MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa.

Nên nghĩ gì khi “người kia” ngoại tình?

KHÔI NGUYÊN (Hà Nội) LDO | 13/08/2016 13:24
Khi phát hiện bạn đời có quan hệ ngoài luồng, thông thường người ta lập tức nghĩ ngay rằng anh ta (cô ta) là kẻ phản bội; rằng đó là hành vi xấu xa, vô đạo đức không thể chấp nhận được.

Tiếp theo đó họ sẽ đi tìm biện pháp để xử lý, trừng phạt kẻ "có tội" kia... Và cuối cùng, thường kết thúc bằng sự rạn nứt khó bù đắp hoặc bản án ly hôn.

Nhưng có thể còn có những sự thật khác đằng sau đó mà bạn chưa biết. Cho nên, sau những phản ứng tức thời như tức giận, ghen tuông, khinh ghét, bạn nên bình tĩnh đặt ra những câu hỏi có tính tích cực và có chiều sâu hơn nhằm tìm ra giải pháp hợp lý nhất.

Trong mọi xã hội lấy gia đình là "tế bào gốc" thì không ai có thể cho rằng, ngoại tình là chuyện bình thường, kẻ nào nghĩ như vậy tức là đang có vấn đề về nhận thức. Bởi vậy, đừng bao giờ nghe theo những lời an ủi hoặc phân tích có hơi hướng luận điệu này. Tất nhiên, ngoại tình là hiện tượng có từ lâu và nó như một thứ “bệnh xã hội” không chừa ai... Nhưng dù với lý do gì đi nữa thì dứt khoát nó là “bất thường” . Vấn đề ở đây là cái “bất thường” này có thể nhận diện được không?

Trước hết ta phải chấp nhận một sự thật là, về mặt sinh lý và thể chất thì sự khác biệt giữa các cá nhân không thể sánh với sự khác biệt về tâm lý. Sự khác biệt về tâm lý lớn tới nỗi mà “gái 5 con chưa hiểu hết lòng chồng”, “đàn bà dễ có mấy tay”, hay "đàn ông một trăm lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người"... Cho nên, một sự thật khác ta cũng cần nhận thức là rủi ro ngoại tình luôn tồn tại trong mọi gia đình. Khi giáp mặt với nó, tất nhiên ta phải bình tĩnh và không phải bằng cách coi nó là “bình thường” mà nên coi nó là một “biến cố” cần được giải quyết. Lẽ thường người đi ngoại tình sẽ phải chịu thế yếu, dù ngụy biện cách nào đi nữa họ cũng vẫn bị lên án công khai. Chính điểm này khiến cho người còn lại đâm ra “mất cảnh giác” với bản thân khi không nghĩ tới sự lên án ngầm của xã hội để rồi sau đó dẫn tới nhiều hành động sai lầm không thể sửa chữa. Xử lý tình huống nhạy cảm này không hề đơn giản, là vì không dễ gì hiểu được đầy đủ lý do ngoại tình ngay cả khi người trong cuộc có trình bày kiểu gì chăng nữa. Trong muôn vàn quan hệ tế nhị giữa hai vợ chồng thật là khó đánh giá mức độ ý nghĩa của mỗi hành vi, mỗi lời nói hàng ngày... Ác nghiệt là ở chỗ chính mỗi hành vi, mỗi lời nói đều có thể là một viên gạch xây lên bức tường ngăn cách mà ta không hay. Khi bức tường đó đủ dày hoặc đủ cao thì việc ngoại tình là điều rất dễ xảy ra.

Chẳng có phương thuốc nào đối trị được ngoại tình, nhưng nếu bình tâm thì ta sẽ có phương cách để vượt qua sự cố này một cách ít tổn thương nhất. Tất nhiên ta đang nói tới lòng vị tha. Nếu không “vị tha” mà “vị kỷ” thì ắt là ta sẽ tự mua khổ đau cho mình và gây khổ đau cho nhiều người thông qua những hành vi như thóa mạ, lăng nhục, bạo lực, thù oán, đánh ghen... Ngược lại, “vị tha” càng rộng bao nhiêu thì việc xử lý sẽ càng dễ dàng chừng ấy, dù giải pháp là tha thứ để hàn gắn hay chia tay để giải phóng cho đối phương. Ví dụ: Nếu ta chỉ sống vì con cái thì miễn sao chúng được hưởng lợi nhất thì ta làm dù ta có thể buồn đôi chút vì phải chịu đựng; nếu sống vì chồng/vợ thì miễn sao họ thấy hạnh phúc là được, ta chẳng buồn ghen tuông; sống vì cả chồng/vợ và con cái thì ta ở vị thế cao hơn nữa là đứng ra thu xếp cho cả hai bên được ổn thỏa. Còn nếu rộng lòng tới mức vì cả xã hội (bao gồm cả “đối thủ”) thì ta thuộc loại người... xưa nay hiếm, và khi ấy ngoại tình không còn là một “vấn đề” với cá nhân ta nữa.

Cuối cùng, khi gặp vấn đề ngoại tình thì mấu chốt lại nằm ở chỗ ít người nghĩ tới - đó là hãy thành thực tuyệt đối với bản thân khi trả lời câu hỏi “Ta đang sống vì ai?”. Câu trả lời hay giải pháp sẽ tự đến, và kết quả cũng không quá khó đoán.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn