền thống làng quê Việt kết hợp với kiến trúc Pháp, ông Tứ kể rằng, thời xưa, khi làm cho chính quyền dưới chế độ Pháp thuộc, ông cụ thân sinh đã có thời gian đi học tại Viện Hàn lâm Pháp nên cũng ít nhiều đưa được các nét kiến trúc Pháp về đây. Ông Tứ chỉ ra cửa nhà mình và say sưa thuyết trình, cửa ra vào nhà ông gồm có 2 lớp, lớp của bên ngoài mang kiến trúc thuần Việt, lớp bên trong lại tựa như Khải Hoàn Môn của Pháp. Ở trong gian chính là bàn thờ tổ tiên với những bức hoành phi câu đối rất ấn tượng mà ai đến thăm nhà ông cũng phải trầm trồ khen ngợi. Ông Tứ tâm sự với chúng tôi rằng, lẽ ra đã cùng con cái lên Hà Nội sinh sống, nhưng vì để gìn giữ những giá trị kiến trúc quê nhà cũng như hương khói cho tổ tiên nên ông quyết định ở lại đây.

Mái đỡ ở làng Cựu.

Gần nhà ông Tứ, ngôi nhà của ông Trần Văn Thảo (65 tuổi) có diện tích khiêm tốn hơn và kiến trúc mang hoàn toàn phong cách làng quê thuần Việt không lai tạo. Ông Thảo cho biết toàn bộ cột trụ và dầm trong nhà đều được làm từ gỗ lim, chạm trổ rất công phu. Mặc dù rất muốn giữ nguyên vẹn kiến trúc của ngôi nhà nhưng vì diện tích sử dụng không còn hợp lý nên nhiều khu vực đã được ông sửa sang lại. Trước lúc có dịch COVID-19, nhà ông làm đại lý cho một hãng du lịch, chuyên tiếp khách tây khách ta đến tham quan và nghỉ ngơi.

Những con ngõ nhỏ nhuốm màu thời gian ở làng Cựu.

Trái ngược với nhà ông Thảo, kiến trúc nhà của bà Nguyễn Thị Lan (59 tuổi) lại có nhiều nét nghiêng về kiến trúc Pháp hơn, trừ lớp mái gạch ngói đặc trưng và cánh cổng vào được chạm trổ những họa tiết truyền thống. Dễ thấy các điểm đặc trưng của kiến trúc Pháp là ở hiên nhà được xây uốn cong chạy dài suốt mặt tiền của ngôi nhà với những họa tiết cầu kỳ, mang tính thẩm mỹ cao. Nguyên bản gạch trong nhà giống với gạch ngoài sân, nhưng trong một đợt đoàn làm phim thuê nhà của bà hai tháng để làm bối cảnh quay, họ đã thuyết phục bà để đổi thành gạch hoa.

Những cổng nhà pha trộn dấu ấn kiến trúc Pháp - Việt ở làng Cựu.

Bà Lan lấy chồng, về làm dâu đến nay cũng đã được 40 năm, đó cũng là thời gian bà gắn bó với ngôi nhà này. Bà chia sẻ thêm, hiện tại ở trong làng còn khoảng 50 ngôi nhà cổ còn giữ được kiến trúc xưa nhưng đa phần đã khóa trái bỏ không vì chủ nhân đã mua nhà ở trên Hà Nội để sinh sống và làm ăn hết rồi. Không ai trông coi, mặc nắng gió thời gian, những ngôi nhà bị bỏ lại đó đã hao mòn và xuống cấp theo năm tháng.

Những họa tiết pha trộn kiến trúc làng cổ của người Việt và kiến trúc Pháp trên cổng ra vào ở một ngôi nhà cổ ở làng Cựu.

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ nhân của một ngôi nhà có kiến trúc cổ cho biết, từ thời Pháp thuộc, người làng Cựu đã nổi tiếng với nghề may âu phục. Nhờ nghề này, nhà nhà trong làng giàu lên nhanh chóng. Người làng Cựu chuyên may com-lê cùng các bộ đầm tân thời phục vụ cho người Pháp cũng như giới thượng lưu ở Hà thành và cả Sài thành.... Ngày ấy, nghề buôn vải cũng được người làng Cựu chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường may mặc ở Hà Nội, rồi mở rộng thị trường vào tận Sài Gòn - Chợ Lớn. Vào thế kỷ XX, ông Chu Văn Luận - một thương gia giàu nổi tiếng ở làng Cựu đã tài trợ xây dựng cho làng mình với mỗi ngõ ngách trong xóm được lát đá xanh; cung tiến một cái cột đèn bêtông, có mỏ neo sắt, treo một cái đèn bão Hoa Kỳ sáng bằng dầu hỏa suốt đêm. Ông Thắng cho biết thêm, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhiều người giàu có gốc làng Cựu đã quyên tiền cho Chính phủ.

Những cổng nhà pha trộn dấu ấn kiến trúc Pháp - Việt ở làng Cựu.

Thời gian đã phủ bóng rêu phong lên từng ngôi biệt thự nhưng hình ảnh về làng Cựu vàng son thuở nào thì dường như vẫn còn đọng mãi qua từng đường nét kiến trúc tinh tế của mỗi ngôi nhà. Rời làng Cựu, theo mãi chúng tôi là hình ảnh những khung cửa gỗ khóa trái hoen rỉ theo năm tháng; những khoảnh sân vườn đầy lá rụng ngập bước chân; những bức tường rêu loang lổ vết thời gian...

Những bệ đá đỡ cột nhà mang đậm dấu ấn hoa văn kiến trúc ở làng quê Bắc bộ vẫn còn dấu tích ở làng Cựu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn