MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ngân hàng và những nghịch lý

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI LDO | 29/08/2016 17:13
Trong bài phát biểu bào chữa của mình cho bị cáo đứng đầu vụ án, tôi đã cố gắng chứng minh trong điều kiện nợ xấu tăng cao, bị đặt dưới sự giám sát của Tổ giám sát do Ngân hàng Nhà nước thành lập, không được tăng trưởng tín dụng, để có tiền chăm sóc khách hàng, Ban điều hành Ngân hàng Xây dựng đã đề xuất phương án ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt.

Nếu ủy thác qua các công ty tín dụng thì phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước, còn nếu thông qua các Công ty quản lý quỹ thì không cần xin ý kiến. Đó là cơ sở cho thấy Cáo trạng kết luận việc uỷ thác đầu tư mà không được Ngân hàng Nhà nước có ý kiến bằng văn bản, vi phạm điểm 3 Điều 5 Thông tư số 04 ngày 8/3/2012 là chưa bảo đảm căn cứ pháp lý.

Phiên toà kéo dài đã hơn một tháng, bước vào phiên tranh tụng căng thẳng. Cả buổi chiều ngày 24.8.2016, trong khi tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi theo dõi các quan điểm pháp lý của một số luật sư bảo vệ cho khách hàng có quyền lợi đối lập, bất ngờ mọi người tham dự phiên toà được nghe bài phát biểu trực tiếp thật sinh động, hấp dẫn, không cần một mảnh giấy của luật sư Trần Minh Hải (Công ty luật Basico), nói về những nghịch lý từ hoạt động ngân hàng thời gian qua.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao Ngân hàng Xây dựng bị quy kết vi phạm không giấy phép trong giao dịch ủy thác với Quỹ Lộc Việt và thật sự hoạt động này có phải xin phép từ Ngân hàng Nhà nước không? Lý do là đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, phải có dòng nội dung “nghiệp vụ ủy thác” ghi trong Giấy phép của Ngân hàng thì mới được tiến hành giao dịch ủy thác. Để giải đáp câu hỏi này, luật sư Trần Minh Hải đã phát hiện chi tiết khá thú vị, thể hiện: Trước đây, các ngân hàng tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp cho Giấy phép hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 với nội dung duy nhất ghi nhận trên giấy phép là “được phép hoạt động ngân hàng”, đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Luật này về quyền hoạt động ngân hàng thì sau khi được cấp phép, Ngân hàng có quyền thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, Điều 90 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 được ban hành để thay thế cho Luật năm 1997 khi quy định về phạm vi hoạt động được phép của tổ chức tín dụng đã nêu: “1. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể phạm vi, loại hình, nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng; 2. Tổ chức tín dụng không được tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ngoài các hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng”. Từ quy định này, Ngân hàng Nhà nước hình thành quan điểm đòi hỏi các ngân hàng phải có từng dòng nghiệp vụ được ghi nhận vào Giấy phép mới được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Việc quản lý nghiệp vụ theo cách hiểu này đã dẫn đến thực trạng vào thời điểm đó, hơn 36 Ngân hàng thương mại cổ phần và 6 Ngân hàng thương mại Nhà nước hoạt động tại Việt Nam trước khi Luật năm 2010 có hiệu lực vốn đã được cấp phép, nay bỗng trở thành không phép, phải đi xin lại từng dòng nghiệp vụ trong giấy phép. Trong khi nhiều Ngân hàng non tuổi đời, mới sơ khai thành lập, nghiễm nhiên có giấy phép chép từ luật với đủ các dòng nghiệp vụ, thì những Ngân hàng đại thụ, lâu đời, trong đó có các Ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối phải đi “chuộc” lại từng dòng nghiệp vụ trong giấy phép. Thực trạng nói trên phản ánh quan điểm với cách hiểu và vận dụng không đúng, bởi chính Khoản 1, Điều 161 Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010 có quy định chuyển tiếp là “tổ chức tín dụng (…) đã thành lập và hoạt động theo Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành không phải xin cấp lại Giấy phép theo quy định của Luật này”.

Vậy thì có căn cứ để cho rằng hoạt động uỷ thác đầu tư của Ngân hàng Xây dựng trong trường hợp này hoàn toàn hợp pháp vì Ngân hàng này kế thừa từ Ngân hàng Đại Tín, trước đó là Ngân hàng Rạch Kiến đã được cấp giấy phép từ năm 1993, nên không phải thực hiện quy định về ghi nhận từng dòng nghiệp vụ trên giấy phép mới. Mua trái phiếu doanh nghiệp là một hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng theo Khoản 3, Điều 107 Luật các Tổ chức tín dụng. Đến lượt mình, việc ủy thác mua bán trái phiếu doanh nghiệp là một trong các nghiệp vụ của ngân hàng đã được cấp giấy phép, nên không cần văn bản chấp thuận cụ thể của Ngân hàng Nhà nước như quy kết không đúng của Cáo trạng liên quan vụ án này.

Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, là trung tâm của các giao dịch tiền tệ, nên các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với ngân hàng có quyền được tiếp nhận và hiểu đúng những quy định trong hoạt động của ngân hàng. Câu chuyện về cách hiểu và áp dụng khác nhau về ủy thác mua bán trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng đã dẫn luật sư Trần Minh Hải “khái quát” rộng hơn về nguy cơ từ một nghịch lý khác. Đó là bản thân đội ngũ cán bộ chuyên môn ngân hàng có khi không hiểu hết pháp luật về nghiệp vụ ngân hàng, còn khách hàng có khi phải chịu trách nhiệm tự tìm hiểu các quy định quản lý của Nhà nước về nghiệp vụ ngân hàng để “phòng thân” khi xảy ra tranh chấp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn