MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người thợ sẽ nhấn vào các chi tiết râu, mắt..., sử dụng màu sắc tươi sáng, sinh động để tạo sự gần gũi, thân thuộc không chỉ với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng yêu thích.

Làng trăm tuổi làm đồ chơi Trung thu

Bài và ảnh NGUYỄN THÚY LDO | 04/09/2022 07:27
Cận Rằm Trung thu, tại làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) không khí lao động lại tất bật, rộn ràng. Những thợ thủ công lành nghề khẩn trương sản xuất đồ chơi truyền thống cung cấp cho các tỉnh thành trên cả nước.

Làng Ông Hảo đã có nghề truyền thống làm đồ chơi Trung thu từ lâu đời. Tuy nhiên, giai đoạn đồ chơi nhựa tràn sang, cả làng lao đao vì những mẫu mã lung linh làm lu mờ đi đường nét chân phương của đồ chơi truyền thống.

Vài năm đổ lại đây, khi một số đồ chơi nhựa bị cảnh báo không an toàn cho trẻ nhỏ, đồ chơi truyền thống phần nào lấy lại được vị thế. Làng Ông Hảo lại trở về không khí rộn ràng vì đơn đặt hàng từ khắp nơi đổ về.

Hàng trăm chiếc trống hoàn thiện được xếp kín nhà kho, chờ được các đơn vị đặt hàng tới vận chuyển đến các chợ đầu mối trên khắp các tỉnh thành.

Trong khoảng sân rộng khoảng 40m2, vợ chồng ông Vũ Huy Đông đang hoàn thiện hàng trăm chiếc mặt nạ giấy bồi để kịp giao hàng cho các đại lý. Hai ông bà đã có gần 40 năm gắn bó với món nghề truyền thống của làng.

Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, bìa các tông, kể cả giấy phế liệu cũng được ông Đông và các thợ thủ công khác “phù phép” để tạo ra những chiếc mặt nạ với nhiều hình dáng bắt mắt, đa dạng như: Mặt nạ chú Tễu, ông Địa, thằng Bờm; mặt nạ con vật như đầu lân, đầu sư tử...

Hàng chuẩn bị cho Trung thu được làm từ đầu tháng 5 (Âm lịch), sau đó được xuất đi khắp nơi trên cả nước.

“Đến thời điểm này, cơ sở của tôi đã bán đi gần 10.000 chiếc mặt nạ giấy bồi tới tay khách hàng trên khắp cả nước. Dù số lượng này so với thời điểm trước dịch COVID-19 không bằng nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng”, ông Đông chia sẻ.

Để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy bồi không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trên từng nét vẽ.

Làng Ông Hảo cũng được biết đến với nghề làm trống gỗ thủ công. Tại cơ sở sản xuất trống gỗ của bà Vũ Thị Là, người có thâm niên khoảng 30 năm gắn bó với nghề cũng đang tất bật để hoàn thiện hàng trăm chiếc trống phục vụ thị trường Trung thu.

“Ở làng này, ai cũng mong chờ đến những ngày lễ, nhất là Trung thu. Không chỉ là thu nhập, nhiều khi chỉ cần ngửi thấy mùi da, mùi sơn của chiếc trống, người dân nơi đây lại nhớ, lại bắt tay vào làm”, bà Là nói.

Giá mặt nạ giấy bồi xuất xưởng với số lượng lớn là 15.000 - 25.000 đồng/chiếc.

Trong bối cảnh hội nhập, sản phẩm mẫu mã của làng nghề đã được cải tiến, thu hút khách hàng, mang lại lợi nhuận nhưng vẫn giữ được cái hồn bản sắc dân tộc, vẹn nguyên nét truyền thống, để lại dấu ấn riêng khó phải mờ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn