MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
''Buổi sáng bên hồ Hoàn Kiếm'' - tranh khắc chuyển thể từ ảnh của Hocquard.

"Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’ - nguồn sử liệu quý báu

LÊ QUANG VINH LDO | 09/11/2020 11:15
Xứ Bắc Kỳ nhiệt đới luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ với tính cách ưa chinh phục khám phá của người Pháp. Và Charles-Édouard Hocquard không phải ngoại lệ. Ông đã tham gia Chiến dịch Bắc Kỳ - một chiến dịch quân sự được Pháp tiến hành từ năm 1883 đến năm 1886 - với tư cách bác sĩ quân y. Và sau đó, ông đã có ''Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’ xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1892, đem tới cho người đọc hôm nay những sử liệu quý báu, phù hợp với việc nghiên cứu khoa học về đời sống người dân Bắc Kỳ trong giai đoạn chiến tranh Pháp - Thanh cuối thế kỷ 19.

Một bác sĩ quân y ưa khám phá

Trong quá trình giao lưu, thông thương giữa phương Tây và Việt Nam có lịch sử khá xa xưa, trước khi bác sĩ Quân y Charles-Édouard Hocquard đến Việt Nam vào năm 1884 cùng đội quân viễn chinh Pháp, từng có không ít người nước ngoài đã đặt chân tới Việt Nam, gồm các nhà truyền giáo, thương nhân, nhà thám hiểm, nhà văn... như: Guilliano Balldinotti (người Italia, tới năm 1626), Alexandre Rhodes (người Pháp, đến năm 1627), rồi tiếp nữa là: Pierre Pigneau de Béhaine, Jean Dupuis... Điểm chung của những người nước ngoài này, sau đó kể cả các quân nhân, là ngoài việc thực thi các bổn phận được ủy nhiệm, còn rất ưa thích khám phá, ghi chép những diễn biến trong đời sống xã hội bản địa, mà bấy lâu còn là sự lạ lẫm với những người dân phương Tây.

Bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard.

Charles-Édouard Hocquard (1853 - 1911) sinh tại Nancy, được đào tạo trong những cơ sở uy tín nhất của ngành Y học Quân sự Pháp. Có một điểm đặc biệt đậm tính nhân văn ở ông là, dù tình nguyện đăng ký gia nhập quân đội viễn chinh Pháp sang Việt Nam, nhưng ông chỉ coi mình là một bác sĩ làm việc trong quân đội, chứ không phải là chiến binh. Bác sĩ Hocquard tham gia ''Chiến dịch Bắc Kỳ’’ của quân đội Pháp (chống lại một số đội quân người Việt, quân Cờ Đen cùng quân Vân Nam và Quảng Tây của nhà Thanh, kéo dài từ tháng 6.1883 đến tháng 4.1886, với mục tiêu chiếm đóng hoàn toàn Bắc Kỳ và giữ vững chế độ bảo hộ của Pháp), nên ông đã có dịp khám phá hầu khắp xứ Đông Dương - từ vùng biên giới phía Bắc tới vùng châu thổ phương Nam.

Trong thời gian ở Việt Nam, ngoài nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe cho thương - bệnh binh quân viễn chinh và lính tập, Hocquard còn được phân công chụp ảnh địa hình hỗ trợ công tác trắc địa, và suốt hơn 2 năm ở đây, ông đã tận dụng triệt để chiếc máy ảnh mang theo để chụp lại hầu như toàn cảnh xã hội Việt Nam khi đó: Từ phong cảnh thiên nhiên, làng mạc, phố phường, những sinh hoạt, tập tục của người dân, đến những chân dung của nhà vua, quan lại, nho sĩ, nhà buôn, binh lính, nông dân... Một phần những bức ảnh ấy đã đem về cho Hocquard tấm Huy chương vàng ở Triển lãm Thế giới năm 1885 tổ chức ở Anvers, khi ''nhiếp ảnh gia không chuyên’’ Hocquard gửi tới đây trưng bày 117 bản sao các ảnh chụp tại Đông Dương ở cuối thế kỷ 19, khiến ông trở nên nổi tiếng trên thế giới.

Từ bản tường trình về chiến dịch quân sự...

Trở lại với ''Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’. Đó là bản tường trình cá nhân về một chiến dịch quân sự được Pháp tiến hành từ 1883 - 1886 nhằm mục đích thiết lập chế độ bảo hộ ở Bắc Kỳ. Ban đầu, câu chuyện Hocquard viết được in trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh Thế giới) thành 5 phần dài, dưới nhan đề ''30 tháng ở Bắc Kỳ’’. Tác phẩm được xuất bản dưới dạng sách vào năm 1892 và thuật lại chuyến đi của bác sĩ Hocquard từ lúc ông rời cảng Toulon ngày 11.1.1884 đến khi hồi hương vào ngày 19.4.1886. Trong 26 tháng ở Việt Nam (đa phần ở Bắc Kỳ và một thời gian ngắn ở Trung Kỳ), Hocquard trải qua 10 tháng ở Hà Nội, từ đó viết nên một nguồn tư liệu quan trọng về thành phố này vốn không mấy thay đổi ngay cả khi có sự hiện diện của người Pháp.

''Phụ nữ Bắc Kỳ trong trang phục ra phố'' - tranh khắc chuyển thể từ ảnh của Hocquard.

Hocquard dành nhiều thời gian cho việc tường thuật lại các quan sát thực địa của mình, vì vậy, ta có thể đọc được qua tác phẩm này một câu chuyện lịch sử và dân tộc học, miêu tả địa lý tự nhiên và địa lý nhân văn miền Bắc Việt Nam ở cuối thế kỷ 19. Việc miêu tả chặt chẽ và vô cùng chi tiết ấy cho thấy rõ một Việt Nam còn ít chịu ảnh hưởng phương Tây cả về kiến trúc lẫn lối sống, vẻ bề ngoài và tinh thần của người dân. Trong hơn 2 năm ở Việt Nam, bác sĩ Hocquard đã chụp hơn 400 bức ảnh và hiện được lưu trữ ở nhiều đơn vị như: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Thư viện Quốc gia Pháp...

... đến những mô tả sắc nét về những vùng đất

''Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’ xuất bản lần đầu ở Pháp năm 1892 - bao gồm 247 tranh khắc và 2 bản đồ, đã mô tả sắc nét cảnh quan, con người cùng những tập tục của người dân ở vùng đất mà tác giả đã khám phá trong quá trình tham gia một số trận đánh thuộc ''Chiến dịch Bắc Kỳ’’ của quân đội Pháp.

Chính bởi vậy, ngoài giá trị đem đến góc nhìn chân thực và mới mẻ về vùng đất thuộc địa này cho người Pháp khi ấy, ''Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’ còn mang tới cho người đọc hôm nay những sử liệu quý báu về đời sống người dân Bắc Kỳ trong giai đoạn chiến tranh Pháp - Thanh cuối thế kỷ 19, đặc biệt ở khía cạnh hình ảnh, với những bức ảnh được chụp bởi chính tác giả Hocquard - con người hội tụ đầy đủ sự chỉn chu, khoa học của một bác sĩ cùng góc nhìn tinh tế của một nhiếp ảnh gia lành nghề. Hẳn sẽ có người ngạc nhiên vì sao thời đó Hocquard có được các bức ảnh nhìn từ trên cao, thì đã được chính tác giả hé lộ rằng, khi ấy đã xin phép lên một khinh khí cầu (được quân đội viễn chinh Pháp đưa sang Bắc Kỳ phục vụ chiến dịch) để chụp ảnh.

''Trò súc sắc'' - tranh khắc chuyển thể từ ảnh của Hocquard.

Khi chụp những bức ảnh này, Hocquard là quân nhân đang thực hiện nhiệm vụ. Có ý kiến cho rằng, đó là lý do khiến nhà xuất bản Librairie Hachette et Cie đã sử dụng thợ khắc tranh khắc lại các ảnh chụp của Hocquard để làm minh họa khi in cuốn sách ''Một chiến dịch ở Bắc Kỳ’’ vào năm 1892. Nhưng theo ông Emmanuel Cerise - đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, đồng thời là đồng hương của bác sĩ Hocquard, thì bởi: ''Nếu ngày nay, chúng ta đang sống ở một thế giới bị chế ngự bởi hình ảnh, thì ở thời ''Chiến dịch Bắc Kỳ’’ vào cuối thế kỷ 19 ấy, nhiếp ảnh hầu như chưa có gì. Hocquard chụp ảnh đen trắng, với một phòng tối, và những tấm hình, sau khi tráng và rửa ra giấy, sẽ được đưa cho một thợ khắc, người sẽ biến chúng thành tranh khắc để có thể in sao trên các tạp chí, như tờ "Minh họa" - nơi sẽ xuất bản nhiều ảnh chụp của bác sĩ Hocquard, hoặc trong ấn phẩm xuất bản năm 1892 của ông. Quả vậy, phải đến năm 1896, khi xuất bản tạp chí, người ta mới có thể in ảnh chụp trực tiếp mà không phải dùng bản khắc’’.

''Tên sách như để kể hồi ký, nhưng hàm lượng thông tin qua những ghi chép và những hình ảnh chân thực cho thấy đó là nguồn sử liệu quý báu về Bắc Kỳ ở cuối thế kỷ 19. Hocquard không chỉ là một bác sĩ, mà còn thực sự là một nhà nghiên cứu văn hóa với tâm hồn nghệ sĩ...’’ - dịch giả Trương Quốc Toàn nhận xét. Chúng ta sẽ bắt gặp nhiều điều thú vị khi so sánh các tranh khắc in trên sách với ảnh gốc mà bác sĩ Hocquard chụp. Về nguyên tắc, thợ khắc tranh sẽ khắc trung thành với ảnh gốc, nhưng trên thực tế, sẽ luôn có khác biệt giữa tranh khắc và ảnh gốc: Để phù hợp với khổ giấy in, vì muốn nhấn vào chủ điểm chính trên ảnh, hay là do cá tính của người thợ khắc - vì mỗi người nghệ sĩ đều muốn để lại chút dấu ấn cá nhân trên tác phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn