MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Nguyễn Tùng

Máu đào liệt sĩ nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói

Kim Sơn LDO | 23/07/2023 15:31

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Đó là những người con dũng cảm xả thân cho Tổ quốc được độc lập, tự do; cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho tương lai đất nước.

“Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”.
(Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Ngày tri ân Thương binh, Liệt sĩ

Sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Quân và dân ta với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược, giữ vững thành quả cách mạng. Nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã ngã xuống, để lại một phần máu thịt của mình nơi chiến trường.

Kế thừa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã luôn quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Ngày 16.2.1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ lương bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định mối quan tâm của Đảng và Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Tháng 7.1947, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày nào đó làm ngày Thương binh Liệt sĩ, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền đã họp tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là "Ngày Thương binh toàn quốc”.

“Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam đã vì Tổ quốc mà hy sinh anh dũng”.
(Thư gửi đồng bào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh)


Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đến năm 1955, "Ngày Thương binh toàn quốc" được đổi tên thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ".

Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ

Ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài “nghìn cân treo sợi tóc”, Bác Hồ luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sĩ.

Tháng 12.1945, trong thư “Gửi các chiến sĩ Nam Bộ và Nam phần Trung Bộ”, Bác tin tưởng rằng: “Với một nước đã có những người con hy sinh như thế, anh hùng như thế, đã có một khối toàn dân đoàn kết như thế, nước ta nhất định không mất lại một lần nữa. Để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta còn phải chiến đấu nhiều. Chỉ có chiến đấu mới vượt được những trở lực, khó khăn, chỉ có chiến đấu mới đưa lại vẻ vang cho Tổ quốc. Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ cô độc, vì đã có cả một khối đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Chia sẻ nỗi đau với hàng triệu thân nhân liệt sĩ mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7.1.1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sĩ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con liệt sĩ làm con nuôi của tôi”.

Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đất nước, phải luôn luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh, liệt sĩ, những người đã vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân mà hy sinh thân mình hoặc bỏ lại một phần xương máu trên chiến trường.

Người nêu rõ: “Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Dù có bận trăm công nghìn việc thì hằng năm, cứ đến ngày 27.7, Hồ Chủ tịch đều trực tiếp gửi thư, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang.

Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên để lại những lời căn dặn trong Bản Di chúc lịch sử rằng: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Ngày nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc; đồng thời cũng luôn chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và lòng biết ơn sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, của các thế hệ cách mạng đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Mỗi năm cứ đến “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn