MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đã không còn nhìn thấy hình ảnh xô đẩy, chặt chém du khách như những năm trước.

Một chuyện ghi bên lề cuộc hành hương về Đất Tổ

trần hữu LDO | 06/05/2018 14:00
Không biết tự bao giờ, lời thơ “dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”... đã trở thành lời nhắc nhở trong sâu thẳm của hàng triệu người con nước Việt. Những ngày Quốc Giỗ diễn ra là khoảng thời gian dòng người hành hương hiểu và trân trọng thêm về hai chữ “cội nguồn”...

Về nguồn

Sáng, khi giọt sương mai trên ngọn Nghĩa Lĩnh rơi tí tách dưới gốc lim già, hàng trăm người thức thâu đêm dưới chân núi cũng lay nhau dậy chuẩn bị tư trang lễ vật chu đáo kính dâng Vua Hùng. Mặc dù chính lễ là mùng mười tháng Ba nhưng trước đó, dòng người từ khắp nơi đã đến và tham gia các lễ hội dân gian, các trò chơi truyền thống...

Trong buổi sáng linh thiêng, tôi – người con miền Trung nắng gió lần đầu tham dự lễ hội Đền Hùng, chỉ dám nhẹ bước trên những bậc thang cao ngất ngưởng leo lên Đền Thượng. Mỗi bước chân, tôi nghe có cơn gió của thời quá khứ đầy hào hùng ùa về; gió bụi thời gian quyện lẫn với hơi thở thực tại trầm hùng, linh thiêng.

Tôi nán lại Đền Hạ thành kính dâng một nén hương trước các vị Vua Hùng. Gần nơi tôi đứng, dưới tán cây cổ thụ, một ông lão râu tóc bạc cùng người phụ nữ nhỏ nhắn, kham khổ tôi đoán là vợ chồng, bày lễ vật chuẩn bị hành hương. Đôi vợ chồng này khiến người qua đường chú ý bởi đồ cúng là sự kết hợp giữa 2 miền Nam Bắc: Bánh tét, bánh dày. Đồ rằng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nên tôi tiếp tục công việc của mình...

Đúng 6h, đoàn hành lễ có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu di chuyển từ chân núi Nghĩa Lĩnh qua Nghi Môn - đền Hạ - đền Trung - lên đền Thượng dâng hương. Tôi quan sát dẫn đầu dưới quảng trường lễ hội là đoàn tiêu binh mang vòng hoa “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”.

Theo sau các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước là các thiếu nữ duyên dáng trong tà áo dài truyền thống mang lễ vật. Nổi bật trong đoàn là 100 chàng trai Đất Tổ trượng trưng 100 con Rồng cháu Phượng, tay cầm theo cờ lễ, uy nghi, rắn rỏi...

Khi tiếng trống vang xa trên ngọn Nghĩa Lĩnh ngân từng hồi cũng là thời điểm đoàn dâng hương bắt đầu tiến về Đền Thượng dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh...

Là một trong ít phóng viên lên Đền Thượng sớm trong sáng mùng mười tháng Ba, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Hà Kế San – Trưởng ban tổ chức lễ hội Đền Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, người từng nhiều năm trong ban tổ chức lễ hội.

Ông San cho biết, văn hóa vùng đất Tổ Vua Hùng chiếm vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng trong giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống người dân. “Không phải ngẫu nhiên mà các Vua Hùng dừng chân trên núi Nghĩa Lĩnh để lập nên nhà nước Văn Lang đầu tiên của dân tộc. Việc lựa chọn nơi đây được thấy khu vực này là vùng địa linh nhân kiệt và còn nhiều điều huyền bí chúng ta chưa khám phá hết” - ông San chia sẻ.

Trước câu hỏi của tôi về việc năm nay, Lễ hội Đền Hùng có gì mới so với mọi năm, ông San thật thà: Câu hỏi này cũng là câu hỏi của anh em báo chí năm nào cũng dành cho Ban tổ chức Lễ hội Đền Hùng nhưng quả thật như thế nào là “mới” bản thân ông cũng rất khó giải thích.

Sở dĩ câu hỏi này gây đâu đầu ban tổ chức là bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa từ ngàn đời nay. Mà một khi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã ở trong tâm thức người Việt với tấm lòng thành kính, tri ân thì “cái mới” ở đây lại càng khó giải nghĩa rốt ráo.

Ông San nói vậy nhưng quả thật, trong những ngày Giỗ Tổ diễn ra, chúng tôi nhận rõ sự chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức khi nạn chặt chém, “vỡ trận” đã không còn diễn ra. Một điểm đặc biệt nữa là năm nay, Ban tổ chức lễ hội Đền Hùng đặt và hoàn thành tốt mục tiêu “5 không” gồm: Không ùn tắc giao thông; không để xảy ra kinh doanh chặt chém; không có người ăn xin; không để xảy ra các hành vi phản cảm; không mất vệ sinh an toàn thực phẩm...

“Năm nay, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hương từ rất sớm để tạo điều kiện cho người về lễ hội không bị “vỡ trận” như trước đây. Ban tổ chức cũng tính toán quá trình dâng hương, lực lượng an ninh sẽ được bố trí khắp nơi để phân luồng, hướng dẫn người dân hành lễ” - ông San nói.

Những cựu chiến binh miền Nam lần đầu về dâng lễ Đền Hùng.

Có một ngày Giỗ Tổ rất riêng

Mưa lớn trong ngày Quốc Giỗ như giải nhiệt cái oi bức, ngột ngạt bởi sóng người chen chúc. Mưa đổ từng cơn nặng trĩu buộc dòng người đổ về dâng lễ xáo xác tìm nơi trú ẩn. Dừng chân quán nước ven đường, tôi lại thấy đôi vợ chồng “người Nam kẻ Bắc” mà buổi sáng sớm tinh mơ đã kể.

Ông là Nguyễn Văn Toại (Bình Phước) năm nay bước qua tuổi 75, giọng khàn đục nhưng mắt còn sáng rực, đôi chân rắn rỏi. Bà là Nguyễn Thị Định (quê Nam Định) tóc đã bạc trắng, nhuộm răng đen... Hỏi ra mới hay, ông bà không phải vợ chồng về dâng lễ Vua Hùng mà chỉ là một đôi bạn tâm giao. Mà cũng lạ khi đã gần 35 năm qua, 2 người đều chọn ngày Giỗ Tổ để là nơi gặp gỡ, trò chuyện, hàn huyên lúc tuổi già...

Ông Toại kể, trước ông là thanh niên tình nguyện theo đoàn hành hương miền Nam dâng lễ Vua Hùng. Giữa dòng người chen lấn tại quảng trường buổi lễ, ông bị thu hút bởi một cô gái với mái tóc dài chấm lưng, nụ cười tạo sự thiện cảm mà lại làm “bánh chưng, bánh giày” khéo tay, vuông vức. Còn trong mắt bà Định, ông Toại là một chàng trai tháo vát, thông minh và hay kể chuyện tếu giữa đám đông...

Chuyện hai người gặp gỡ do duyên số nhưng có phải là tình yêu, tôi thắc mắc? Bà Định thật thà: Thời điểm đó, bà và ông Định đều đã lập gia đình nên đó là một tình cảm trong sáng của hai người bạn tâm giao. Hai người gặp nhau để chia sẻ với nhau về những vẻ đẹp của quê hương, nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền nơi họ sinh ra và trưởng thành. Đến giờ nghĩ lại, ông Định vẫn bảo, có lẽ bởi tình cảm thuần túy như vậy nên hai người dễ dàng trải lòng, duy trì liên lạc với nhau qua điện thoại suốt ngần ấy năm.

Bao nhiêu năm nay, hễ đến mùng 6 tháng Ba, ông Định đã chuẩn bị lễ vật để hành hương về miền Đất Tổ. Còn bà Định nay tuy khớp chân đã kêu răng rắc nhưng vẫn nhờ đứa cháu ngoại tên Bắp làm bạn đường từ Nam Định về Phú Thọ. Mà cuộc đời lắm lúc lạ thay, khi người với người cách nhau hàng ngàn kilomet, tình cờ gặp nhau tại nơi linh thiêng rồi trở nên gắn bó dù không một lời hứa hẹn.

Ông Toại, bà Định những năm về già sống quạnh hiu sau khi người bạn tâm giao vắn số. Phần vì con cái trưởng thành sống ra riêng nên thiếu bạn già hàn huyên. Tuổi già là tuổi của hoài niệm nên gặp nhau mấy ngày lễ, ông bà hay nhắc nhớ về các lần hành hương của mấy chục năm trước. Đôi khi cậu chuyện chỉ là những lời than thở về sự vô tâm, bận rộn của con cháu trong cuộc sống đã quên mất ông bà...

Tình bạn đẹp giữa ông Toại, bà Định mà tôi may mắn gặp chỉ là một trong số hàng vạn câu chuyện bình dị của những người đi lễ Vua Hùng. Có những người theo cha mẹ đi lễ Giỗ Tổ từ tấm bé. Đến khi về già, họ vẫn lặn lội khăn gói lễ vật, hành trang về Đền Hùng dâng hương với nguyện ước cảm tạ công ơn Vua Hùng và cầu bình an cho người thân.

Mỗi câu chuyện tôi gặp là một mảnh ghép đã và đang tạo nên bức tranh sinh động tại nơi linh thiêng bậc nhất Việt Nam. Họ - những người hành hương, đã tạo nên một ngày Giỗ Tổ Hùng Vương rất khác...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn