MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tờ giấy nhắn xin lỗi của cậu bé làm vỡ gương xe.

Một cơ thể bất toàn

Hà Quang Minh LDO | 24/12/2016 07:23
Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò. Chúng ta vẫn quen với câu nói ấy, và mỗi chúng ta, thời đi học, ít nhiều gì thì cũng có những trò nghịch ngợm “quỷ ma” kiểu học trò. 

Song, nói gì thì nói, chúng cũng chỉ là những trò tinh nghịch đủ lưu thành kỷ niệm của một thời chứ chưa phải đến mức độ như những gì xảy ra hôm nay.

Nếu phải nhận xét, thực tâm, tôi muốn nói rằng, học trò thời nay tồn tại quá đông những lực lượng là “ma quỷ” thực sự chứ không phải là cái tinh nghịch, hiếu động vốn có của lứa tuổi. Và lực lượng ma quỷ ấy được dung dưỡng, tồn tại, phát triển cũng bởi chính xã hội đã suy đồi trầm trọng, như một cơ thể bất toàn vậy.

Trên fanpage của một tờ báo lớn mới đây có đăng tải lại video được đám học trò ở một trường phía Bắc quay lại. Đám học trò ấy chắc chừng học lớp 9 lớp 10 gì đó. Khi cô giáo nhắc nhở một nam sinh cuối lớp vì làm mất trật tự (hay một lỗi gì khác), cậu học sinh thản nhiên mắng lại giáo viên “Cô đừng có nói nữa” và kèm theo đó là câu văng tục rất mất dạy. Và đỉnh điểm, cậu nam sinh kia đùng đùng đứng lên bỏ ra ngoài lớp không quên văng lại một câu “Đ… thích học”.

Sẽ không ít người sững sờ với lối đối đáp vô lễ kia. Nhưng cũng sẽ có vài người suy ngẫm rằng “ắt hẳn, đứa trẻ đã lớn lên với một hoàn cảnh, hay ẩn ức nào đó, và nó trở thành kẻ phản kháng lại tất cả”. Đó không phải là biện minh cho hành vi của nó, mà chỉ là một kiến giải đơn thuần. Song, điều khiến chúng ta phải sững sờ hơn chính là tiếng cười khoái trá, cổ súy cho cậu bạn hư hỏng của phần học sinh còn lại trong lớp. Đó chính là sự vô lễ. Và khi sự vô lễ và bất kính ấy được coi là một thú vui tập thể, chúng ta có thể hiểu rằng đạo đức xã hội đã suy đồi đến nhường nào.

Đó có thể được coi là một ví dụ cá biệt nhưng nếu chúng ta xem lại hàng loạt các video đầy rẫy trên mạng mô tả cảnh các nữ sinh đánh hội đồng một vài nữ sinh khác, chúng ta sẽ không cho rằng sự xuống cấp kia chỉ là cá biệt nữa. Những video dạng ấy, dù đã bị cảnh báo và xử lý nhiều lần, vẫn mọc ra như nấm sau mưa, hầu như mỗi tuần đều có một video mới. Và cái đáng sợ từ những nội dung video đó không chỉ là chuyện bọn trẻ con hành hung một đứa bạn nào đó, mà chính là tiếng cười hô hố, phấn khích, và cổ vũ của cả một đám đông xung quanh, mà trong đó có những đứa trẻ hồn nhiên ghi hình lại cảnh hành hung kia như một thứ để giải trí.

Chúng ta nhận ra rằng, dường như mỗi tế bào nhỏ của xã hội, tức là mỗi cá nhân, đều tồn tại một sự bất toàn nào đó và khiến cho tế bào ấy chống lại tất cả mọi quy tắc đạo đức đã được đặt ra từ bao nhiêu thế hệ nay rồi. Chúng tồn tại thản nhiên, và mỗi ngày một đông hơn, để rồi chúng ý thức rằng khi chúng là số đông, có nghĩa là điều chúng làm vô cùng bình thường. Từ đó, xã hội cũng trở thành một cơ thể bất toàn, méo mó, vẹo vọ và đáng sợ.

Bởi thế, người ta mới ngạc nhiên lan truyền nhau về một sự tốt nào đó, như kiểu một cô bé làm hỏng chiếc gương chiếu hậu của xe hơi, và để lại dòng nhắn xin lỗi kèm số điện thoại khẳng định mình sẵn sàng chịu trách nhiệm đền bù. Một hành động tất nhiên phải thực hiện, tức là thừa nhận sai sót của mình, dám chịu trách nhiệm về hậu quả mình gây ra, lẽ ra phải là một hành động bình thường trong một xã hội bình thường và văn minh. Vậy mà nó trở thành tiêu biểu của sự tốt, và được thán phục hết sức. Phải chăng, đó chính là dấu hiệu bất toàn nhất của xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội khan hiếm sự tử tế tối thiểu, sự tử tế tất nhiên mà mỗi người cần phải có?

Tôi cũng từng thắc mắc rằng, phải chăng những sự việc như trên chỉ xảy ra ở những trường học thuộc diện “cá biệt” nào đó mà thôi? Nhưng khi được nghe tâm sự của một giáo viên người Việt dạy ở một trường quốc tế uy tín, tôi mới vỡ lẽ rằng không phải do điều kiện vật chất mà con người ta mới trở nên suy đồi về đạo đức đến thế. Ngay cả ở trường quốc tế, tình trạng học sinh khinh giáo viên cũng tồn tại, khi chính ngôi trường ấy đặt ra cái lệ là “chỉ cần phụ huynh học sinh phàn nàn, giáo viên sẽ bị cho thôi việc”.

Điều đó chứng tỏ, đạo lý đã không còn được coi trọng nữa, ở ngay trong môi trường cần đạo lý nhất là môi trường giáo dục. Và sự vô đạo lý ấy lại được dung dưỡng bởi sự nuông chiều hoặc bỏ bê của gia đình. Từ đó, những thế hệ vô đạo nối tiếp nhau bước vào đời, xây dựng nên một khuôn mặt xã hội tiều tụy vô cùng.

Chúng ta có thể trách ai bây giờ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn