MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thảo Tươi (ngoài cùng bên trái).

Miền khai phá không ảo tưởng

HẢI AN LDO | 30/10/2016 20:17
Ba cá tính khác nhau, ba lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau nhưng cùng mang điểm chung là những nhân vật xuất hiện trong “Davines Art Series” mùa thứ 5 (2016) với niềm say mê sáng tạo - nghệ thuật theo cách riêng: Trần Vũ Hải (Hải Tròn) làm đồ tái chế, thiết kế nội thất; Nguyễn Vũ Xuân Lan vẽ minh họa/truyện tranh, Thảo Tươi (diễn viên, biên đạo nhạc kịch).

Nghệ thuật đã can dự vào thế hệ trẻ 7X - 8X - 9X không mang “gánh nặng” nghệ thuật học thuật và đã thay đổi họ như thế nào được thể hiện khá rõ qua thông điệp: “Nghệ thuật là gì nếu không phải là một trạng thái của cuộc sống”.

Sự can dự tự nhiên

Hải Tròn, Xuân Lan, Thảo Tươi không phải là những người có ý định định nghĩa lại thế nào là nghệ thuật, họ chỉ là những minh chứng cho việc mở rộng cái nhìn về nghệ thuật trong đời sống hiện tại.

Sinh năm 1977, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành thiết kế nội thất, Hải Tròn có sở thích làm thiết kế nội thất và kinh doanh quán bar + cà phê. Điều đáng nói không phải vì hiện tại anh đã là chủ của một công ty Thiết kế nội thất và 3 quán bar, mà là đam mê anh dành cho công việc làm nội thất từ đồ tái chế. Những đồ đồng nát mua lại, qua tay anh đã được làm đẹp và trở nên hữu ích hơn với những công năng mới đầy sáng tạo.

 

Hải Tròn 

Công việc sáng tạo này xuất phát từ việc “tiếc” những đồ thanh lý của các gia đình, khách sạn khi anh còn là sinh viên. Khi đó, Hải Tròn chưa ý thức được rõ ràng cụ thể sẽ làm cái gì, chỉ là anh có tình cảm với những món đồ không còn hợp thời với sự phát triển hiện tại nữa. Sau này khi mở các quán bar, để tiết kiệm chi phí anh đã lấy chính những đồ thanh lý mình từng mua lại, tái chế nó để làm nội thất, trang trí cho quán bar. Sự phối hợp giữa những đồ trang trí nội thất cũ trong không gian của ngôi nhà cũ, nhà kiến trúc Pháp xưa, đem lại cho khách hàng và bạn bè những cảm xúc và cảm giác khá đặc biệt. Với anh, “Quán bar hay không gian sống của ngôi nhà, nó cũng giống nhau. Tôi thiết kế để khi người ta đến quán, mọi người cảm giác như ở một góc nào đấy của nhà mình chứ không phải là một nơi quá xa vời với cuộc sống”.

Khác với Hải Tròn, Xuân Lan xuất phát điểm là một cô giáo dạy tiếng Anh ở Đại học Quốc gia Hà Nội, chưa từng học vẽ một cách bài bản ở những trường đào tạo mỹ thuật. Thế nhưng với sở thích vẽ từ nhỏ, Xuân Lan đã gây ấn tượng bởi những truyện tranh và minh họa theo lối riêng của cô. Đó là những trang truyện tranh chỉ có một trang, hài hước, súc tích; những minh họa dễ hiểu như một dạng nhật ký hình ảnh xoay quanh cuộc sống thường ngày: Chuyện ở lớp học, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, chuyện đi du lịch… Xuân Lan muốn nét vẽ của mình truyền cảm hứng đến người khác, tức là “nó đủ đơn giản để người khác nhìn vào muốn vẽ và câu chuyện của mình có duyên”.

 

Xuân Lan. 

Với Thảo Tươi, cô gái 9X tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp thương mại, từng hoạt động năng nổ trong vai trò đội trưởng đội Cheerleading (nhảy cổ vũ) của Đại học Ngoại thương, Hà Nội thì nghệ thuật đến với cô cũng hết sức tự nhiên. Năm 2012 Thảo Tươi cùng các bạn trong câu lạc bộ Dancing của trường đi thử vai cho vở nhạc kịch “Góc Phố Danh Vọng” - đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh - và cô đã trúng vai Chim Non - một vai diễn phụ “phù hợp với người biết nhảy một chút, biết hát, biết diễn một chút”. Khi vai diễn gây được tiếng vang, Thảo tươi tiếp tục đảm nhiệm vai Chim Non trong vở nhạc kịch được dựng lại năm 2013 đồng thời thêm vai bà Tỵ vở “Đêm hè sau cuối” - cũng của đạo diễn trẻ Phi Anh. Năm 2016, diễn lại vai bà Tỵ nhưng Thảo Tươi nhận thêm một nhiệm vụ khác là làm biên đạo cho hai vở này.

Hải Tròn, Xuân Lan, Thảo Tươi là ba đại diện không chuyên bén duyên với nghệ thuật, nghệ thuật can dự vào đời sống của họ một cách hết sức tự nhiên. Tất cả đều không sinh ra trong những gia đình có truyền thống về nghệ thuật, họ có một chút năng khiếu bước đầu, có sự thích thú với nghệ thuật và muốn thử sức với nó. Ở Thảo Tươi, vì từng trong đội nhảy cổ vũ, đảm nhiệm vai trò diễn viên, biên đạo trong các vở nhạc kịch nên thiên hướng đối với nghệ thuật rõ ràng hơn. Tuy nhiên theo Hải Tròn, công việc làm đồ tái chế của anh nên gọi là sự sáng tạo. Xuân Lan không phủ nhận việc vẽ tranh của mình cũng là lao động nghệ thuật, nhưng cô cho rằng, “không nên hiểu nghệ thuật theo cách mọi người lâu nay vẫn hiểu, đó là nghệ thuật phải hàn lâm, chuyên nghiệp” hay “chỉ có những người có môi trường, tài năng bẩm sinh mới thích hợp”.

Đam mê nhưng không ảo tưởng

Làm những công việc liên quan đến sáng tạo - nghệ thuật, được một số người biết đến vì những nỗ lực của bản thân nhưng cả ba nhân vật nói trên đều không bị cám dỗ bởi những hào quang, ảo tưởng mà nghệ thuật mang lại. Hải Tròn tiếp tục làm đồ tái chế, không phải vì công việc này đã đem lại cho anh nguồn thu nhập từ các khách hàng có chung thị hiếu thẩm mỹ. Anh làm vì đó là “cuộc chơi” của riêng anh, cho bản thân anh không vì mục đích kiếm được tiền từ nó.

Lối suy nghĩ làm điều mình thích không vì tiền bạc cũng là lựa chọn của Xuân Lan. Cô duy trì việc dạy học ở trung tâm tiếng Anh để có nguồn thu nhập ổn định nhưng Xuân Lan lại quyết định ngừng dạy học ở Đại học Quốc gia vì muốn có thời gian nhiều hơn cho sở thích vẽ của mình. Cô không từ chối những cơ hội mà vẽ tranh mang lại như: Được nhiều người biết đến hơn, 

được Nhã Nam, Skybook đề nghị hợp tác ra sách, tuy nhiên cô không muốn đạt đến điều đó bằng mọi cách, không muốn “bị áp lực phải vẽ tranh để kiếm tiền”. Nó “mở ra những cơ hội mà nhiều khi mình không biết trước”, chẳng hạn như năm 2015 khi Xuân Lan hoàn thành việc vẽ bộ quy tắc văn phòng cho Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (Green One UN House), đại diện của Tổ chức này tại Việt Nam đã chia sẻ với cô thông tin cuộc thi vẽ về bình đẳng giới (Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam kết hợp với Phụ nữ Liên Hợp Quốc - UN Women tổ chức), kết quả cô đã tham dự và đoạt giải Nhất cuộc thi.

Mặc dù gây ấn tượng với vai diễn Chim Non hay vai bà Tỵ trong hai vở nhạc kịch - những vai diễn đã cho Thảo Tươi nguồn năng lượng “sôi nổi liên tục”, những trải nghiệm quý giá và mở ra những cơ hội để Thảo Tươi đi sâu hơn vào con đường nghệ thuật. Nhưng cô đã tự nhận thấy mình “hơi già” để tiếp tục làm Chim Non (trong vở “Góc Phố Danh Vọng” dựng lại năm 2016). Trong vở “Đêm hè sau cuối” diễn lại năm nay “các vai khác trong vở thay đổi khá nhiều, đều hay lên” còn nhân vật bà Tỵ do Thảo Tươi đóng, so với năm 2013, dù “diễn có tốt lên, sâu hơn và tinh tế hơn theo nhận xét của các bạn diễn” nhưng “ tiếc là đã không thể làm nó hay hơn nữa, lạ hơn nữa”.

 

Thảo Tươi (ngoài cùng bên trái). 

Thảo Tươi ý thức cái được của những diễn viên nghiệp dư như cô và các bạn diễn là: “Ai cũng thích, làm vì thích nên chân thành và hết mình” nhưng nghệ thuật cho cô hiểu rằng, nghiệp dư cũng có hạn chế của nó là thiếu tính dài hạn - tức là do mọi người còn có những công việc khác nhau nên không vào guồng tập luyện dài hơi được (thông thường chỉ có 1 tháng luyện tập) hơn nữa có sự thay đổi diễn viên cho vở diễn thứ hai tiếp theo là “Góc Phố Danh Vọng” nên “dàn diễn viên sẽ không đồng đều”.

Cầu toàn với nghệ thuật”, kỹ lưỡng với chính mình cho nên Thảo Tươi “không muốn làm nghệ thuật nửa vời”. Bởi theo cô “nếu nửa vời - không đầu tư và quan tâm đúng mức” thì sẽ không thể tiến xa được. Và một điều quan trọng là, chính việc tham gia vào dự án nghệ thuật này mà cô “tham gia nhạc kịch vì rất thích” nhưng đam mê thực sự của mình là làm về lĩnh vực Cheerleading chuyên nghiệp.

Tuy chỉ là 3 trong số 5 nhân vật được nhắc đến trong “Davines Art Series” mùa thứ 5 (2016) nhưng thông điệp “Nghệ thuật là gì nếu không phải là một trạng thái của cuộc sống” rõ ràng không phải là một cách nói quá cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn