MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điều hàng ngày chị Đỗ Thị Loan dạy các con không chỉ là những bài toán hay bài văn mà còn là sự hiếu thảo, biết quan tâm đến mọi người trong gia đình. Ảnh: NVCC

Mong được báo hiếu cha mẹ quanh năm

Linh Nguyên LDO | 27/08/2023 13:59

Tháng 7 Âm lịch với lễ Vu Lan là dịp để con cái báo hiếu cha mẹ. Do điều kiện quê ở xa nên nhiều công nhân lao động không thể về thăm bố mẹ dịp này. Với họ, dù còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu thốn về vật chất nhưng họ luôn mong muốn được báo hiếu cha mẹ quanh năm, chứ không chỉ vào tháng Vu Lan.

Dạy con luôn phải hiếu thảo

Chị Đỗ Thị Loan, làm ở bộ phận đóng gói, hoàn thiện sản phẩm của một công ty mỹ phẩm đóng tại Khu công nghiệp Quốc Oai (Hà Nội) có 2 con, một học lớp 6 và một học lớp 2. Câu chuyện của chúng tôi, có lẽ vì diễn ra đúng vào tháng 7 âm lịch - tháng có lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ - nên tất cả đều nhắc tới cha mẹ. Thu nhập của vợ làm công nhân, chồng lái xe taxi, nuôi 2 con ăn học khiến chị Loan phải tính toán kỹ trong mọi chi tiêu.

Vợ chồng chị ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), bố mẹ đẻ ở huyện Thạch Thất. Khoảng cách không quá xa nên chị Loan dù bận việc đến mấy cũng vẫn thường xuyên qua, chăm lo cho bố mẹ. Chị bảo: Không năm nào chị về đúng dịp lễ Vu Lan vì đa phần rơi vào đúng ca đi làm nhưng bất kỳ lúc nào có thể là chị lại qua nhà bố mẹ. “Thường thì sẽ vào ngày nhận lương để còn mua chút quà biếu bố mẹ“ - chị Loan kể.

Vợ chồng chị ở cùng và chăm lo cho mẹ chồng. Bố chồng không ở cùng và đang bị bệnh tiểu đường nên chị cũng sắp xếp thời gian qua thăm, chăm ông. Mỗi lần qua thăm, chị vẫn mua sản phẩm từ yến để ông bồi dưỡng. Giọng chị run run khi nói: Cũng muốn mua nhiều thứ cho ông hơn vì ông đang có bệnh nhưng hoàn cảnh kinh tế không cho phép nên chỉ mua được như thế”. Những bậc làm cha, làm mẹ hẳn sẽ hiểu bởi điều cần thiết là tấm lòng của con cái chứ không phải là những món quà vật chất. Điều vợ chồng chị Loan luôn dạy 2 con là phải hiếu thảo. Để các con gần gũi ông bà, vào cuối tuần hoặc những hôm các con được nghỉ học, chị đều đưa về chơi với ông bà.

“May mắn, hai đứa cũng ngoan, biết quan tâm tới ông bà, tới bố mẹ” - chị Loan chia sẻ. Có lẽ ở đây không phải là sự “may mắn” như chị Loan nghĩ mà là chính sự quan tâm, hiếu thảo của vợ chồng chị đã làm tấm gương để các con hàng ngày soi vào đó, noi theo.

Còn vợ chồng chị anh Hoàng Văn Giang và chị Phạm Thị Huế ở Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội (Tổng Công ty may 10) không chỉ là tấm gương điển hình trong tận tâm với công việc mà hơn tất cả là sự chăm lo, hiếu thảo cho bố mẹ hai bên. Với anh chị, công việc rất bận rộn nhưng luôn cố gắng chăm lo chu toàn, hiếu thuận phụng dưỡng bố mẹ hai bên. Gia đình nhỏ của anh chị có hai con đều chăm ngoan, đạt thành tích cao trong học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc.

Bố mẹ hai bên và gia đình luôn được anh chị đặt ở vị trí ưu tiên, bởi đấy là nền tảng để anh chị có được như ngày hôm nay, được nhận danh hiệu "Gia đình Dệt may tiêu biểu 2023". Anh chị quan niệm mình phải sống thật, phải biết quan tâm đến bố mẹ, đến gia đình thì tự khắc các con sẽ noi theo, sẽ trở thành người biết sống vì người khác.

“Không về bên mẹ được nhưng mẹ luôn trong suy nghĩ”

Bố mất sớm, gia đình khó khăn nên Nguyễn Thị Hương chấp nhận xa mẹ, từ Tuyên Quang xuống Hà Nội làm công nhân. Các anh chị đều lập gia đình, người gần thì cũng cách nhà của mẹ 50km, người xa thì ở tận Đồng Nai. Hương mới xuống Hà Nội làm việc ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa được 3 tháng nên vẫn chưa quen được cảm giác nhớ mẹ, nhớ nhà. Hương bảo để mẹ ở một mình cũng lo lắm nhưng vẫn phải đi làm công nhân, chứ ở nhà không có việc gì ngoài làm nông, chả biết đến bao giờ mới khá được.

Hương đi làm, điều mong muốn đầu tiên là mua được cho mẹ máy đo huyết áp để mẹ có thể tự kiểm tra sức khoẻ, không phải mỗi lần thấy mệt lại phải đi bộ đến trạm xá. Hỏi Hương, ở quê Hương có lễ Vu Lan không? Hương trả lời là không. Kể cho Hương nghe Vu Lan là dịp để chăm lo, báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Hương lặng im một lúc rồi nói nhỏ: Thế thì năm nay em không về báo hiếu đúng dịp cho mẹ được rồi vì mãi công ty mới có nhiều việc để tăng ca, em vừa đăng ký tăng ca, mong có thêm thu nhập, để dành chút ít cho cuối năm. “Không về bên mẹ được nhưng mẹ luôn trong suy nghĩ của em” - Hương nói.

Cũng như Hương, Nguyễn Văn Tuân, quê Nam Định, đang làm công nhân ở Hải Dương bần thần khi nghe hỏi về lễ Vu Lan. Bần thần khi nghe nhắc đến gia đình, đến bố mẹ. Tuân chưa lập gia đình nên vẫn ở với bố mẹ cho đến lúc về Hà Nội tìm việc. Khoảng cách giữa Hải Dương và Nam Định không xa nhưng làm công nhân phải thực hiện giờ giấc nghiêm túc, không phải muốn lúc nào là về quê được lúc đấy, cộng thêm tiền vé xe đi về cũng cần tính toán với thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/tháng hiện nay của Tuân.

Tuân kể lúc mới về Hà Nội làm, tối nào bố mẹ cũng gọi điện để hỏi về ăn uống, công việc. Sau thấy Tuân dần ổn định thì bố mẹ lại hỏi đến chuyện bạn gái. Tuân biết bố mẹ mong mình lấy vợ để ổn định cuộc sống thì bố mẹ mới yên tâm.

“Nhưng giờ đến bạn gái em còn chưa dám nghĩ đến, nói gì đến lấy vợ vì thu nhập thấp, thời gian này công ty ít việc, không tăng ca được nên khó khăn. Không phải em nghĩ là các bạn gái muốn tìm bạn trai có nhiều tiền, mà em nghĩ mình là đàn ông thì phải có kinh tế vững vững một chút để còn lo cho gia đình sau này. Em không muốn sau này con cái của em phải xa nhà, xa quê đi làm ăn” - Tuân thật thà tâm sự.

Tháng 7 Âm lịch, ở những dãy nhà trọ gần một số khu công nghiệp cũng vẫn như nhịp sống ngày thường của những tháng khác. Những cặp vợ chồng, những nam công nhân, nữ công nhân - ai may mắn, công ty có việc đều - thì đều đặn đi làm theo ca. Ai không may, công ty đang ít việc thì lại lao ra đường đi tìm kiếm việc làm thêm. Nhà là nơi gia đình quây quần, yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, nhất là vào dịp báo hiếu. Những ngôi nhà trong các khu trọ thì đa phần thiếu đi bố mẹ vì bố mẹ ở tận các vùng quê. Nhưng trong tim và trong suy nghĩ của mỗi người đang ở trong căn phòng trọ ấy luôn hướng về cha mẹ, mong được chăm lo, được báo hiếu - được chăm lo, báo hiếu quanh năm chứ không chỉ vào lễ Vu Lan. Để chăm lo cho bố mẹ, để đỡ cho bố mẹ gánh nặng mà họ chấp nhận rời xa gia đình, đi tìm việc làm ở đất khách quê người.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn