MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả Vi Thuỳ Linh. Ảnh nhân vật cung cấp

Lao Động và thi ca

vi thùy linh LDO | 14/08/2023 10:50

Tôi xoay trở tư duy mãi về tên bài dành cho báo Lao Động 94 tuổi. Tít là chủ đề mạch viết, dấu ấn tờ báo trong suy nghĩ của tôi. Và, không gì hay hơn nhan đề này, vì nó toát lộ, hàm chứa dòng chảy quan trọng của đời cầm bút của tôi, tuổi trẻ của tôi. Một thanh xuân kéo dài bằng tình yêu thi ca, để hôm nay, sống động trong tâm trí người hay thức nhiều ký ức...

"Không ai đủ giàu để mua lại quá khứ của mình", câu danh ngôn của Oscar Wilde (1854 - 1900) vẫn an ủi tôi mỗi khi tôi nuối tiếc về những gì trong quá khứ bằng "Giá như" và "Nếu"... Người đàn ông tài hoa đặc biệt của Ireland, sinh tại thành phố đầy mưa - Dublin, đã sống phần đời rạng rỡ ở Paris, nơi ông yên nghỉ hơn 100 năm qua.

Tôi đã thăm nhà thơ, kịch tác gia, nhà Mỹ học danh tiếng này tại nghĩa trang danh nhân Père - Lachaise, quận 20, Kinh đô Ánh sáng. O.Wilde đã nói chân lý. Tôi chưa khi nào giàu tiền của, và dù trù phú tâm hồn, cũng không mua lại nổi, không thể nhớ tất cả những gì cần nhớ - trong quá khứ của mình.

Trong cuộc sống, thần may mắn, có người đồng hành, quen thuộc nên không nhiều người coi đó là bạn lớn - báo chí. Ngay cả khi nhân loại có sự hỗ trợ lớn của công nghệ, với những "bộ nhớ máy", với "dữ liệu đám mây", thì báo chí, với công năng và lịch sử từng ngày, luôn góp phần ghi lại, nhớ hộ chúng ta và cung cấp mới, bổ sung cho loài người khắp hành tinh những thông tin, kiến thức, cảm xúc như dòng chảy không mệt mỏi.

Tháng 9.2023, tôi tròn 28 năm thi ca, 28 năm cầm bút lao động sáng tác. Từ người cha dạy/ định hướng tình yêu Văn học, tôi được đào tạo và chỉ theo đuổi duy nhất một nghề thành sự nghiệp trọn đời: Nghiệp chữ.

Lao Động, manchette báo luôn ấn tượng với tôi, trong ý nghĩ thôi thúc, trong sự thuộc về. Bởi tôi có Lao Động đồng hành, bởi tôi là một người hằng tận lực, đề cao lao động, đặc biệt là lao động nặng - sáng tác văn, thơ.

Ý thức về dấn thân thi ca thành lựa chọn định mệnh khi tôi đọc J.Satre, cha đẻ chủ nghĩa Hiện sinh và lo lắng khi quỹ sống đời người quá ít, ngắn trong vận hành thế giới này. Hăng say thơ và sợ chết, tôi muốn làm được nhiều việc, muốn sống đầy. Tôi ngủ ít, đọc nhiều, đầy lửa đam mê cũng không thấy đủ thời gian. Khi đang là sinh viên năm thứ ba Học viện Báo chí, tôi xuất bản tập thơ thứ hai Linh (NXB Thanh niên, 10.2000); trước đó là Khát (NXB Hội Nhà văn, 1.1999).

Tôi thành tâm điểm chú ý rồi tiêu điểm của "bút chiến" cũng từ quan niệm phân ranh Cũ - Mới, Trẻ - Già chưa bao giờ kết thúc. Cốt lõi vấn đề sáng tác là viết hay và ý thức lao động chuyên nghiệp, thường xuyên hoá ra lại là thực trạng yếu và thiếu nhất của số đông hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và những người tham gia sáng tác phần lớn đã già. Lượng người thích danh, thích được tôn xưng, nhân danh "Nhà" này "Nhà" nọ thực ra chiếm chủ yếu, buồn thay, những người coi vào Hội là mục tiêu "dán mác" chứ không phải viết hay, hay hơn, bồi bổ để viết sâu sắc, trí tuệ hơn thay vì chỉ khai thác bản năng, năng khiếu.

Về sau này, tôi mới biết, nguồn cơn "hoả lực" giận dữ chính là do những người bảo thủ cay nghiệt "vơ vào" rằng họ bị ám chỉ "hết thời", khi đọc bài của nhà thơ Hoàng Hưng in trên báo Lao Động "Thơ Việt Nam đã đến phiên đổi gác". "Mắt xanh" của thi sĩ Hoàng Hưng ghi nhận tôi ngay khi vừa xuất hiện bằng hai tập thơ ấn tượng, ngờ đâu bài của ông thành "mồi lửa" khiến tôi chịu bão táp khốc liệt.

Thi sĩ Hoàng Hưng là con trai bác sĩ sản khoa du học Pháp - Hoàng Thuỵ Ba (ngôi nhà cổ 14 Đường Thành Hà Nội của cụ nhiều lần được truyền hình giới thiệu), quê làng Phù Lưu, Từ Sơn, làng văn hoá lát đá xanh nức danh Kinh Bắc, làng sinh ra nhiều tài năng và Bà nội tôi là hoa khôi một thuở. Hoàng Hưng học Sư phạm rồi về Hải Phòng dạy trường cấp 3 An Dương, góp phần vào thời kỳ thơ hưng thịnh nhất Hải Phòng thế kỷ 20. Sau biến cố liên quan thi ca, ông vào sống tại TPHCM, làm việc cho báo Lao Động. Muốn "yên lành" sống và sáng tác, ông lấy bút danh là tên con gái cả: Hoàng Ly và thêm tên Thuận Thiên. Con gái ông học Đại học Mỹ thuật, làm thơ, lấy bút danh Ly Hoàng Ly để không trùng bố.

Để in tập thơ đầu tiên, tôi đã đau lòng bán chỉ vàng Bà nội tặng - phần thưởng cho cháu cả đỗ đại học. Để in được "Đồng tử", tập thơ thứ ba, tôi phải bán xe máy. Khi tập thơ ra mắt, nhà báo Lê Quang Vinh đã phỏng vấn tôi một bài được nhiều người nhớ, in Lao Động, có tít "Bán xe máy để in thơ".

Tôi chỉ muốn lên báo mỗi khi có sự kiện, có tác phẩm, không vì lý nào khác. Theo hành trình thi ca ấy, Lao Động là một trong các báo quan trọng nhất luôn có bài đúng đắn, công bằng, có sức nặng chính nghĩa, khách quan.

Từ nhỏ được cha dạy đạo lý nghĩa tình, tôi ghi nhớ Lao Động bằng lòng tin trọng.

Yêu thơ, tôi là kẻ si tinh tận tụy, liên tài. Yêu không chỉ để cảm thán, tỏ tình, mà phải cống hiến. "Tôi coi Viết có tư tưởng", viết hay là lý tưởng sống, nên tôi không khi nào thiếu hà khắc với bản thân khi lao động, công bố tác phẩm, ý thức cao độ về bút danh mình. Tôi luôn quan tâm, khích lệ, thúc giục bạn bè sáng tác và góp sức trong quá trình thành tạo, nhuận sắc và giúp cho tác phẩm đến với đông đảo công chúng.

Yêu nghệ thuật, tôi thiện cảm với những ai biết trọng thơ, nghệ thuật và quý người có tâm hồn. Cơ duyên khi tôi thường xuyên tuyển tập thơ cho ấn phẩm Lao Động Cuối tuần. Đến nay là người phụ trách ấn phẩm thứ ba tôi hợp tác, tôi vẫn thường trực ý thức hội tụ tìm kiếm thơ hay, mới mỗi ngày, kết nối đồng nghiệp các miền để "gặp nhau" trong một trang thơ sang trọng mà tôn chỉ là cố gắng phải thành "Thi tiệc" được đón chờ. Văn hoá đọc giảm, do đời sống bận rộn, nhiều áp lực; lượng độc giả Văn học cũng sút như tirage báo giấy thành một suy thoái khó cưỡng thời công nghệ. Vậy mà báo Lao Động lại vô cùng trọng thị Thi ca.

Thật tuyệt diệu, bất ngờ gây xúc động sâu sắc cho tôi, khi Báo Lao Động lại dành "đất" mỗi số cuối tuần cho Thơ. Lao Động tôn vinh, trân quý thơ. Khi tuyển lọc, biên tập trang thơ cho báo Lao Động Cuối tuần, tôi tự truyền cảm hứng cho mình và anh chị em sáng tác, là có đất sang trọng cho thơ đều đặn thế này thì hãy ý thức lao động cao hơn để có tác phẩm mới mọi nghĩa, và hay, giao lưu với nhau và độc giả gần xa.

Xuất thân công nhân mỏ, họ làm thơ từ lúc thanh niên, nghỉ hưu chuyên tâm sáng tác. Tôi chưa hề gặp ngoài đời, chỉ gọi điện và trao đổi bằng tin nhắn, song mừng khi thơ họ khá, có bài hay hơn nhiều vị mang tiếng "nhà thơ".

Khi chuẩn bị viết bài này, tôi chia sẻ với nhạc sĩ Trần Tiến. Từ Vũng Tàu, ông gửi tôi các bài báo Lao Động ông lưu hơn 30 năm, ông quý tờ báo đã sát cánh bên Trần Tiến (định cư TPHCM từ 1980) thời hoạt động sôi nổi nhất - Du ca 1992 - 1995. Chuyện của Trần Tiến hay, đặc sắc, xin dành ở bài sau. Nhưng trong số báo này, có bài thơ mà nhạc sĩ sinh năm 1947 dành riêng cho Lao Động "một bài thơ có lẽ là duy nhất của tôi".

Lịch sử Báo chí Việt Nam thế kỷ 20 có tờ báo tiếng Pháp Le Travail ra đời 1936 tại Hà Nội, tồn tại một thời gian ngắn. Nhưng lịch sử Báo chí nước nhà đến nay có báo Lao Động là tờ báo tuổi nhiều nhất, gần 100 năm, và thời kỳ nào cũng thuộc top các báo lớn, mạnh, uy tín nhất!

Cuộc sống sẽ ra sao khi không thi ca, không có chất thơ, không niềm mơ mộng?

Như thế, bằng bản lĩnh, tầm nhìn thượng tầng, cao quý, Lao Động đã góp phần duy trì, nuôi dưỡng thi mạch cho dòng chảy thi ca Việt Nam. Người lao động mọi thời đại, đều cần diễn đàn chính thống, uy tín. Và tôi chắc chắn, tôi cùng những người sáng tạo, những travailleur/ travaileuse (người lao động nam, nữ) không thể thiếu tờ báo - người bạn lớn, quý giá của mình, như cách mà báo Lao Động đã, đang dành cho Thi ca đương đại Việt Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn