MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Bác Hồ với công nhân xe lửa" - sơn dầu (1970), Phạm Lung.

Ngắm tranh về Bác Hồ

Nguyễn Thị Thùy Ân (sưu tầm) LDO | 17/05/2020 19:19
“Tranh, tượng về Hồ Chủ Tịch. Nhà xuất bản Văn hóa. Trình bày: Trần Văn Cẩn. Ảnh của: Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Đào Thiện Vy, Lê Vượng. In tại  Nhà máy in Tiến bộ - Hà Nội. Số lượng: 10.000 tập”. Đấy là tất cả thông tin in trên mặt sau tờ Mục lục - tờ cuối cùng - tờ thứ 20 trong tập “Tranh tượng về Hồ Chủ Tịch” tôi kịp mua từ một người chuyên bán sách cũ cũng khá có danh của Hà Nội hiện thời.

Điện thoại ra Hà Nội hỏi thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nhà máy in Tiến bộ, NXB Văn hóa, nhờ tìm trong lưu trữ, có lẽ, tôi tìm được câu trả lời muốn biết đầu tiên - tập 20 tờ tranh tượng về Bác Hồ mà tôi vừa mua được hồi đầu tháng 4 vừa qua, in năm nào.

Nhưng không, những tên người thực hiện, hai con số (10.000 bản in, giá tiền tập tranh in ở bìa:  7.đ 00), đặc biệt, duy nhất có bức tượng thạch cao Nguyễn Văn Lý sáng tác năm 1974 có tên “Bác Hồ” ghi hàng chữ “Kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 85 - 19.5.1975”, cảm nhận về chất lượng giấy in tập tranh tượng khiến tôi quyết định mày mò tự tìm thông tin. Như theo dấu một sợi chỉ mỏng manh lần về ký ức, tôi ước đoán: Tập tranh tượng Bác Hồ mình có được, tuổi đời, ít nhất cũng 45 năm.

“Bác Hồ làm việc ở Pác bó” (1941), sơn dầu (1971), Trịnh Phòng.

Từng chút một, theo sợi chỉ mỏng manh lần về ký ức, tôi tìm về lịch sử nước nhà, ít ra là trong 45 năm qua. Trong đó, có lịch sử in/đổi tiền của đất nước (từ giá tiền tập tranh in ở bìa:  7.đ 00, tìm về một giai đoạn lịch sử miền Bắc). Nhưng quan trọng hơn, về lĩnh vực mỹ thuật, tôi tìm được cho mình ít ỏi thông tin về những tác giả thực hiện 19 tranh tượng về Bác, về họa sĩ Trần Văn Cẩn... Rồi tôi tự đặt câu hỏi: Vì sao có nhiều tranh tượng thể hiện hình ảnh Bác Hồ, nhưng năm đó (có thể là năm 1975), Trần Văn Cẩn chỉ chọn ra 19 tranh tượng của 18 tác giả đó để  làm tập vựng. Như vậy, chắc đây phải là những tác phẩm được coi là tiêu biểu thể hiện Bác Hồ những năm tháng đó.

“Bác Hồ với công nhân“, sơn dầu (1962), Văn Thơ.

Trong đó, có những bức như, sơn dầu: “Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ” Tô Ngọc Vân vẽ năm 1946. Như, tranh lụa “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”. Bức lụa có lịch sử đặc biệt: “1947, tại Đồng Tháp Mười, trong một đêm cảm xúc dâng tràn, họa sĩ Diệp Minh Châu đã lấy máu từ tay mình vẽ bức “Bác Hồ với ba em thiếu nhi Trung Nam Bắc”. Như, in kẽm “Chân dung Hồ Chủ Tịch” Huỳnh Văn Gấm thực hiện năm 1953. Như, tranh khắc gỗ “Hồ Chủ Tịch ở Việt Bắc” Phan Kế An  thực hiện năm 1970... 

Và tôi được biết: “Những tác phẩm hội họa sớm nhất thể hiện Hồ Chủ Tịch đã hình thành từ mùa xuân 1946, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Lúc ấy dù rất bận rộn, Người vẫn đồng ý cho ba nghệ sĩ tạo hình là Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thị Kim được vẽ và nặn tượng”. “Hình ảnh Hồ Chủ tịch thật sự vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều họa sĩ Việt Nam...”.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh” - tranh cổ động (1973), Lê Huy Trấp.

Ngắm, nhìn những bức tượng, tranh thể hiện hình ảnh Bác Hồ, điều tôi bị thu hút, ấn tượng sâu sắc nhất đó chính là các tác giả thể hiện vầng trán và thần thái ánh mắt nhìn của Bác! Thể hiện được, Bác Hồ một vĩ nhân, một người hết sức đặc biệt nhưng cũng hết sức gần gũi, hiền hòa...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn