MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục nghìn lá cờ đủ kích cỡ đang được gấp rút hoàn thành theo đơn đặt hàng.

Làng may cờ ngập tràn trong sắc đỏ

Bài và ảnh NGUYỄN THÚY LDO | 29/04/2022 18:00
Cận ngày 30.4, các hộ sản xuất tại làng cờ Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) lại hối hả với hàng trăm đơn hàng. Nhiều nơi khách gọi đến "nóng máy" phải huy động nhân lực để kịp cung ứng cho thị trường.

Quá tải đơn hàng

Theo ghi nhận của PV Lao Động, sát thời điểm dịp lễ 30.4, các xưởng may tại làng nghề Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) ngập tràn trong sắc đỏ, máy móc “chạy” hết công suất, nhiều cơ sở sản xuất phải tăng cường hàng chục nhân lực để kịp cung ứng cho thị trường cả nước.

Nhiều hộ gia đình phải huy động tất cả con cháu trong nhà làm ngày làm đêm để kịp trả đơn cho khách.

Tại xưởng sản xuất cờ của anh Nguyễn Văn Phục (47 tuổi), một trong những gia đình 4 đời làm nghề may cờ Tổ quốc, không khí tất bật từ sáng sớm với khoảng 15 người thợ cùng làm.

“Đa phần cờ treo ở đường phố hay các loại cờ nhỏ, cầm tay do số lượng lớn nên phải cắt, in bằng máy và khuôn đúc sẵn. Dịp này, không chỉ các loại cờ Tổ quốc mà các loại băng rôn cổ vũ bóng đá đang bán rất chạy, làm không kịp bán. Ngày nào khách cũng gọi đến nóng máy, các nhân công đều phải tăng ca để kịp xuất hàng, nhiều khi còn không có thời gian để ăn uống, nghỉ ngơi”, anh Phục nói.

Từng công đoạn đều được chau chuốt cẩn thận, kỹ lưỡng.

Theo anh Phục cho biết, máy móc hiện đại, lập trình tự động trên máy tính nên một ngày có thể làm ra hàng trăm chiếc cờ. Việc cắt bằng máy cũng cho độ chính xác cao, đặc biệt chi tiết lại sắc nét, đẹp hơn, vải không bị xơ xác như cắt bằng kéo.

“Mặc dù sử dụng máy móc nhưng công đoạn in sao vàng trên cờ vẫn sử dụng kĩ thuật in thủ công. Để kịp sản xuất đủ hàng do khách đặt trước ngày 30.4, xưởng nhà tôi đang thuê thêm nhân công làm việc các vị trí khác nhau như may, chạy máy, xếp hàng với mức lương từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày” - anh Phục cho biết.

Không chỉ riêng 30.4, sắp tới SEA Games nên các mặt hàng như cờ, băng rôn, khẩu hiệu... trở nên “đắt khách” hơn bao giờ hết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thảo, chủ cơ sở sản xuất cờ Tổ quốc tại xóm Quỳnh (Từ Vân) cho biết, năm nay, các đơn đặt hàng đặt từ rất sớm với số lượng tăng gần gấp đôi so với năm trước.

“Mọi công đoạn từ chọn vải, tuyển nhân công đến in, thêu đều diễn ra với tinh thần khẩn trương để kịp tiến độ. Tuy nhiên, những lá cờ, băng rôn, khẩu hiệu vẫn phải được làm tỉ mỉ từng công đoạn, đúng tiêu chuẩn” - chị Thảo nói.

Nhanh chóng khôi phục sản xuất sau dịch

Tại gia đình của chị Vương Thị Nhung (47 tuổi), màu của biểu ngữ, băng rôn, cờ quạt rực rỡ ngay từ khoảnh sân. Cơ sở của chị cũng đang tất bật làm hàng nghìn chiếc cờ may để trả hàng cho khách đặt trong dịp này. Ai nấy đều khẩn trương với tiếng máy cắt vải xoèn xoẹt, tiếng máy khâu dồn dập, tiếng nói cười rộn rã của người làm nghề.

Một lá cờ đang được thêu tỉ mỉ tại làng làm cờ Từ Vân (Thường Tín, Hà Nội) . Ảnh: Nguyễn Thúy

“Không chỉ riêng dịp 30.4, sắp tới SEA Games nên các mặt hàng như cờ, băng rôn, khẩu hiệu...được đặt nhiều. Gia đình tôi phải huy động tất cả con cháu trong nhà làm ngày làm đêm mà vẫn không kịp” - chị Nhung nói.

Ngoài việc sử dụng máy móc, để thổi “hồn” vào từng lá cờ, gia đình chị Nhung vẫn thực hiện công việc may và thêu cờ theo cách thủ công. Theo chị Nhung, cái khó nhất của nghề may cờ Tổ quốc là phải thổi “hồn” vào từng là cờ dù là cờ to hay nhỏ, cờ in hay cờ thêu. “Để có được một lá cờ đẹp khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ngôi sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu đều không được phép chênh lệch” - chị Nhung nói.

Việc sử dụng máy móc giúp việc sản xuất có độ chính xác và năng suất cao hơn.

Thông thường, thời gian hoàn thiện cờ thêu phải mất ít nhất 2 ngày, những người chưa thạo nghề có khi mất đến cả tuần. Từng đường kim mũi chỉ được thêu nên cờ phải đạt độ chính xác rất cao. Chính vì vậy, giá thành của một lá cờ thêu tay từ 600.000 - 1 triệu đồng/chiếc, tùy kích cỡ, cao hơn nhiều lần so với cờ được may bằng máy. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm được nhiều người ưa thích bởi độ bền về chất liệu và sắc nét về vẻ đẹp.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Kỳ - trưởng thôn Từ Vân (Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Những sản phẩm cờ của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng ở Thủ đô Hà Nội mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. Nghề đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 - 100 lao động trong thôn và các thôn lân cận".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn