MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin mới nhất, thuộc hàng lớn nhất, liên quan tới hoạt động che giấu tài sản của các nhân vật quyền lực trên thế giới. Nguồn ảnh: Website ICJI.org

Liên tiếp rò rỉ dữ liệu về việc che giấu tài sản tại các thiên đường thuế

Tường Linh (Tổng hợp) LDO | 09/10/2021 00:00
Đầu tháng 10 này, Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) đã công bố nội dung cuộc điều tra mang tên Hồ sơ Pandora, với thông tin cho thấy nhiều người giàu có và thế lực đã che giấu và âm thầm sở hữu các khối tài sản bí mật trị giá nhiều triệu đô la ở nước ngoài.

Mạng lưới phức tạp của các “công ty ngoại biên”

Hồ sơ Pandora phanh phui bí mật tài chính của nhiều tỉ phú và người nổi tiếng thế giới. Những cá nhân này, thông qua một mạng lưới phức tạp của các "công ty ngoại biên" (offshore company) được lập ra tại nhiều khu vực trên thế giới, đã che giấu các khối tài sản hoặc tiền bạc mà họ đang sở hữu. Ví dụ như một người có tài sản ở Anh, nhưng không trực tiếp sở hữu tài sản này, mà mua nó thông qua một hoặc nhiều công ty nằm ở hải ngoại.

Vì sao người ta lại làm như vậy? Đơn giản là vì một số lý do sau. Thứ nhất, tại một số vùng lãnh thổ trên thế giới, việc thành lập các công ty này rất dễ dàng mà không gặp nhiều khó khăn gì. Thứ hai, luật pháp ở một số vùng khiến việc xác định chủ sở hữu của các công ty này rất khó khăn. Thứ ba, ở vài khu vực các công ty này chỉ bị đánh thuế thấp, hoặc gần như không bị đánh thuế.

Những nơi hội tụ các yếu tố này thường được gọi là "thiên đường thuế", "nơi tránh thuế" hoặc khu vực "thẩm quyền tài phán bí mật". Không có danh sách cụ thể về các thiên đường thuế của thế giới, nhưng vài địa chỉ nổi tiếng nhất bao gồm Các vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh như Quần đảo Cayman hay Quần đảo Virgin, cũng như một số quốc gia như Thụy Sĩ. 

Khi công bố Hồ sơ Pandora, ICIJ nói rằng các dữ liệu có liên quan tới khoảng 35 nhà lãnh đạo thế giới (bao gồm cả đương nhiệm và đã thôi giữ chức vụ), hơn 330 chính trị gia cùng các quan chức ở 91 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Hồ sơ Pandora còn tiết lộ chủ sở hữu thực sự của hơn 29.000 công ty ngoại biên. Không ít công ty này được dùng để các chủ nhân của nó ẩn danh tài sản, tài khoản ngân hàng, máy bay phản lực tư nhân, du thuyền, biệt thự và các tác phẩm nghệ thuật đắt giá.

Trong số những cái tên được nhắc tới tại Hồ sơ Pandora, đáng chú ý có những nhân vật từng lên tiếng phản đối việc trốn thuế trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên các tài liệu của Hồ sơ Pandora cho thấy nhân vật này đã mua một công ty bất động sản nước ngoài; công ty này có tài sản là một tòa nhà trị giá khoảng 6,6 triệu bảng (8,8 triệu USD) ở London. Nhờ chiêu "lách luật" này mà vợ chồng nhân vật trên đã không phải nộp khoản thuế tài sản lên tới 312.000 bảng (khoảng 400.000 USD).

Những nhân vật nổi tiếng khác bị nêu tên trong Hồ sơ Pandora còn có những người được cho là đã sở hữu 14 bất động sản bí mật trị giá 106 triệu USD. Số bất động sản này nằm rải rác trên đất Mỹ và Anh và được mua thông qua nhiều công ty ngoại biên. Hoặc một nhân vật khác có sở hữu khối tài sản trị giá hơn 30 triệu USD thông qua 7 công ty ngoại biên nằm ở Quần đảo Virgin và Panada. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy ông ta đã biển thủ hoặc che giấu tài sản nhà nước tại các công ty đó.

Cần biết rằng việc mở công ty ngoại biên và thu lợi qua các công ty này không phải là hành vi bất hợp pháp. Giới quan sát cho rằng người ta có nhiều lý do để mở công ty ngoại biên, như an ninh hoặc bảo vệ sự riêng tư. Tuy nhiên việc được che giấu quyền sở hữu và nhiều đặc điểm khác như đã đề cập tới ở các thiên đường thuế đôi khi sẽ giúp các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận và rửa tiền, khiến nhiều chính phủ thất thu thuế. 

Phản ứng sau cú sốc 

Nhiều quốc gia đã có phản ứng khác nhau liên quan tới Hồ sơ Pandora. Hôm 4.10, Thủ tướng Côte d’Ivoire Patrick Achi tuyên bố không có hành vi sai trái nào, sau khi tên ông được nêu trong Hồ sơ Pandora. ICIJ cho biết vào cuối những năm 1990, ông Achi lúc đó đang là cố vấn cho Bộ trưởng Năng lượng Côte d’Ivoire, đã sở hữu công ty tư vấn Allstar Consultancy Services có trụ sở tại Bahamas. Ông tiếp tục nắm quyền sở hữu công ty này cho tới tận 2006. Tuy nhiên ICIJ không nêu rõ công ty của ông Achi sở hữu tài sản gì, cũng như mục đích tồn tại của nó là gì.

Ngày 4.10, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta cho biết cuộc điều tra vạch trần việc các nhà lãnh đạo toàn cầu sử dụng thiên đường thuế sẽ giúp "tăng cường minh bạch tài chính", song từ chối bình luận về cáo buộc gia đình ông sở hữu nhiều công ty nước ngoài trị giá hàng triệu USD.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Babis thì công khai chỉ trích thông tin nhằm vào ông, nói rằng nó có mục đích gây ảnh hưởng đến dư luận khi cuộc bầu cử Hạ viện sắp bắt đầu. Cơ quan Cảnh sát phòng chống tội phạm có tổ chức của Czech cho biết cơ quan này sẽ điều tra các thông tin trong Hồ sơ Pandora liên quan tới Thủ tướng Babis và khoảng 300 công dân Czech.

Cơ quan An ninh Tài chính Mexico hôm 4.10 cũng thông báo đã bắt đầu điều tra 3.047 chính trị gia và doanh nhân Mexico có liên quan tới Hồ sơ Pandora. Tương tự, Bộ Tài chính Ấn Độ khẳng định sẽ cùng các cơ quan liên quan điều tra những trường hợp được nêu danh trong Hồ sơ Pandora và đưa ra hình thức xử lý phù hợp với pháp luật. Phía nhà chức trách Anh cũng phát đi tín hiệu rằng họ sẽ xem xét các thông tin trong Hồ sơ Pandora để có hướng xử lý phù hợp.

Tuy nhiên ông Fergus Shiel, một đại diện của ICIJ thừa nhận rằng nhiều cái tên dù bị nhắc tới trong Hồ sơ Pandora nhưng hành vi của họ chưa chắc đã phạm pháp. Ông nói thêm rằng việc công bố hồ sơ chủ yếu để cho thấy vấn đề che giấu tài sản. "Các chính trị gia có thể sở hữu nhiều công ty ngoại biên, nhưng công dân của họ biết rất ít về những công ty này, cũng như tài sản của họ là bao nhiêu". 

Trong bài viết mang tựa đề "Hồ sơ Pandora cho thấy các cuộc trấn áp trốn thuế vẫn không đọ được giới siêu giàu", tác giả Viviene Walt nhận xét: "Nếu muốn che giấu tài sản của mình trước cơ quan thuế bạn cần phải giàu đã, rất rất giàu." Quả thực, toàn bộ Hồ sơ Pandora đã cho thấy vô số hành vi né thuế tràn lan của những con người nằm trong nhóm giàu có, quyền lực nhất thế giới. Và họ làm được điều này nhờ sự trợ giúp của các công ty tư vấn tài chính, công ty luật, sau khi trả mức phí rất cao. "Với các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, mọi quy định của pháp luật dường như chỉ là một dạng chướng ngại mà họ sẽ có cách để vượt qua", ông Alex Cobham, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Tax Justice Network ở London nhận xét. 

Hồ sơ Pandora cũng hé lộ thực tế rằng các vụ rò rỉ tài liệu chấn động trước đây chỉ tạo ra những cải cách khiêm tốn tại một số nơi trên thế giới nhằm ngăn chặn tình trạng che giấu tài sản. Giới nhà giàu và nhiều ảnh hưởng sẽ nhanh chóng thích nghi sau khi bị lộ thông tin che giấu tài sản. Ví dụ như họ sẽ chuyển tài sản sang những công ty ngoại biên mới, thông qua các nhà cung cấp dịch vụ mới từng là đối thủ của những "ông lớn" như Mossack Fonseca - công ty luật hiện không còn tồn tại và là trung tâm của vụ Hồ sơ Panama hồi năm 2016

Theo Giám đốc ICIJ Gerard Ryle, những người thích cất giữ tài sản ở các "thiên đường thuế" sẽ có lợi khi giữ cho mọi thứ nguyên trạng sau mỗi vụ rò rỉ chấn động. Vì thế, họ sẽ tìm cách gây trở ngại cho quá trình cải cách các hoạt động như quản lý công ty ngoại biên.

Với lượng dữ liệu lên tới 2,94 terabyte, Hồ sơ Pandora là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất trong những năm gần đây. Để so sánh, vụ Hồ sơ Panama tai tiếng hồi năm 2016 có lượng dữ liệu rò rỉ là 2,6 terabyte, với 11,5 triệu file tài liệu. Vụ Paradise hồi năm 2017 có lượng dữ liệu rò rỉ là 1,4 terabyte, với 13,4 triệu file tài liệu. Trong khi đó, vụ Offshore hồi năm 2013 chỉ có lượng dữ liệu rò rỉ là 260 gigabyte (1 terabyte = 1.000 gigabyte), với 2,5 triệu file tài liệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn