MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghệ sĩ trang điểm trước khi nhập vai.

“Lê Công kỳ án” - vài khoảnh khắc trước khi lên sân khấu

Nguyễn Thị Thùy Ân LDO | 21/09/2020 10:01
Lễ giỗ lần thứ 188 của Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (1832 - 2020), diễn ra trong 3 ngày 16, 17 và 18.9 (nhằm ngày 29.7, 1 và 2.8 âm lịch) tại Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (số 1 đường Vũ Tùng, phường 1, quận Bình Thạnh, TPHCM, được công nhận là Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16.11.1988 của Bộ Văn hóa).

Sáng 16.9, trong ngày Tiên thường, Lễ giỗ diễn ra trong không khí trang nghiêm với các nghi thức mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như lễ cúng tiên thường theo nghi thức tế lễ tiểu cung đình triều Nguyễn, lễ xây chầu, hát bội...

Cũng trong sáng 16.9, diễn ra lễ khai trương bảng tên đường Lê Văn Duyệt. Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng cạnh lăng được đổi lại mang tên Lê Văn Duyệt.

Một trong những điểm nhấn trong các hoạt động sáng 16.9 là vở "Lê Công kỳ án" (tác giả NSƯT Hữu Danh, đạo diễn Nguyễn Hoàn, cố vấn nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM.

Điều thú vị, trước giờ biểu diễn (10h30), hàng giờ đồng hồ việc hóa trang vào vai diễn của các diễn viên thu hút đông đảo người dân. Rất nhiều tay máy “tụ” lại nơi “hậu trường”, lưu những khoảnh khắc hóa trang, chuẩn bị cho vai diễn của các diễn viên.

Chị My, một diễn viên của đoàn, vừa hóa trang, vừa cho biết: Tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đoạt huy chương vàng cho "Lê Công kỳ án". Đây là vở diễn về cuộc đời và công nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định, bậc danh nhân có công an định, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ xưa...

Một số hình ảnh các nghệ sĩ trang điểm trước khi nhập vai. Ảnh: A.T

Theo tư liệu của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội: “Tả quân Lê Văn Duyệt là một vị quan, giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình nhà Nguyễn. Hai lần ông được cử làm Tổng trấn thành Gia Định. Trong công việc, ông rất nghiêm minh, chính trực, luôn quan tâm chăm lo cuộc sống nhân dân. Cách làm quan nghiêm minh của ông đã thu phục được lòng dân, ông được người dân yêu kính gọi là Lê Công.

Câu chuyện Tả quân Lê Văn Duyệt thẳng tay trừng trị quan tham Lê Tích Trấn, rồi sau đó dùng thượng phương bảo kiếm tiền trảm hậu tấu, chém đầu Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý (cha vợ vua Minh Mạng) vì vơ vét của dân, đốt phá chùa chiền, giết người vô cớ...”.

“Tụi em, cũng như nhiều đoàn nghệ thuật khác, hiện cũng khó khăn lắm - chị My cho biết - nhưng vì tình yêu nghề, yêu tuồng, quyết bám trụ với nghề. Được diễn vở "Lê Công kỳ án" là một niềm vinh dự của tất cả diễn viên. Lần nào diễn, diễn ở đâu, cũng hồi hộp, xúc động...”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn