MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nữ họa sĩ trẻ Lily Lai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lily Lai - cô gái trẻ tìm thấy ngã rẽ cuộc đời với sơn mài

Anh Tuấn LDO | 14/04/2024 12:00

Trong khoảng thời gian chông chênh đi tìm mục đích cuộc sống, họa sĩ trẻ Lily Lai đã tìm thấy đam mê với sơn mài và quyết tâm gắn bó với bộ môn nghệ thuật truyền thống này.

Ngã rẽ tình cờ

Lily Lai (tên thật Lại Thị Huệ) có niềm đam mê với hội họa từ nhỏ. Tốt nghiệp khoa Thiết kế Nội thất (Đại học Mở Hà Nội), cô gái sinh năm 1998 có khoảng thời gian ngắn theo đuổi công việc này nhưng không cảm thấy đủ đam mê.

Lily Lai luôn bị cuốn hút đặc biệt với các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Từ những kiến thức học được trong trường và những lần trải nghiệm thực tế, cô gái trẻ muốn lựa chọn một môn nghệ thuật truyền thống làm sự nghiệp lâu dài.

Tình cờ trong một chuyến đi chơi, Lily đã tìm thấy ngã rẽ định mệnh. “Năm 2021, tôi đi thăm làng sơn mài Hạ Thái ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngay lập tức tôi bị thu hút bởi nghệ thuật sơn mài. Em ghé nhà một cụ nghệ nhân già, cả ngày hôm đó chỉ ngồi quan sát cụ ấy tạo hình nên tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ từ một tấm gỗ xấu xí” - Lily Lai nói.

Từ khi biết đến sơn mài, một thế giới mới mở ra với Lily Lai. Cô lao vào tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này, nhưng lập tức gặp phải trở ngại đầu tiên. “Xung quanh tôi chẳng ai biết về sơn mài. Dò hỏi khắp nơi tôi mới biết một địa chỉ dạy sơn mài, đó là trường Mỹ nghệ Hà Đông. Vào trường, tôi được gặp cô chú, anh chị tiền bối giúp đỡ tôi rất nhiều trong hành trình khám phá bộ môn nghệ thuật thú vị này”.

Sơn mài được xem là “quốc họa” của Việt Nam. Từ những năm đầu thế kỷ 20, nước ta đã định hình được “đặc sản” mỹ thuật Việt Nam là sơn mài, sớm đưa sơn mài vào hội họa để giảng dạy. Tuy nhiên ngày nay, vì nhiều lý do nên số người gắn bó với sơn mài ít dần.

Càng tìm hiểu sơn mài, Lily càng cảm thấy lạ lùng là phần lớn những người còn theo đuổi bộ môn này đều đã lớn tuổi, người trẻ gần như không có. “Từ đó, tôi quyết tâm dùi mài kinh sử để theo đuổi sơn mài, muốn làm một điều gì đó cho bộ môn nghệ thuật thủ công truyền thống. Tôi muốn giới thiệu cho nhiều người hơn nữa biết tới sơn mài, đặc biệt là giới trẻ” - Lily Lai tâm sự.

Lily Lai có Galerry riêng để trưng bày các sản phẩm của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn mài để rèn tính nết

Cái gì cũng thế, khởi đầu luôn khó khăn! Đối với Lily Lai và sơn mài cũng vậy. “Sơn mài không dành cho những người thích ăn xổi. Ban đầu tiếp xúc với sơn mài, tôi rất nản vì môn này không dễ như mình nghĩ. Mất nhiều thời gian và công đoạn mới có thể tạo ra một tác phẩm sơn mài. Tôi còn trẻ, làm gì cũng muốn nhanh có kết quả. Nhưng từ khi đến với sơn mài giúp tôi rèn tính nết, trở thành một người kiên trì nhẫn nại hơn” - Lily Lai cho biết.

Quy trình tạo ra một tác phẩm sơn mài gồm nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến sản xuất rồi lại mài và đánh bóng; riêng công đoạn nguyên liệu cũng có tới 6 - 7 bước. Chưa kể, bộ môn này hoàn toàn khác với những điều Lily từng được học. “Ví dụ như sơn dầu, mình sẽ vẽ tổng quát trước rồi mới đến chi tiết. Nhưng với sơn mài, mình muốn chi tiết gì hiện lên đầu tiên thì phải vẽ chi tiết đó trước. Mất 5 tháng tôi mới hoàn thành được bức tranh sơn mài đầu tiên có chủ đề về mẹ”.

Cứ thế, sơn mài trở thành đam mê với cô gái trẻ. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, từ những hạn chế về kinh tế, sự tác động của xã hội nhưng Lily Lai may mắn được sự ủng hộ, hướng dẫn của thầy cô và các nghệ nhân lành nghề tại xưởng, mọi việc cũng dần suôn sẻ hơn. “Tôi cảm thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn. Tôi mới theo nghề 2 năm nhưng tranh và các sản phẩm của tôi đã được thị trường chấp nhận. Có bức bán được tới 1.000 USD. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi nghề”.

Một khó khăn nữa của nữ họa sĩ người Nam Định khi gắn bó với sơn mài là sức khỏe. Cô thường xuyên bị “tai nạn nghề nghiệp” lúc sáng tác sơn mài. “Các nguyên liệu dùng trong sơn mài rất độc. Khi làm tranh tôi phải mặc áo mưa kín mít cả người, đeo 2 - 3 lớp găng tay cao su để tránh bị ăn da. Mới đầu tôi còn bị sưng hết cả mặt do kích ứng sơn, rồi dị ứng khắp người, tay bị lở loét, các vấn đề về da. Tôi phải tắm lá khế để giảm bớt. Rồi còn hít phải vụn bạc, vàng, ảnh hưởng tới phổi. Làm một thời gian khi cơ thể quen với các nguyên liệu mới đỡ”.

Khía cạnh kinh tế cũng là một khó khăn khác với những người trẻ muốn theo đuổi sơn mài như Lily Lai. Vật liệu sơn mài như vàng bạc, các loại màu khoáng tự nhiên... hầu hết đều rất đắt tiền, chu kỳ sản xuất sản phẩm kéo dài, thời gian quay vòng vốn lâu... Nhưng tất cả những điều đó đều không lay chuyển được niềm đam mê của Lily Lai với nghệ thuật sơn mài.

Lily Lai đang thực hiện tác phẩm mới nhất. Ảnh: Anh Tuấn

Tương lai tươi sáng

Trái ngọt đầu tiên đến với Lily Lai vào tháng 12.2023, khi cô tổ chức triển lãm chung mang tên “Duyên Khởi” với một số nghệ sĩ tiền bối, tạo được tiếng vang và thu hút khá nhiều bạn trẻ tới xem.

Mong muốn của Lily Lai trong tương lai là thoát ra vùng an toàn, đột phá hơn nữa trong suy nghĩ và tư duy hội họa. Đồng thời nữ họa sĩ trẻ cũng muốn tìm tòi, nghiên cứu để ứng dụng nghệ thuật truyền thống này nhiều hơn trong thiết kế và mỹ thuật hiện đại. “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam có nhiều ứng dụng đa dạng, ngoài vẽ tranh còn có thể ứng dụng trong ngành thiết kế nội thất như mảng tường, bàn, ghế, tủ, các loại đồ gốm, bình, ốp điện thoại...”.

Hiện tại, Lily Lai vẫn phải song song làm nhiều việc để nuôi đam mê với sơn mài, nhưng cô gái trẻ hy vọng trong tương lai đến một lúc nào đó có thể sống hoàn toàn với sơn mài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn