MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trong những hình ảnh “quái dị” của Tùng Sơn. Ảnh: Internet

Lệch lạc thẩm mỹ trong người Việt trẻ

HUYÊN NGUYỄN LDO | 04/11/2016 11:05
Hàng loạt các hiện tượng như Lệ Rơi, Tùng Sơn với thể loại “nhạc ly dị lời” trong thời gian qua đã liên tục “gây sốt” trên mạng xã hội và khắp các trang báo. Ðể đi tìm hiểu nguyên nhân một bộ phận thanh niên lệch lạc về thẩm mỹ và trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại buổi giao lưu giữa các nghệ sĩ với các bạn tân sinh viên do Nhà Văn hóa học sinh sinh viên Hà Nội tổ chức.

Tại talkshow “Thẩm mỹ nghệ thuật trong người trẻ hiện nay” thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ, Ban tổ chức đã thực hiện một bài test nhỏ, kết quả không nằm ngoài dự đoán: Tất cả các bạn đều thích được đi xem các buổi âm nhạc có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ trẻ, mọi người đều biết đến Sơn Tùng MTP, Noo Phước Thịnh, Hồ Ngọc Hà; hầu hết trong số đó biết đến Tùng Sơn, Lệ Rơi... Tuy nhiên, khi nhắc về các nghệ nhân dân gian hoặc đi xem tại nhà hát kịch, đi nghe nhạc dân gian thì các bạn trẻ lại thờ ơ. Nhận định về điều này, nhà nghiên cứu, lý luận âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, nhạc sĩ Giáng Son, NSƯT Xuân Bắc cùng cho rằng: Việc giới trẻ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống có sự tác động của xã hội, truyền thông và giới trẻ hiện nay đang lệch lạc định hướng thẩm mỹ.

Sức mạnh của truyền thông

Các nghệ sĩ đều có chung nhận định, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay chỉ bằng một thao tác đơn giản trên máy tính là cả thế giới giải trí hiện ra trước mắt các bạn trẻ. Tuổi trẻ vốn ưa khám phá, thích sự mới lạ nhưng nếu không được định hướng thì đằng sau sự đơn giản, tiện lợi ấy có thể dẫn đến hậu quả thật khó lường khiến một bộ phận không nhỏ lớp trẻ "què quặt" trong tâm hồn. Biên tập viên, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay: Các bạn trẻ hiện nay đang thiếu định hướng về thị hiếu nghệ thuật. Các bạn tiếp nhận những điều phi nghệ thuật mà vẫn tưởng là nghệ thuật. Trong xã hội truyền thông, các bạn trẻ rất thuận lợi trong tiếp cận thông tin, thẩm mỹ nghệ thuật nhưng nếu không biết chọn lọc sẽ bị “nhiễu sóng”.

Cùng quan điểm, nhạc sĩ Giáng Son nhận định, truyền thông thường đưa tin về những cái nóng hổi, giật gân, cập nhật xu hướng. Thậm chí, có nhân vật được coi là phản cảm, quái đản lại được truyền thông săn đón. Và mỗi lần, các bạn nhấn vào xem thông tin thì nghĩa là các bạn đã góp phần cổ vũ, khiến độ nổi tiếng của các nhân vật kia, giúp họ có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trên các mặt báo. “Hãy biết chắt lọc, hãy tỉnh táo và sáng suốt trong lựa chọn thông tin”, nữ nhạc sĩ chia sẻ. Bên cạnh đó, nhạc sĩ Giáng Son cho hay, tình trạng chung của nhiều tờ báo hiện nay là việc đưa thông tin chưa được kiểm chứng cũng khiến cho bạn trẻ dễ nhầm tưởng. Đối với những loại thông tin tạm gọi là “độc hại” như trên thì rất có ảnh hưởng không tốt đến các bạn và đặc biệt là về gu thẩm mỹ.

Đừng biến thần tượng thành “thần thánh”

Chia sẻ về thần tượng và lý do yêu thích, bạn Nguyễn Thị Linh (sinh viên năm nhất, Học viện Ngân hàng) cho biết: Em hay nghe nhạc Kpop, Âu Mỹ. Em thấy ở các Idol sự chăm chỉ, rèn luyện, chịu được sự chỉ trích của dư luận và em học được ở họ quan niệm “đạp lên dư luận mà sống”.

Trao đổi về quan niệm của Linh, anh Nguyễn Quang Long nhận định: Các nghệ sĩ Hàn Quốc tiếp nhận văn hoá đại chúng phương Tây, tuy nhiên, họ lại thành công khi tạo cho mình một phong cách riêng để đến bây giờ nhạc Kpop ảnh hưởng sang tất cả các nước Châu Á, thậm chí cả nước Mỹ. Đây có thể gọi là một cuộc cách mạng của văn hoá Hàn Quốc. Ở Việt Nam, chúng ta cũng đang trên con đường đi tìm ra phong cách riêng như vậy. Như ở Sơn Tùng hoặc một số ca sĩ đang được yêu thích khác rõ ràng vẫn hiện hữu bóng dáng rất rõ ràng của nhạc Kpop.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ chân chính không khỏi chạnh lòng khi nhiều bài hát không phải là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ca từ và giai điệu, tiết tấu, mà chỉ thấy sự thiếu tinh tế, thiếu thẩm mỹ nghệ thuật; ca từ chỉ là những câu chữ ngô nghê, thậm chí phản cảm nhưng lại được giới trẻ thích nghe và dẫn đến sự lệch lạc về thẩm mỹ cho cả một thế hệ thanh niên. Thậm chí, việc hâm mộ một cách cuồng nhiệt, quá đà lại khiến giới trẻ có những hành động không thật sự chuẩn mực. Nhạc sĩ Giáng Son cho rằng: "Ai cũng có những thần tượng cho riêng mình nhưng không vì thế mà bạn lao đến hôn ghế thần tượng vừa ngồi hay mất ăn mất ngủ nếu không được gặp thần tượng... Thậm chí, trên mạng có những cuộc “chiến tranh bàn phím” về thần tượng mà không cần quan tâm đúng - sai, phải - trái ra sao".

Nghệ thuật cần phù hợp với môi trường sống

Tạm gác chủ đề âm nhạc, các nghệ sĩ tiếp tục đưa giới trẻ nhìn nhận về nghệ thuật xăm mình. Nêu quan điểm, bạn Trần Quang Huy (ĐH Lao Động Xã hội) cho rằng, xăm mình cũng tốt, thể hiện sự chịu đựng, không phải ai cũng có thể chịu đựng đau như vậy. Em không dám xăm vì em sợ đau. Tương tự, bạn Nguyễn Thị Hồng Nhung (HV Báo chí và Tuyên truyền) bày tỏ: “Trước đây, em có thành kiến đối với việc xăm mình. Từ hồi học đại học em thấy xăm mình là một môn nghệ thuật và em rất thích xăm hình”.

Khi bàn về xăm, NSƯT Xuân Bắc nói, anh sẽ không bao giờ xăm. Với Xuân Bắc, xăm để chứng tỏ sự chịu đựng đau đớn, đó là quan điểm chưa thực sự đúng. Hiện nay, xăm có thể không đau một chút nào cả vì có thuốc gây mê, gây tê, vì thế nếu để thể hiện mình có thể chịu đau có nhiều cách khác. “Có người lại có quan niệm xăm để chứng tỏ mình. Xăm đầy hình ảnh hổ báo lên trên người nhưng cứ có đánh nhau là chạy trước. Xăm chỉ thể hiện cách chơi của người xăm nhưng cách chơi đó không thể thể hiện tính cách trong đời sống, không thể hiện cá tính thực sự của bạn. Xăm hình được nâng lên thành một môn nghệ thuật, thế nên, tôi khẳng định xăm mình không xấu chỉ có điều bạn đã thực sự hiểu đúng về nghệ thuật này hay chưa” - Xuân Bắc chia sẻ.

Tại chương trình, nghệ sĩ Xuân Bắc cũng đặt câu hỏi cho hơn 1.000 sinh viên có mặt trong hội trường, kết quả đem lại khá bất ngờ. Phần lớn các bạn sinh viên có ý định, mong muốn xăm đều vấp phải những lý do như chưa có tiền, vì e dè xã hội, sợ đánh giá mọi người, vì bố mẹ chưa cho phép.

NSƯT Xuân Bắc bộc bạch: Không chỉ những người trẻ mà cả những người đã trưởng thành, nhiều điều mỗi con người muốn làm cho cá nhân mình nhưng lại không thực hiện được vì lý do là chúng ta sống trong một cộng đồng, nhiều khi chi phối nhận thức, hành động. Có nhiều quốc gia cấm những người xăm ở chỗ có thể nhìn thấy nhập cảnh. Khi chúng ta xăm mình thì cũng đồng nghĩa với việc bạn cần chấp nhận những ánh nhìn dò xét, thiếu thiện cảm, đương nhiên chúng ta cũng đừng nên đạp lên dư luận để sống mà hãy sống làm sao để người ta không nên kỳ thị với hình xăm của mình và những điều tốt đẹp của mình không bị ảnh hưởng bởi một hình xăm.

Một khi các bạn đã nhận thức đầy đủ về hình xăm và hiểu đúng nghệ thuật xăm mình nhưng cũng cần suy nghĩ thật chín chắn trước khi quyết định làm gì bởi có điều chỉ đúng trong một thời điểm nhất định. Ví dụ trong nghề diễn viên, mỗi lần xăm là mất một cơ hội. Nếu bạn đang được lựa chọn vào vai một nhân vật nam sinh ngoan hiền thì một hình xăm ở bắp tay hay trên ngực là điều đạo diễn và khán giả Việt Nam hiện nay chưa chấp nhận. Đương nhiên, bạn mất cơ hội. Nhiều bạn xăm mình để nhắc nhở ước nguyện để không bị nhụt đi ý chí nhưng tôi có một anh bạn, chính vì khao khát từ nhỏ được trở thành phi công nên đã xăm lên cơ thể chữ “born to be a pilot” và chính hình xăm đó đã huỷ ước mơ đó của bạn ấy.

Kết thúc cuộc trao đổi, nghệ sĩ Xuân Bắc bộc bạch: “Nói về nghệ thuật sẽ khó có thể phân biệt được đúng và sai bởi đó là ở quan điểm của mỗi người. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh đã là nghệ thuật phải mang giá trị phát triển, mang giá trị mỹ học hướng con người tới cái đẹp, bắt đầu từ cái đẹp trong suy nghĩ, đến cái đẹp trong hành động và làm cho cuộc sống của chúng ta đẹp hơn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn