MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Liên tiếp phát hiện lá khát - ma túy mới cực mạnh xâm nhập Việt Nam

BS Văn Bình LDO | 20/05/2018 08:11
Ngày 11.5, lực lượng chức năng Hải Phòng thu giữ 301 thùng lá khát nhập về từ Châu Phi! Hải quan và Công an TP. Hải Phòng phát hiện lô hàng khoảng 2,5 tấn này về cảng Đình Vũ, tờ khai ghi là là chè và càphê. Giám định xác nhận loại lá này chứa chất Cathinone, tinh chất của cây khát...

Liên tiếp phát hiện

Mấy năm gần đây, các cửa khẩu Việt Nam liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ nhập lá khát trái phép. Từ tháng 3.2016, Cục Hải quan TP. Hà Nội có thông tin một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam để chuyển sang nước thứ ba nên phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống ma túy, Bộ CA thành lập chuyên án E316 để phá đường dây này.

Ngày 15.4, đã phát hiện, bắt giữ 36 kiện hàng chứa lá khô, tổng số 545kg, gửi từ Ethiopia. Viện Khoa học hình sự, Bộ CA giám định, kết luận lá này có thành phần Cathinone, một chất ma túy cực mạnh. Từ 15.4 - 28.6.2016, Ban chuyên án rà soát, phát hiện nhiều lô hàng gửi đi Mỹ, Anh, Australia hoặc hàng hoàn nhập từ một số nước về Việt Nam chứa lá khát. Các lô hàng này khi chuyển đi hoặc nhập về được khai báo là trà, thảo mộc, chùm ngây (cải ngựa, dùi trống, cây dầu bel) khô...

Ban chuyên án đã bắt giữ tổng số 199 kiện hàng chứa ma túy lá khát, tổng trọng lượng 2,5 tấn và tiến hành xác minh nhân thân người gửi, người nhận. Toàn bộ số lá khát này được cơ quan chức năng tiêu hủy ngày 10.5.2018.

Ngày 5.6.2016, Chi cục hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện gần 350kg lá khát khô. Đến thời điểm này, đây là lần thứ 5 liên tiếp hải quan TPHCM phát hiện loại lá này, tổng số 1,1 tấn, nhập từ Châu Phi, tái xuất đi Mỹ và Châu Âu.

Cuối tháng 2.2017, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kiểm tra các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn ở kho hàng của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài, phát hiện 3 lô hàng vận chuyển về từ Kenya nghi chứa hàng cấm. Trong đó, 2 lô hàng chứa 18 túi nylon và 31 bọc giấy bạc (trong 7 vali) đều là lá khát khô, tổng trọng lượng 185kg.

Tháng 3.2017, lực lượng hải quan TP. Hải Phòng mở một trong hai container hàng hóa bị “bỏ quên” ở cảng Tân Vũ, quận Hải An thấy 352 thùng carton, mỗi thùng chứa 4 - 5 túi nylon lá khát khô. Ước lượng, mỗi container này chứa khoảng 5 tấn lá khát. Một lô hàng lá khát khô khác, khoảng 2,6 tấn chuyển về từ Djibouti, vận đơn ghi là lá cây bụi. Lô hàng từ Somali, cập cảng Hải Phòng ngày 2.4 2017, chứa khoảng trên 3 tấn lá khát khô, vận đơn ghi là trà. Tháng 5.2017, Viện Khoa học hình sự, Bộ CA xác định là lá khát. Tháng 12.2017, các cơ quan chức năng TP. Hải Phòng tiêu hủy 5,6 tấn lá khát khô bắt giữ từ tháng 3 - 5.2017.

Cây khát, lá giống lá chè xanh.

Lá khát chứa chất ma túy

Cây khát (hay kat, qat, ghat hoặc chat - catha edulis) còn có tên khá mỹ miều là thiên đường, là cây mọc bụi, trồng và buôn bán ở nhiều nước Châu Phi và nam bán đảo Arập, lá giống như lá chè xanh, mùi thơm dễ chịu... Người ta nhai lá khát như nhai trầu ở Việt Nam hoặc phơi khô, pha uống như trà, càphê hoặc quấn thành “thuốc lá” để hút. Giá lá khát 0,5 - 20USD một bó, tùy thuộc vào chất lượng và độ tươi.

Theo WHO, phụ nữ nghiện lá khát nhiều hơn nam giới, gần 30% bé gái vị thành niên và trên 70% vị thành niên ở Đông Ethiopia có thói quen nhai lá khát. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), có tới 73% phụ nữ Yemen dùng thường xuyên loại lá này.

Với người Arập, lá khát được xem là “trà Ảrập”, nhiều người nghiện nặng không bỏ được và họ cho là vô hại, không khác gì chè hay cà phê. Một ngày, chợ Adaway ở Ethiopia tiêu thụ khoảng hơn 25.000kg lá khát. Theo BBC, vùng sừng Châu Phi có khoảng trên 20 triệu “tín đồ” của lá khát và khoảng 500.000 nông dân vùng Sừng Châu Phi và bán đảo Ảrập sống nhờ loại cây này. Người nghiện lá khát đặc biệt khó cai hơn nhiều loại ma túy khác và khả năng tử vong rất cao.

Tinh thể Flakka.

Lá khát có hai hoạt chất là Cathinone và Cathine. Cathinone tạo ra hiệu ứng kích thích ở não tương tự như ma túy nhóm Amphetamine (hàng đá, thuốc lắc, hồng phiến...) hay Cocain, nhưng tác dụng nhanh hơn (khoảng 15 phút sau khi nhai/30 phút nếu dùng Amphetamine), nguy hiểm hơn ma túy đá nhiều lần và được cho là độc hại hơn Cocain 500 lần.

Hiện vẫn chưa rõ tất cả những tác động của nó đến não, tâm thần con người. Cathinone gây phấn khích, tỉnh táo, nói nhiều, chán ăn, tăng ham muốn tình dục khi mới dùng như nhiều chất gây nghiện khác. Lạm dụng và sử dụng lâu dài lá khát gây ra chứng mất ngủ, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, mờ mắt, rụng răng, phiền muộn, tổn hại gan và tăng nhịp tim, rối loạn kinh nguyệt; lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, kiêu ngạo thái quá (tạp chí y tế Áo, Wiener Klinische Wochenschrift).

Đặc biệt, gây rối loạn tâm thần với các triệu chứng loạn thần như ảo giác, hoang tưởng (thường là hoang tưởng bị hại và hoang tưởng liên hệ - thấy hố, nghĩ mình sẽ chết), các hành vi bất thường, cực đoan, bạo lực, muốn tự tử... và được cho là gây ung thư... Năm 1993, Mỹ xếp Cathinone thuộc nhóm thuốc gây nghiện I.

Từ Cathinone, người ta bán tổng hợp ra “muối tắm” (tên khác: “ma thuật trắng”, meo meo, M-Cat, Flakka, hoa, chín tầng mây, sóng trăng, vanilla sky, ánh sáng trắng, scaface; dạng tinh thể như muối ăn, màu trắng hay hồng nhạt) có thành phần là Mephedrone tức 4-Methyl Meth Cathinone (4-MMC) hay 4-methyl ephedrone.

Được cho có xuất xứ từ Trung Quốc, “muối tắm”, loại ma túy bán tổng hợp đã từng càn quét Florida và xuất hiện ở các tiểu bang Ohio, Texas (Mỹ). Loại ma túy này nặng mùi như mùi tất người hôi (thối) chân. Flakka khiến người dùng có cảm giác bay bổng, cực kỳ kích thích và nhiều ảo giác; có cảm giác sức mạnh phi thường và trở nên rất hung hăng. Những cơn co giật, sùi bọt mép, mắt trợn ngược kèm theo hành vi gây tổn hại bản thân là các biểu hiện thường có.

Đặc biệt nguy hiểm là Flakka gây tiêu cơ vân và xương nhanh chóng. Tiêu cơ vân nặng thường dẫn đến suy thận cấp do tăng đột biến Myoglobin (chất căn bản của cơ) và kali máu, nếu không điều trị kịp thời sẽ tử vong. Flakka gây nghiện cực nhanh và mạnh. Người nghiện mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho người xung quanh hoặc một mục tiêu mà họ đã nhắm từ trước.

Hiện tượng “xác sống” (zombie) do “muối tắm” xuất hiện khắp nơi ở Florida, đập phá, tấn công người và có cả một “zombie” là sinh viên 19 tuổi cắn xé người khác... làm cả nước Mỹ khiếp sợ. Trước năm 2010, ở Mỹ, người ta mua “muối tắm” qua mạng Internet và bị cấm vào năm 2010 vì được coi là loại ma túy nguy hiểm nhất.

Ở Nga hiện có hàng trăm nghìn người nghiện “muối tắm”, mỗi liều “muối” khoảng 10 USD. Phụ nữ nghiện “muối” kiếm tiền mua nó bằng nghề mại dâm hay bán lẻ ma túy khác và ngày càng có nhiều phụ nữ tìm lối thoát bằng “muối”. Người ta vẫn nói đùa rằng “muối tắm nhiều như tuyết ở Siberia”.

Ông Nikolai Novopashin, người sáng lập Trung tâm phục hồi chức năng Spaso-Preobrazhensky ở Stavropol, Tây Nam nước Nga cho biết, mỗi tháng một người nghiện “muối” ở trung tâm này mất khoảng 478USD, khá đắt so với thu nhập trung bình của một gia đình. Nhiều người tin rằng “muối tắm” an toàn hơn Heroin nhưng thực tế họ phải đối mặt với những hậu quả bi thảm. Loại ma túy gây ảo giác này có thể cướp đi sinh mạng con người sau 2 đến 3 năm dùng nó.

Theo Hội đồng tư vấn về lạm dụng ma túy Anh, khoảng 2.560 tấn lá khát nhập khẩu vào Anh mỗi năm. Theo BBC, ước tính các nước Châu Phi thu khoảng 15 triệu Bảng/năm tiền xuất khẩu lá khát sang Anh. Một bó lá khát ở Anh giá 3 bảng, ở Mỹ giá gấp 10 lần ở Anh... Một sinh viên Anh, 19 tuổi, sau khi dùng Flakka đã đâm mẹ nhiều nhát dao rồi tự cắt “cậu nhỏ”. Cảnh sát chứng kiến anh này treo mình trên cửa sổ phòng ngủ, máu chảy đầm đìa ở háng. Hai mẹ con được đưa đến BV với nhiều vết thương sâu đe dọa tính mạng, sau đó, tháng 6.2014 lá khát bị cấm ở Anh. Hầu hết các nước cấm Cathinone và mức nguy hiểm cao của nó.

Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19.7.2013 của Chính phủ về ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất xếp Cathinone vào mục I, là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này cho phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm phải theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn