MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cầu treo bắc ngang dòng sông chảy giữa những thửa ruộng bậc thang Kon Tu Rằng. Ảnh: Trung Nghĩa

Măng Đen - hấp lực của hai chữ “bình yên”

an đạt LDO | 27/08/2023 09:11

Không mộng mơ như Đà Lạt, cũng không hùng vĩ và khiến người ta sửng sốt như Đông Bắc hay Tây Bắc, Măng Đen mang trong mình vẻ đẹp riêng của một vùng cao nguyên xa vắng.

Được nhiều người đặt cho cái tên “Đà Lạt thứ hai”, Măng Đen ngày càng thu hút hơn những du khách tò mò muốn trải nghiệm một điểm đến mới mẻ. Măng Đen - cái tên thật lạ và cũng quá đỗi thơ mộng, nằm trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cực bắc vùng Tây Nguyên trù phú và rộng lớn.

Tò mò từ cái tên

Nhiều du khách tìm hiểu về Măng Đen chỉ vì ấn tượng với cái tên này. Nhiều người còn đùa rằng, phải chăng do mảnh đất này có “đặc sản” là những cây măng màu đen? Trên thực tế, tên gọi Măng Đen xuất phát từ cách người Kinh gọi chệch từ T’mang deeng - trong tiếng M’Nông có nghĩa là “vùng đất rộng lớn, bằng phẳng”.

Cao nguyên Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.000 - 1.300m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình cả năm chỉ từ 18 đến 24 độ C, bốn mùa bao phủ sương mây. Với hơn 80% diện tích là rừng nguyên sinh, Măng Đen luôn mang vẻ tĩnh mịch, bình yên và tách biệt với thế giới.

Hiện cách di chuyển đến Măng Đen dễ dàng nhất với du khách cả 2 miền là bay đến Pleiku, sau đó đi thêm 2 tiếng bằng ôtô để đến Măng Đen. Quãng đường từ Pleiku (Gia Lai) đến Măng Đen cũng rất thú vị. Bạn sẽ nhìn thấy cảnh sắc thay đổi từ những con đường dốc đứng đặc sản của Gia Lai, tới con đường tránh vắng vẻ, rộng lớn cứ hun hút băng qua những cánh rừng cao su ở Kon Tum.

Hoàng hôn ở Khu 37 hộ, Măng Đen. Ảnh: Trung Nghĩa

Nói về Măng Đen, những người mê xê dịch sẽ nhớ ngay đến con đường với hai hàng thông kéo dài tít tắp. Toạ độ này được xem là góc “thần thánh” nhất của Măng Đen, cũng nằm ngay ở khu vực cổng chào của khu du lịch sinh thái này. “Thông” cũng trở thành một từ khoá gắn liền với thương hiệu du lịch của Măng Đen, một phần không thể thiếu khi người ta nhớ đến xứ này.

Không phải ai cũng biết từ thế kỷ 20, người Pháp từng khảo sát Măng Đen, đưa cây thông đến trồng với dự định tạo nên một mảnh đất nghỉ dưỡng không hề thua kém Đà Lạt. Hiện quy hoạch du lịch ở Măng Đen cũng khá bài bản. Ở Măng Đen không hoặc có rất ít khách sạn, chỉ có những homestay dạng villa không quá sát nhau, tạo nhiều không gian hơn cho khách trải nghiệm.

Sống chậm ở Măng Đen

Nếu chọn ra những từ ngữ để miêu tả về Măng Đen thì đó chính là hiền hoà và mộc mạc. Vùng đất cao nguyên này mang một vẻ đẹp quá đỗi hiền hòa nhưng lại dễ gây nhung nhớ, không khiến người ta phải sửng sốt vì sự hùng vỹ như núi rừng Tây Bắc, cũng không khiến người ta phải lãng đãng, mộng mơ như khi bước trên những con dốc ở Đà Lạt. Nếu ví Sa Pa hay Hà Giang có những góc hùng vĩ như Thuỵ Sĩ, Đà Lạt thơ mộng như những miền quê châu Âu, thì Măng Đen trầm mặc, lặng lẽ và có phần liêu trai, cô quạnh như những ngôi làng tại Bắc Âu.

Có thể nói, Măng Đen phù hợp với những du khách muốn trải nghiệm du lịch “chậm”. Cái tài của mảnh đất này là dù không có gì nổi trội nhưng lại quyến rũ trong từng chi tiết nhỏ, đủ thú vị để người ta muốn tìm hiểu nó, thậm chí đi “lạc” để tìm cho mình những góc riêng. Nên thật khó để tư vấn một lịch trình khám phá Măng Đen cụ thể.

Đồi cỏ Măng Đen bạt ngàn. Ảnh: Trung Nghĩa

Bản đồ khám phá Măng Đen có thể chia thành hai khu vực. Khu vực thứ nhất nằm ở quanh khu vực trung tâm thị trấn và hồ Đắk Ke, nơi tập trung các quán cà phê đẹp, nhà hàng và homestay. Khu vực thứ hai bắt đầu từ mốc đi qua cầu treo, hướng tới chùa Khánh Lâm, thác Pa Sỹ và khu 37 hộ.

Bạn nên dành một ngày để khám phá khu vực thứ nhất, ngắm cảnh, chèo kayak tại hồ Đắk Ke, uống cà phê ngắm rừng thông tại các quán cà phê đẹp, và đừng quên ghé thăm Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen, tìm hiểu câu chuyện về tượng Đức Mẹ Fatima hay còn gọi là tượng Đức Mẹ cụt tay với nhiều giai thoại bí ẩn và linh thiêng.

Khu vực thứ hai tách biệt và hoang sơ hơn khu vực thứ nhất. Bởi vì quãng đường tới đây đôi khi sẽ mất sóng điện thoại, không gian vắng vẻ, yên tĩnh không tiếng động, chỉ có rừng và bạn. Địa điểm được nhiều du khách ghé thăm và yêu thích là thác Pa Sỹ đẹp tựa dải lụa giữa đại ngàn, bao quanh là những bức tượng điêu khắc của nghệ nhân dân tộc thiểu số tại Măng Đen. Dòng thác chảy cuồn cuộn xuống một bức tường núi được phủ trong lá và rêu. Khu du lịch thác Pa Sỹ hiện lắp sẵn một cây cầu bắc qua giữa hồ cho du khách dễ dàng chụp ảnh, không cần đi bè phao vào như một số địa danh thác nước nổi tiếng khác.

Khu 37 hộ là nơi ngắm được toàn cảnh Măng Đen, với những quán cà phê, vườn cam, nông trại nhìn ra cao nguyên hùng vĩ. Mọi thứ thuộc về Măng Đen rất thô sơ và trầm mặc. Vẻ đẹp của Măng Đen không khiến người ta trầm trồ mà cần thời gian để “ngấm” lâu hơn các địa điểm khác. Nếu đứng ngắm hoàng hôn tại đồi cỏ Măng Đen, hoặc tại một quán cà phê ở Khu 37 hộ, bạn sẽ hiểu. Đó là cảm giác bí ẩn của đại ngàn, cảm giác tất cả lắng đọng lại chỉ còn nghe thấy âm thanh của thiên nhiên, bao la như muốn hút người ta vào đó.

Băng qua những rừng cao su. Ảnh: Trung Nghĩa

Măng Đen phù hợp để trải nghiệm bằng xe máy hơn ôtô. Du khách có thể đi ôtô tới Măng Đen sau đó thuê xe máy để khám phá, do các con đường ở đây nhỏ và có nhiều dốc quanh co. Nếu đi xe máy, bạn có thể dậy sớm để trải nghiệm tới cầu treo Kon Tu Rằng, để chìm đắm trong vẻ đẹp bình yên của những thửa ruộng bậc thang Kon Tu Rằng áp mình vào dòng sông Đắk Bla. Có thời gian, hãy ghé thăm làng du lịch cộng đồng Kon Pring, để khám phá thêm văn hoá và cuộc sống địa phương.

Dù không có đặc sản nổi bật, ẩm thực Măng Đen vẫn đủ khiến du khách phải nhớ. Đó là khi bạn đi qua đường chính và không thể cưỡng nổi mùi thơm nghi ngút từ dàn gà nướng của tiệm cô Sinh, hay bắt đầu ngày mới bằng một bánh canh cá lóc của quán Akay. Vùng đất cũng nổi tiếng với món phở khô 2 tô. Ăn lẩu trong màn đêm tĩnh mịch khi ngồi cạnh nhau trong những chiếc áo khoác mỏng, cùng nhấp những ly vang sim rừng Măng Đen cũng là một trải nghiệm khó quên.

Trở về từ Măng Đen, nhiều người có thể sẽ thấy chẳng có gì nổi bật, hay thất vọng khi nơi ấy không như một Đà Lạt thứ hai mà họ nghĩ. Đúng vậy, bởi Măng Đen mang cho mình một vẻ đẹp riêng của vùng cao nguyên xa vắng. Những ai đã lỡ đến Măng Đen và trót yêu cái vẻ đẹp không mộng mơ mà bí ẩn, quyến rũ đó, chắc chắn sẽ “nghiện” cảm giác vùng đất này đem lại. Một lần ghé thăm, họ sẽ còn trở lại Măng Đen nhiều hơn nữa để chữa lành tâm hồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn