MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thầy cúng thổi tù và những tràng dài để thỉnh trời đất.

Lễ cúng thần rừng ở đại ngàn Dền Sáng

Thành Thế Vinh LDO | 01/03/2020 08:13
Vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm, người Dao đỏ ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) đều tổ chức một nghi lễ truyền thống đã có từ lâu đời mang tính cộng đồng cao đó là lễ cúng rừng, tiếng địa phương gọi là lễ Khoi Kìm. Đây là một nghi lễ có sự tham gia của những người dân trong thôn bản.

Để chuẩn bị cho lễ cúng, trưởng bản sẽ phân công việc đến từng hộ dân và lễ vật sẽ do người dân trong thôn bản tự động đóng góp. Ngay từ sáng sớm, những người đàn ông Dao đỏ đã mang lợn, gà, cùng những vật dụng cần thiết đến khu rừng cấm để chuẩn bị cho lễ cúng. Mỗi hộ dân sẽ cử một đại diện ra địa điểm cúng tế để dọn dẹp sạch sẽ khu vực quanh ban thờ thần rừng, giấy bản đều được chuẩn bị sẵn để in sênh tiền, vàng mã ngay tại khu vực cúng tế. Nghi lễ cúng rừng này sẽ có 4 thầy cúng tham gia, trong đó có một người là chủ lễ. Chủ lễ phải là thầy cúng có uy tín, am hiểu các luật tục được người dân trong bản lựa chọn sẽ đứng ra thực hiện các nghi lễ trước ban thờ thần rừng. Đầu tiên là lễ dâng hương, dâng lễ vật và đọc các bài cúng để mời thần rừng về dự và chứng giám lòng thành của dân bản. Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện để cầu xin thần rừng phù hộ, che chở cho cả thôn bản một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh.

Từ sáng sớm người dân trong bản đã mang lễ vật vào rừng.

Những người tham gia lễ cúng sẽ thảo luận những vấn đề liên quan đến thôn, bản và những quy định liên quan đến việc bảo vệ, quản lý rừng. Những ngày bình thường trong năm, người dân không được vào trong rừng để lấy củi, lấy măng. Người Dao đỏ đưa ra các quy định cho cả cộng đồng phải thực hiện đối với rừng cấm rõ ràng, như sau: Không được chặt cây khai thác rừng, không đốt lửa, không được dựng nhà và săn bắn trong khu rừng cấm, không được lấy củi, chăn thả gia súc. Mọi hành vi xâm phạm đến rừng đều phải nhận những hình phạt thích đáng. Kết thúc buổi lễ, những người cao tuổi trong bản sẽ truyền đạt cho thế hệ kế cận trách nhiệm để gìn giữ phát triển rừng. Những nguồn dược liệu quý giá được đúc kết thành nhiều bài thuốc chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của nhiều thế hệ. Khi lễ cúng đã hoàn tất, lễ vật sẽ được hạ xuống và chia đều cho những người đến dự cùng hưởng lộc rừng.

Mời thần rừng về chứng giám lòng thành, nhận lễ vật.

Tục thờ thần rừng là một nghi lễ truyền thống đã có từ cổ xưa và ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người Dao đỏ và là một phong tục đẹp cần được nhân rộng và gìn giữ. Lễ cúng tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng bản, nâng cao ý thức gìn giữ, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cho hôm nay và mai sau.

Đồ tế lễ sẽ do người dân trong bản tự nguyện mang đến đóng góp.
 
Xã Dền Sáng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai là nơi còn bảo tồn được rất nhiều diện tích rừng tự nhiên và nơi đây vẫn còn lưu truyền một nghi lễ có từ cổ xưa là tục thờ thần rừng.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn