MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc ứng dụng chuyên sâu các công nghệ bức xạ, kỹ thuật hạt nhân tiên tiến giúp tạo ra các giống cây trồng mới. Ảnh: Cục NLNT

Năng lượng nguyên tử tạo đột phá cho ngành nông nghiệp

Đặng Tiến LDO | 31/07/2022 22:33

Năng lượng nguyên tử (NLNT) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Trong đó, nông nghiệp là một trong những ngành ứng dụng chuyên sâu các công nghệ bức xạ, kỹ thuật hạt nhân tiên tiến để tạo ra các giống cây trồng mới, hỗ trợ tăng năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Sử dụng tia bức xạ ion diệt trừ côn trùng

Thanh long là loại trái cây được trồng phổ biến ở nước ta và hiện đang xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia, với lợi nhuận đem lại cao hơn nhiều lần so với xuất khẩu lúa gạo. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại trái cây khác, trái thanh long bị ruồi đục quả gây hại. Với đặc tính gây hại cho nhiều loại trái bao gồm cả nhóm cây ăn trái và nhóm rau ăn trái, thêm vào đó là khả năng bay tốt, thích ứng với nhiều vùng khí hậu nên ruồi đục quả được xếp vào nhóm dịch hại kiểm dịch thực vật quan trọng của nhiều quốc gia. Đây chính là lý do nhiều nước khi nhập khẩu thanh long của Việt Nam đã yêu cầu loại quả này cần được chiếu xạ hoặc xử lý qua hơi nước nóng để diệt trừ ruồi đục quả trước khi xuất đi.

Từ năm 2016, Viện Bảo vệ thực vật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì thực hiện dự án “Hỗ trợ kỹ thuật với IAEA xây dựng mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục trái thanh long trên cơ sở phối hợp với kỹ thuật triệt sản côn trùng tại vùng trồng thanh long của tỉnh Bình Thuận”. Kỹ thuật triệt sản côn trùng (SIT) là hình thức kiểm soát côn trùng dựa trên việc sử dụng tia bức xạ ion chiếu từ giai đoạn nhộng với liều lượng thích hợp, đủ gây bất dục cho côn trùng trưởng thành, sau đó đem thả vào các khu vực bị sâu hại tàn phá, các cá thể này vẫn giao phối với con cái trong tự nhiên, tuy nhiên trứng của các con cái sẽ không thể nở thành ấu trùng. Do đó, theo thời gian làm cho số lượng cá thể của quần thể côn trùng giảm dần, tiến tới bị triệt tiêu.

Kỹ thuật triệt sản côn trùng thường được phối hợp trong mô hình quản lý tổng hợp côn trùng gây hại trên diện rộng nhằm kiểm soát vào trong một số trường hợp có thể loại bỏ hoàn toàn côn trùng gây hại. Đây là một trong những kỹ thuật thân thiện với môi trường nhất từng được phát triển để kiểm soát nhiều loại côn trùng gây hại cho rau quả. Theo kế hoạch của Dự án mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục quả, ứng dụng kỹ thuật triệt sản côn trùng đang được triển khai với quy mô 1.600 - 2.000ha cho hơn 1.000 hộ dân sản xuất thanh long tại xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Hàng tháng khoảng 15 triệu nhộng ruồi đục quả được nhân nuôi tại Viện Bảo vệ thực vật, sau đó chiếu xạ và thả vào mô hình. Mô hình triển khai thành công sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho vùng sản xuất trái thanh long của tỉnh Bình Thuận.

Đất là nguồn tài nguyên hữu hạn và không thể tái tạo đang bị đe dọa trên toàn thế giới. Ứng dụng NLNT trong lĩnh vực nông hóa thổ nhưỡng đến nay đã có một số kết quả nghiên cứu bước đầu về xói mòn đất canh tác nhằm giúp cho việc xây dựng các giải pháp khắc phục, quản lý và chống thoái hóa đất. Viện Nghiên cứu hạt nhân thuộc Viện NLNT Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ứng dụng kỹ thuật Cs-137, berili-7 trong nghiên cứu đánh giá xói mòn đất và đã được thử nghiệm thành công ở khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng và Tây Bắc, giúp chúng ta xác định được mô hình canh tác tối ưu trong bảo vệ đất và chống xói mòn.

Ứng dụng đất hiếm mang lại hiệu quả cao

Trong chăn nuôi và trồng trọt, các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ đất hiếm cũng được ứng dụng và đem lại hiệu quả cao. Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm khá lớn đã được các cơ quan địa chất thăm dò và đánh giá trữ lượng. Các nguyên tố đất hiếm có tính chất đặc biệt, do đó chúng không những được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp mà còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực nông nghiệp.

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, các phức chất hữu cơ trong đất hiếm cũng có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng vật nuôi. Trong trồng trọt, các nguyên tố đất hiếm là một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết trong một số loạt cây trồng, vì chúng tham gia vào thành phần nhiều loại enzim và có khả năng thúc đẩy sự hoạt động của các loại enzim đó như khả năng tăng hàm lượng diệp lục, tăng quá trình quang hợp, tăng sự hấp thu các chất dinh dưỡng đa lượng, tăng khả năng chống chịu điều kiện thời tiết và môi trường. Một số đơn vị nghiên cứu triển khai ở nước ta như Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện NLNT Việt Nam, Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, Đại học Đồng Tháp, Huế, Đà Lạt đã đưa những sản phẩm phân bón đất hiếm và đã có những thử nghiệm thành công trên một số loại cây trồng như lúa, chè, vải thiều, cà phê, cà chua và cây dược liệu.

Với mục tiêu ứng dụng NLNT vì hòa bình, phạm vi ứng dụng và quy mô ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội sẽ được Việt Nam tiếp thu từ kinh nghiệm quốc tế, phối hợp với cá cơ quan hữu quan để đẩy mạnh ứng dụng NLNT trong nhiều lĩnh vực.

Theo TS Trần Bích Ngọc - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng Nguyên tử, Bộ KHCN, ứng dụng NLNT còn nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai. Bên cạnh tiếp tục phát triển những thế mạnh đã đạt được thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa những nghiên cứu ứng dụng, tiến tới thương mại hóa những sản phẩm công nghệ mà Việt Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu, triển khai, bước đầu đã đạt được kết quả khả quan. Giai đoạn tới, Cục NLNT phối hợp với IAEA để xây dựng tiếp khung chương trình quốc gia cho giai đoạn 2022-2027 dựa trên những lĩnh vực và hướng ưu tiên của Việt Nam.

Giai đoạn sắp tới nền kinh tế của nước ta sẽ đặt trong bối cảnh mới, tình hình thế giới cũng có những thay đổi nhất là tác động của đại dịch COVID-19. Với tiềm năng đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng NLNT ở Việt Nam giai đoạn tới cần được đẩy mạnh hơn nữa để bám sát và giải quyết các vấn đề cuộc sống đặt ra một cách hiệu quả đảm bảo an ninh, an toàn phóng xạ. Thực tế này đòi hỏi chúng ta tiếp tục nỗ lực tăng cường hợp tác trong nước, quốc tế để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đưa đất nước ngày càng phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn