MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ Gươm - Hà Nội vào thu.

Lập thu

NGUYỄN BỈNH QUÂN LDO | 13/08/2016 06:45
Anh bạn đi bộ nhìn lên hàng cây bàng hỏi: Mùa thu rồi sao? Lá không xanh lắm, gió không mạnh lắm, nắng không gắt lắm… Là mùa mưa lâu rồi còn “ông TV thời tiết” thì báo, sau cơn bão số 2 tàn phá thê thảm ở Lào Cai là tiết lập thu đấy.

Hôm nay không nói chuyện vỉa hè nữa. Xin chỉ nói tâm hồn tâm tư tâm linh thôi nhé. Nhà thơ, dịch giả Đỗ Trung Lai gửi cho tập “Trúc Lâm Tam tổ Thi” - Thơ của ba vị tổ phái Thiền Trúc Lâm - (thuộc bậc nhất thơ chữ Hán của ta) với nhiều bài dịch rất khéo như ca dao. Rất thích hai câu dặn dò trước khi chết của Pháp Loa: “Xin người thôi hỏi sâu nông/ Gió trăng một cõi mênh mông, ta về”. Năm bốn mùa - đời bốn khúc, Xuân - hạ - thu - đông đối với sinh - lão - bệnh - tử. Mùa thu là con người vào đoạn chín trên cây chuẩn bị đoạn rơi rụng chết nên buồn man mác, cực nhạy cảm, sâu sắc và mơ mộng chăng. “Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông”. Mùa thu để lại “Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây…”. Chẳng có cái lá vàng nào trước mắt đâu - mùa mưa lá xanh rờn. “Trời ở trên cao lá ở cành/ Nắng ở đồng nàng và nắng ở… đồng anh” kìa. Mùa thu trời ít mây, cao nên trong. Trời cao và trong thì nước cũng sâu và xanh, chẳng cần nạo vét gì. “Nắng xuống trời lên sâu chót vót/ Sông dài trời rộng bến cô liêu”. Như mắt người mỹ nữ làn thu thủy dễ gây sóng đào đến nghiêng quốc nghiêng thành. “Trời thu trong vắt mấy tầng cao” là tâm hồn người đàn ông. Tầm mắt xa hơn nên Trời và đất cùng rộng rãi ra. Ánh sáng khúc xạ hơi nước biến đổi nhiều nên mọi thứ trở nên tế nhị hơn. Sắc độ, âm thanh, hương và vị và xúc giác đê mê đều hơn hẳn các mùa khác. Người ta tin “gái tháng hai, trai tháng tám” vì mùa thu của đàn ông của trí tuệ tinh thần còn mùa xuân của phụ nữ rỡ ràng nhục thể phồn thực.

Ứng với tuổi thọ trước thế kỷ này, xét lục thập hoa giáp đời 60 năm trọn một vòng thì dưới 15 là trẻ con, tới 30 là thanh niên, tới 45 là trung niên sau đó là về già. Vậy tuổi mùa thu là tuổi 30 - 45. Theo thống kê cũng là tuổi các trí thức, nhà khoa học, nhà phát minh, nhà công nghệ, thương gia và nghệ sĩ, thợ thủ công và thi/văn sĩ… đóng góp nhiều nhất cho trí tuệ và văn hóa nhân loại bằng các phát kiến, phát minh, sản phẩm, công nghệ. Các kiệt tác thường là tác phẩm của những người “đàn ông mùa thu”. Tất nhiên ngày nay phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào sản xuất tinh thần song chưa có thống kê họ sung mãn nhất về tinh thần sáng tạo ở độ tuổi nào, cũng vào tuổi mùa thu - ngoại tam, ngoại tứ tuần chăng. (Chả thế mà có các anh láu cá sinh ra giải “hoa hậu quý bà thành đạt” cho các mợ toàn cầu!) Có điều chắc chắn vẻ đẹp mùa thu của phụ nữ là tuyệt nhất. Với 53,5% đàn ông mùa thu thì thu đẹp hơn xuân. Văn hào Shekov cho rằng, phụ nữ 40 tuổi là đang ngự trên ngai vàng của cái đẹp (không chỉ là vẻ đẹp 3 vòng nhé!). Thân thể họ nảy nở đầy đủ như trái chín, tâm hồn họ viên mãn như “nước mưa chậu đồng” và họ hiểu chi li, thông cảm chi tiết, độ lượng êm như nhung và nồng nhiệt đầy kinh nghiệm đối với “đối tác” khác giới. Họ không chỉ là “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, dây tầm xuân tươi non mong dựa núp vào bóng tùng quân mà còn như vòng tay đưa nôi, bầu ngực người mẹ ôm đàn ông trở lại tuổi thơ đã mất. Đúng như nước mùa thu soi bóng, thu gọn trời mùa thu. “Sông xa cùng với trời xa một màu”. “Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”. Mùa thu gắn với hoa cúc. Hoa này nghe nói là loại tiến hóa cao nhất trong giới thực vật. Thi nhân cổ điển phương Đông dùng nó tượng trưng cho trí tuệ mùa thu vì hoa xuân tàn hết từ lâu, sen hạ đã héo khô tuần trước. Phong cảnh bờ xanh bãi vàng đã xơ xác, thê lương chỉ có cúc vẫn nở, vàng hửng trắng hồng bên dậu, trong vườn tự tại mà không còn ham hố gì nữa. Người và hoa vô tư bình đẳng, không cạnh tranh nhau. (Không còn tranh nhau “nước trước bẻ hoa” thời cô Thúy Kiều, hay tại các lễ hội hoa hiện đại nữa!). Hoa đúng là bạn tâm giao, tri kỷ của người rồi. Huyền Quang quyết định trao giải hoa hậu cho ái tình mùa thu: “Cúc kia đáng mặt đứng đầu ngàn hoa”.

Xin hỏi sao mùa thu trong văn nghệ luôn buồn nhất, buồn hơn cả mùa đông là sao? Là phong cảnh, khí hậu, tình người vào mùa thu, tuổi thu đều buồn. Vòng đời nói như vậy. Đông sang xuân thì quá vui (vì cái sau sướng/ đẹp hơn cái trước) xuân sang hạ càng lên đỉnh cao, hạ sang thu đã là thoái, là suy, thu sang đông còn tệ hơn. Thu bị kẹp giữa hai đầu luân chuyển đều đi xuống nên buồn. May thay muốn sáng tạo khoa học nghệ thuật thì tinh thần phải nghi ngờ, tò mò, trực cảm phải tinh nhạy bộc trực và sâu sắc. Bi kịch, nỗi buồn là mẹ của sáng tạo. Có triết gia đã khẳng định như vậy.

Nhưng mà buồn sáng tạo, buồn yêu đương chính là cái đẹp, và chỉ man mác thôi. Trong những câu thơ, bức họa hay thường bị trích sai, nhớ nhầm thì thi họa mùa thu hay bị vô danh hóa, dân gian hóa nhất. Đó cũng là vinh dự của nghệ thuật đã đi vào tâm tư nhân gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn