MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại đã phân loại riêng thì người dân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý. Ảnh: Lan Nhi

Lường trước những "bi, hài"...

lan nhi LDO | 16/01/2022 17:55
Trước quy định thu phí rác thải đo bằng khối lượng, thể tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhiều người dân đồng tình nhưng cũng có không ít người tỏ ra băn khoăn về việc quản lý, vấn nạn đổ trộm rác thải nếu kế hoạch này đi vào thực tiễn.

“Mới chỉ nghe trên vô tuyến, báo chí”

Từ ngày 1.1.2022, Luật Bảo vệ môi trường 2022 sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ cá nhân, hộ gia đình sẽ được tính toán dựa trên khối lượng hoặc thể tích thải ra. Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại đã phân loại riêng thì người dân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.

Theo quy định mới nêu trên, “khối lượng”, “thể tích” rác thải sau khi được phân loại tại nguồn sẽ được coi là một yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt mà người dân phải chi trả hằng tháng. Người xả 1kg rác sẽ phải trả tiền ít hơn người xả 10kg rác. Mức giá dịch vụ hiện nay sẽ không được tính bình quân và “cào bằng” như trước. 

Ghi nhận của Lao Động cho thấy, bên cạnh những ý kiến tích cực, nhiều người dân trên địa bàn TP.Hà Nội cũng tỏ ra lo ngại trước quy định thu phí rác thải đo bằng khối lượng, thể tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dù Luật đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, nhưng nhiều người dân ở các khu tập thể, dân cư, chung cư đông đúc... khi được hỏi vẫn rất hoang mang, “mù mờ” về quy định này. Họ cho rằng việc kê khai, xác định chính xác khối lượng rác thải của từng hộ gia đình để tính phí là điều khó giám sát và thực hiện. 

Bà Nguyễn Thị Đãng - Tổ trưởng tổ dân phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Dù mới chỉ nghe trên vô tuyến, báo chí nhưng để thực hiện thì tôi thấy quy định có nhiều điểm bất cập và chưa hợp lý. Quy định đề ra là để giảm gánh nặng xử lý rác thải ở các đô thị nhưng nếu người dân ở khu phố đi làm về muộn, không kịp giờ đổ rác chung, vậy ai sẽ là người đứng ra kiểm tra, tính cân, tính phí cho họ. Đối với những người có ý thức kém, sợ tốn tiền thì họ sẽ sẵn sàng tìm cách tẩu tán, đổ rác bừa bãi ra ngoài môi trường. Lúc này thì biết rác của hộ nào để mà xử phạt?”.

Sinh sống trên tuyến phố Vũ Trọng Phụng, ông Kiều Tiến Dư (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng tỏ ra lo ngại. Dù luật đã có hiệu lực nhưng hiện khu phố nhà ông vẫn chưa được chính quyền, tổ chức nào hướng dẫn, phổ biến cụ thể. Lâu nay, tại các khu tập thể, dân cư, chung cư đông đúc như nhà ông Dư, người dân đều có thói quen tập kết rác vào cùng một chỗ, đóng chi phí rác thải bằng cách tính bình quân và cào bằng. 

“Gia đình nào cẩn thận thì còn phân loại rác từ đầu nguồn. Nhưng cũng có không ít hộ dân theo thói quen thường để rác lẫn lộn và không phân loại. Tôi lo ngại rằng, vì công nhân môi trường có quyền từ chối thu gom khi thấy rác cả khu không phân loại thì ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm. Như vậy, những người dù có phân loại rác đúng quy định cũng sẽ bị vạ lây. Đối với hộ gia đình thì sẽ dễ dàng triển khai hơn nhưng với hàng nghìn hộ dân cùng sinh sống thì việc quản lý, tính cân rác thải là cả một bài toán khó” - ông Dư cho hay.

Việc quản lý, vấn nạn đổ trộm rác thải khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: Lan Nhi

Cần giám sát, thực hiện đồng bộ 

Theo tìm hiểu của PV, Luật Bảo vệ Môi trường 2022 quy định chất thải rắn sinh hoạt không phải hẳn là đồ bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Để có thể tận dụng loại tài nguyên này, có 2 yếu tố tiên quyết đó là việc phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp. Tức là, từ khâu phân loại thu gom của người dân cho tới khâu xử lý cuối cùng phải được diễn ra đồng bộ. 

Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc tính phí rác thải theo cân là chưa thực tế, bà Nguyễn Thị Minh Châu (phố Ngọc Hà, quận Ba Đình) chia sẻ: “Việc tính phí, phân loại rác thải là chuyện hoàn toàn đúng đắn. Nhà nào ít rác thì thu ít tiền, nhà nào nhiều rác thì thu nhiều tiền. Nếu thu bình quân theo đầu người thì sẽ thiếu công bằng. Khi đánh vào bài toán kinh tế thì chắc chắn mỗi người, mỗi gia đình sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường và cố gắng phân loại, tái sử dụng rác thải".

"Quy định rất thiết thực nhưng tôi thấy tỉ lệ thành công phần lớn phụ thuộc vào ý thức của chung của người dân, cộng đồng. Nếu là công nhân môi trường, mỗi khi đi thu gom rác thì phải mang theo một cái cân để tính tiền hay ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát, minh bạch việc này? Hộ gia đình nào đông người như nhà tôi thì dù nhà đang tràn ngập rác, bốc mùi nhưng vẫn phải chờ đến giờ đổ rác thải để mang ra cân sao?" - anh Phạm Văn Dương (đường Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) nói. 

Được biết, hiện chi phí xử lý rác thải đang là "gánh nặng" tại nhiều thành phố, đô thị lớn trên cả nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đặt lộ trình thực hiện từ ngày 1.1.2022 đến năm 2025 là giai đoạn tuyên truyền, nâng cao giáo dục, nhận thức cho người dân. Cụ thể, trong giai đoạn đầu thực hiện, Bộ sẽ xây dựng chế tài xử phạt thật nghiêm, lắp đặt hệ thống hạ tầng camera giám sát một cách bài bản, dần dần hình thành thói quen, đưa việc thu gom rác thải đi vào nề nếp. Khi nhận thức, hành vi, hành động của người dân thay đổi, luật sẽ phát huy được tối đa những tác động tích cực đến môi trường, đời sống.

GS-TS Hoàng Xuân Cơ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng nên làm nhưng sẽ gặp không ít khó khăn. Nhất là việc xác định lượng rác thải của từng hộ không dễ. Người thu gom rác không thể mang theo cân khi đi thu gom để xác định khối lượng rác thải của từng hộ gia đình. Theo chuyên gia, lộ trình từ giờ đến năm 2025, sẽ còn rất nhiều điều phải thay đổi để cho việc thu gom rác thải được thuận lợi, hiệu quả nhất.

Mặc dù quy định thu phí, phân loại rác thải có tính “cách mạng” trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, giảm gánh nặng rác thải tại các đô thị... Tuy nhiên, để quy định thực sự đi vào đời sống, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, thiết thực, tránh chạy theo phòng trào, có chế tài quản lý sát sao từ khâu phân loại, thu gom, xử lý và quan trọng nhất là nhận được sự ủng hộ, ý thức chung của người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn