MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lễ khai giảng dưới triều Nguyễn xưa

hồng nhung LDO | 03/09/2018 06:59
Vua triều Nguyễn rất chú trọng vấn đề giáo dục và đào tạo nhân tài. Vua Minh Mạng từng dụ rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm chăm đến việc tác thành nhân tài, đặt nhà học, cấp lương cho giám sinh, gia ân cho học trò, ban sách vở, đều mong học trò thành tài để nhà nước dùng”.

Vậy lễ khai giảng dưới triều Nguyễn xưa được các vua triều Nguyễn quy định thế nào? Câu trả lời được tìm thấy trong các văn bản hành chính của triều đình lúc bấy giờ - Châu bản triều Nguyễn.

Khai giảng vào mùa xuân

Khác với lễ khai giảng hiện nay diễn ra vào tháng 9 mùa thu, dưới triều Nguyễn, lễ khai giảng thường diễn ra vào mùa xuân. Sách Đại Nam thực lục chép, hằng năm đến tháng trọng xuân thì khai giảng (ngày tốt sau khi tế Giao).

Sách Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cũng nói về việc này: Hàng năm cứ đầu xuân sau ngày khai ấn một ngày thì Quốc tử giám khai giảng. Cuối năm sau ngày xếp ấn một ngày thì nghỉ giảng. Đến ngày khai giảng thì đặc vị tiên sư ở Di luân đường, quan Quốc tử giám đem học trò làm lễ yết cáo.

Nhà giám hàng năm đầu xuân, sau ngày khai ấn một ngày thì khai giảng. Cuối năm, sau ngày xếp ấn một ngày thì nghỉ học. Ngày khai giảng làm lễ xong, các quan nhà giám đều mặc áo mũ đến giảng đường ngồi bày hàng ở gian giữa, các giám sinh đều mặc áo đội khăn ra sân cùng lạy, xong thì lên trường nghe giảng.

Chọn ngày giờ tốt làm lễ khai giảng

Theo quan niệm phương Đông, chọn ngày lành tháng tốt để khởi sự là điều hết sức quan trọng, đây được coi là yếu tố quan trong quyết định cho sự hanh thông của công việc trong suốt cả quá trình. Việc chọn ngày khai giảng cũng không ngoại lệ. Do vậy, ngày khai giảng xưa không được ấn định vào một ngày cụ thể nào mà do Khâm thiên giám chọn ngày giờ tốt lành để tiến hành khai giảng.

Châu bản triều Tự Đức còn lưu bản Tấu của Bộ Lễ về việc chọn ngày khai giảng, trong đó có đoạn: Việc khai giảng hàng năm của Hoàng thân, Hoàng đệ đang lưu lại học tập là do Khâm thiên giám chọn ngày làm lễ.

Theo Châu bản triều Nguyễn, năm Thành Thái thứ 1 (1889), hai Bộ Lại, Lễ trình bản Tấu, trong đó có nội dung chọn ngày tốt lành làm lễ khai giảng dạy Hoàng thượng: Hai Bộ Lại, Lễ tâu: Ngày mồng 1 tháng này, các quan Phụ Chính phụng phiến tâu rằng, nay Hoàng thượng ta còn nhỏ, xin do Khâm thiên giám chọn ngày tốt, quan của 2 Bộ nghĩ soạn các nghi thức đến ngày Hoàng thượng ngự làm lễ... Bộ Lễ thần đã tư cho Khâm thiên giám chọn ngày 13 tháng này khai giảng là hiệp cát. Chúng thần phụng xét lệ trước, tham khảo nghĩ soạn các nghi thức, xin kê khai chờ chỉ tuân theo thực hiện.

Vâng xét theo lệ hàng năm có lễ khai giảng, ngày 28 tháng 1 năm Thành Thái thứ 6, Khâm thiên giám xin chọn ngày Quý Sửu mồng 6 tháng sau, đúng là ngày thiên đức, sinh khí, thiên hậu, tiến hành khai giảng là hiệp cát.

Cũng theo Châu bản triều Nguyễn, bản Tấu của Trần Nhượng năm Tự Đức 31 có nội dung: Xét thấy việc giảng kinh truyện cho Hoàng tử Ưng Chân, theo nghị chuẩn lấy ngày 25 tháng này ngừng giảng. Về ngày khai giảng sang năm, xin do thần tư cho Khâm thiên giám chọn ngày nào trong trung tuần tháng Giêng là ngày tốt, và do quan Bộ Lễ vâng theo nghị chuẩn, sắm đủ các loại đèn, hương, rượu, quả là lễ cáo và để khai giảng.

Trước ngày khai giảng, làm lễ yết cáo

Theo thường lệ, trước ngày khai giảng 1 ngày, một viên giảng quan được Vua chỉ định, phụng mệnh đến điện Văn Minh bày biện, sắp các hạng lễ phẩm, làm lễ cáo dâng lễ vật, có chúc văn.

Về lễ khai giảng năm Thành Thái 10, Bộ Lễ tâu: Vâng xét lệ trước đây khai giảng vào mùa xuân hàng năm, do Khâm thiên giám chọn ngày tốt, trước 2 ngày, Bộ thần hội đồng cùng thị vệ lấy các vật hạng ở kho đem vào điện Văn Minh liệu bày đặt, sắp các hạng lễ phẩm cho nghiêm chỉnh, đến trước khai giảng 1 ngày thì một viên Kinh Diên nhật giảng, đầy đủ triều phục, sẽ vâng mệnh làm lễ yết cáo đúng như nghi thức.

Nay xin lấy ngày 24 tháng này là ngày Đinh Mùi tiến hành lễ khai giảng và xin chỉ chuẩn phái Hiệp biện Đại học sĩ sung Phó Tổng tài Quốc Sử quán Kinh Diên giảng quan Hoàng Hữu Bình, trước 1 ngày, tuân lệ vâng mệnh làm lễ, xin chờ chỉ thực hiện.

Đôi khi, lễ yết cáo có thể tiến hành sớm hơn 1 ngày, như vào năm Thánh Thái thứ 6, ngày 7 tháng 2, Bộ Lễ trình bản Tấu với nội dung: Hôm nay, nhận được tờ cung lục của Nội các trình rằng, phụng sắc, truyền chuẩn cho khai giảng vào ngày 11 tháng này, hữu ty theo lệ thi hành. Bộ thần vâng xét lệ trước đây, trước khi khai giảng 1 ngày, có làm lễ yết cáo, do giảng quan vâng mệnh làm lễ. Nay xin trước khi khai giảng 2 ngày, làm lẽ yết cáo tại điện Văn Minh, xin kê khai họ tên, hàm tước của các giảng quan ở phủ Phụ chính dâng trình lên, chờ được Vua chọn 1 viên, tới hôm đó, sung làm lễ yết cáo.

Làm lễ bái Tiên sư

Thông thường hàng năm, các viên tế tửu, tư nghiệp sau khi làm lễ vọng bái Tiên sư (Khổng Tử) thì lên trường khai giảng ngay ngày hôm ấy. Trước giảng trung kinh hiếu kinh, để làm gốc cho việc đào tạo trau dồi, rồi giảng đến ngũ kinh, tứ thư, sử, tử để làm thềm bậc tiến đức tu nghiệp.

Minh Mệnh năm thứ 17 (1836), Bộ Lễ tâu nói: “Nhà Di luân ở Quốc tử giám, trước đã đặt bài vị Tiên sư, để làm chỗ cho sinh viên bái vọng. Hằng năm, khai giảng hay nghỉ giảng đều làm lễ triển bái ở đó. Các tiến sĩ tân khoa cũng làm lễ Thích điện (lễ tế Tiên thánh Khổng Tử) tại đó. Vả, Văn Miếu ở bên tả nhà Quốc tử giám, cúng tế long trọng đã có chỗ rồi. Bái yết ở đó mới là hợp nghi.

Vậy xin từ nay, hễ học sinh vào nhà Giám, thì giám thần mặc phẩm phục, đem học sinh đến Văn miếu, làm lễ cáo yết xong, lui về giảng đường, làm lễ tham yết. Khi khai giảng hay nghỉ giảng, không phải cáo lễ nữa. Khi các tiến sĩ làm lễ Thích điện, cũng xin cho làm ở sân miếu, mới tỏ được trang trọng kính cẩn; còn chỗ bái vọng, xin đừng đặt nữa”! Vua cho là phải.

Nghi tiết giảng

Về nghi tiết giảng, sách “Đại Nam thực lục” chép, trước kỳ khai giảng 1 ngày, giảng quan đem mấy chương nêu giảng ở Tứ thư, kinh, sử, tâu lên dâng trình. Đến ngày, chia án tả, hữu tiến giảng. Khai giảng thì do giảng quan giảng, hằng ngày thì do nhật giảng quan giảng.

Nghi tiết chầu

Ngày khai giảng, đình thần ban văn từ tham tri trở lên và ấn quan ở viện Đô sát và Nội các, toản tu ở Sử quán cùng các thân phiên, hoàng thân từ quốc công trở lên đều chuẩn cho theo ban vào chầu, cùng với các giảng quan đều làm lễ 5 lạy, xong thì chia ban, cũng đều cho ngồi.

Ban yến

Dưới triều Nguyễn xưa, ngày khai giảng, các giảng quan, quan chầu ban, quan mở sách, dưới đến viên thuộc, bút thiếp thức đều đến viện Tả đãi hậu ban cho uống nước chè và ăn yến 1 lần; rồi sau các ngày thường giảng, thì các giảng quan, ấn quan ở Nội các, các viên khởi cư chú được ban cho ăn và uống nước chè ở phòng trực viện Tập hiền. Theo đấy dùng làm lệ thường. Tất cả đều rất tường tận, đến đây cử hành, thật là điển lễ long trọng buổi bắt đầu vậy.

Sau đây, cứ mỗi khi đến ngày khai giảng, vua lại đối diện với các quan ở ban, nạn hỏi nghĩa sách khó, thân tự phát huy ra, nhân đấy mà bàn hỏi chính trị, dân tình, hoặc có điều gì cảm hứng, ngụ ý, tức thì làm ra bài thơ, lại sai nối họa, để tỏ ý vua tôi sửa chữa lẫn nhau. Làm như thế đến hơn 10 năm, chưa từng trễ biếng chút nào.

Bản Tấu của Bộ Lại trong Châu bản Tự Đức cũng viết rằng, vào ngày khai giảng, các viên đang giảng dạy hoặc đã nghỉ giảng dạy đều đợi ở Tả đãi lậu viện chờ được ban trà, ban yến một lần. Cùng có năm nghi thức ban yến được thay bằng ban tiền và có phân theo cấp bậc. Năm Kiến Phúc thứ nhất (1884), sau Lễ khai giảng, Vua ban tiền bạc cho hoàng thân quốc công trở lên đến ban chầu (bọn Hồng Hưu, Tôn Thất Thuyết) và các giảng quan, nhật giảng quan, triển thư cho đến các viên khởi cư chú thay bữa yến có thứ bậc.

Chương trình học

Chương trình dạy học thì chia theo ngày lẻ ngày chẵn, trước giảng kinh truyện, sau giảng sách, tử, sử, tính lý. Tháng nào cũng cứ các ngày mồng 3, mồng 9, 17, 25 chiểu theo phép thi ra đầu bài cho học trò tập làm văn. Kỳ nào cũng đem quyển văn ra bình duyệt. Duy kỳ đệ tứ trường đều yết bảng 1 lần. Học sinh lười biếng thì học quan đánh mắng cho biết nhục. Nếu có các tính xấu ô danh mất nết, thì quan Quốc tử giám tư bộ tham hặc nêu ra .

Như vậy đủ thấy triều Nguyễn coi trọng ngày khai giảng đến mức nào. Các nghi thức tổ chức khai giảng từ việc chọn ngày, làm lễ yết cáo đến lễ bái Tiên sư... mang đậm dấu ấn thời đại bấy giờ và khác xa so với lễ khai giảng hiện nay.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 7, trang 118.

Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, tập 15, trang 497.

Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, tập 15, trang 517.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 189, tập 77.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 66, tập 2.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thành Thái, tờ 48, tập 9.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 338, tập 310.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thành Thái, tờ 126, tập 38.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thành Thái, tờ 35, tập 86.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 4, trang 1048 - 1049.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 7, trang 119.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 7, trang 119.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 7, trang 119.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tờ 170, tập 23.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập 9.

Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, NXB Thuận Hóa, tập 15, trang 498.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn