MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu như ở miền xuôi, tảo mộ hay sang cát cho người quá cố được thực hiện theo từng gia đình, thì với người Hà Nhì là công việc chung của cả thôn, bản, đồng thời là nét đẹp văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng cao, được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Lễ tảo mộ của người Hà Nhì

Bài và ảnh: Thành Thế Vinh LDO | 05/04/2020 18:59
Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều làm lễ tảo mộ để nhớ về tổ tiên. Đối với người Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, phong tục tảo mộ hàng năm vẫn được gìn giữ. Đây là phong tục đẹp, là dịp để gia đình, dòng họ hướng về nguồn cội, và cũng là dịp để gắn kết tình làng nghĩa xóm. 

Theo phong tục từ lâu đời của người Hà Nhì, sau khi người đã mất được 3 năm, gia đình sẽ thăm viếng mộ phần và làm lễ tảo mộ. Nếu như ở miền xuôi, tảo mộ hay sang cát cho người quá cố được thực hiện theo từng gia đình, với người Hà Nhì đây là công việc chung của cả thôn, bản thể hiện rõ sự đoàn kết và tương trợ lẫn nhau.

Trước ngày lễ tảo mộ, gia đình chuẩn bị đồ cúng tế chu đáo để hành lễ sao cho đúng với tổ tiên, đồng thời thông báo cho cả bản biết cùng tham gia. Đồ lễ dâng cúng gồm một con lợn to, gà trống, kẹp xôi, trứng luộc cùng vàng hương. Mỗi hộ gia đình trong bản cũng chuẩn bị đồ ăn, bánh kẹo, nước ngọt để làm lễ dâng lên người đã khuất. Chủ tế sẽ thịt một con lợn to lấy phần thủ lợn và phần đuôi làm lễ cúng, phần còn lại được chế biến thành các món ăn truyền thống để cả bản cùng thưởng thức.

Từ sáng sớm, gia đình của người quá cố cùng những người đàn ông, thanh niên trong bản cùng nhau sửa sang lại mộ phần. Trên mộ đặt một cây nêu, treo những con giống bằng giấy gấp hình con thuyền, chim hạc như nhắn nhủ lời cầu nguyện của người Hà Nhì tới tổ tiên.

Đến giờ được chọn, chủ tế sẽ tiến hành lễ cúng mời người đã khuất về hưởng lộc. Đồ cúng với rượu, cơm nếp, vàng hương, thủ lợn được đặt trước cửa mộ nơi ra vào của linh hồn người đã khuất. Chủ tế khấn xong, mỗi gia đình trong bản sẽ mang một bó hương đến đốt và cắm bên mộ, đồng thời chia phần cơm nếp, thức ăn, rượu thịt, bánh kẹo trước mộ người quá cố.

Sau khi các nghi lễ đã hoàn tất, lễ vật sẽ được hạ xuống để những người trong dòng họ và các hộ gia đình trong bản cùng hưởng lộc. Bà con quây quần cùng nhau ngồi ăn một bữa trưa đầm ấm, vui vẻ. Đây chính là một trong những nét độc đáo nhất thể hiện tính gắn kết cộng đồng cùng nhau chia sẻ khó khăn, vui buồn của người Hà Nhì.

Phần lộc cúng tế sẽ được chia đều cho những người có mặt để thưởng thức ngay tại chỗ.
Người phụ nữ Hà Nhì bật khóc trước mộ phần người thân.
Những lọng giấy gấp hình chim hạc, thuyền buồm như nhắn lời cầu nguyện của người Hà Nhì gửi tới tổ tiên.
Thịt lợn thịt gà và các món ăn sau đó được chế biến ngay tại chỗ để làm lễ cúng tế. Đến giờ đã định, chủ tế sẽ tiến hành lễ cúng mời người quá cố về hưởng lộc. Mâm cúng với rượu, cơm nếp, vàng hương, thủ lợn được đặt trước cửa mộ mà con cháu thành kính dâng lên.
Gà và lợn sẽ được hiến tế ngay phía trước cửa mộ.

Bà con quan niệm rằng, tảo mộ không có nghĩa là đau thương, mất mát, mà là ngày mừng cho người đã khuất có nhà mới khang trang và được siêu thoát ở một thế giới khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn