MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghe phố xôn xao

TRANG THANH LDO | 04/04/2017 07:00
Một thú rất riêng có lẽ chỉ ở Hà Nội mới tạo cho ta cơ hội, ấy là vào lúc sáng sớm, sà vào một gánh hàng rong nơi vỉa hè, ngồi ăn một chút quà quê, ăn chỉ là cớ, để nghe phố dài xôn xao lá rụng vào độ giao mùa…

Tôi vốn thích những gánh hàng rong bình dân trên phố. Để mua một món ăn sáng no nê, có khi chỉ tốn khoảng mươi, mười lăm ngàn đồng. Tôi hay lân la chuyện trò với những người bán hàng rong, đem cái “căn cước” nhà quê của mình ra mà nhận đồng hương với họ.

Ngồi giữa sự náo nhiệt, ồn ào ở vỉa hè Hà Nội, ngẫm thấy cuộc sống chốn thị thành nhiều nghịch cảnh, nhưng nó cũng tạo cơ hội kiếm sống cho không ít người nghèo, khi họ phải bỏ ruộng rời làng ra thành phố kiếm cái ăn. Nhà thành phố cứ cao vút, cứ nguy nga, sang trọng thêm lên, người quê cũng khôn ra, bớt dần vẻ ngơ ngác khi mỗi ngày lo toan, bươn bả. Gánh hàng rong là một phần cuộc sống của họ, trong đó, nhiều người nhờ gánh hàng rong mà nuôi con ăn học thành tài. Bởi thế, có dạo người ta định dẹp hết hàng rong Hà Nội, mà không dẹp nổi.

Mấy hôm nay, qua phố nào cũng thấy không khí dẹp, dỡ, đập, bỏ… thấy vui mà cũng thấp thỏm trong lòng. Thành phố quả chưa bao giờ quyết liệt đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đến thế. Bây giờ, khi chiến dịch dẹp vỉa hè trả lại đường cho người đi bộ có vẻ đã chắc phần thành công, thì không biết những gánh hàng rong, những xe đạp dạo hay xe hàng đẩy có còn cơ hội hiện hữu trên phố nữa hay không?

Trộm nghĩ, nếu ai cũng cứ thích ngồi vỉa hè ăn quà quê như mình, thì vỉa hè tránh sao khỏi lộn xộn. Lại nhớ ra rằng Hà Nội vốn được gọi là Kẻ Chợ, là băm sáu phố phường nhộn nhịp bán mua, có chăng, sự đông đúc ồn ã của ngày hôm nay khác với ngày nào. Lại giả như thiếu gánh hàng rong, thiếu những chiếc xe đạp chở hoa tươi còn ngậm sương từ chợ Quảng Bá, Nghi Tàm về đậu nối dài trên những lối phố thì có thể Hà Nội còn đâu vẻ đẹp của những góc nên thơ? Dân nghèo, cả ở đô thị, cả ở quê ra, sẽ bám víu vào đâu? Thế nên, chẳng phải riêng tôi, vẫn có nhiều tiếng nói bênh vực hàng rong và những phận người nhỏ bé lang thang kiếm sống trên đất Hà thành.

Mỗi phận người như thế, có thể chẳng ai biết đến tên tuổi họ bao giờ, nhưng cả cuộc đời họ gắn với những bánh đúc bánh đa, bánh dày bánh rán, những cốc trà vỉa hè ngọt chát, mà nếu thiếu đi những thứ ấy, cuộc sống của họ sẽ trở nên khốn khó ngay lập tức, mà người Hà Nội cũng như thấy thiếu đi một thứ gì xôn xao góc phố vốn là một phần sống động dễ gì thiếu được trong cuộc sống thường ngày.

Từng có một số người đưa ra khái niệm trà đá, hàng rong là một trong những nét văn hóa trong đời sống của người Hà Nội. Rồi người ta lại đưa ra một triết lý có tên gọi văn hóa vỉa hè. Thì cũng chẳng phải không có lý, khi phàm những gì đã bâm sâu vào đời sống hàng ngày của một cộng đồng, đến mức người ta không thể sống mà thiếu nó nữa, thì nó sẽ trở thành văn hóa của cộng đồng ấy.

Một người thích ăn quà quê giữa phố như tôi, chắc cũng sẽ ủng hộ cái triết lý văn hóa vỉa hè Hà Nội, dù cũng như bao người khác, cũng đồng ý là giờ đây vỉa hè quá lá lộn xộn, không như Hà Nội những tháng năm của thế kỷ trước. Tay nâng lên đặt xuống chén trà, uống có thể cũng chỉ là cái cớ, nghe phố xôn xao, lại nghĩ, nếu đã được gọi là văn hóa, thì chắc vỉa hè Hà Nội không thể thiếu gánh hàng rong. Mà gánh hàng rong ấy, với rất nhiều người, từ lâu đã nét duyên của phố…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn