MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Rồi sẽ đến lúc, nghệ sĩ múa sống được bằng nghề!

Đặng Chung (thực hiện) LDO | 28/06/2017 20:00
Một cuộc trò chuyện nhiều cung bậc cảm xúc, đôi mắt thoáng ngấn nước, Tuyết Minh chia sẻ về cái nghề đã khiến chị khóc - cười và những dự án dài hơi đang ấp ủ, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.

Với tôi, múa là hơi thở!

Những người đã theo dõi chị từ năm 2000, họ nói rất tiếc khi Tuyết Minh rời bỏ sân khấu để làm biên đạo!

- Tôi lại không thấy tiếc. Vì ngưng biểu diễn, nhưng vẫn hoạt động trong nghề, vẫn nhận biên đạo các chương trình. Tôi vẫn luôn nhớ chỗ của mình là trên sân khấu Việt và trước công chúng Việt. Múa vẫn gắn với tôi trong suốt 20 năm qua.

Nếu tiếc, tôi chỉ tiếc sao thời gian trôi đi nhanh quá, sao lúc đó mình không cố gắng nhiều hơn. Thời đó, nhiều người nói tôi liều lĩnh khi đưa những nhân vật lịch sử Trần Quốc Toản, Quang Trung, hay Quan âm Thị Kính… lên sân khấu bale.  Nhưng khi những vở diễn của chúng tôi ra mắt đã trở thành sự kiện của ngành múa thời điểm ấy.

Thời đó nghèo nhưng vui. Mỗi sáng dậy, tôi chỉ dám uống một cốc cà phê đen để giữ dáng, tiền thù lao mỗi buổi tập chỉ có 20.000 đồng. Thậm chí một đôi giày múa mềm mại là cả một giấc mơ. Giày cứng đến nỗi các ngón chân tứa máu. Thế mà vẫn say và yêu nghề. Tôi cũng có niềm tin vào thế giới tâm linh, tin múa là con đường dành cho tôi, nên dù cuộc đời có đưa đẩy mình đến những khúc cua nào, tôi vẫn chọn múa.

Giả sử nếu vẫn là một diễn viên múa, chị nghĩ mình đang ở đâu giữa làng giải trí sôi động này?

- Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Và tôi cũng không định nghĩ nhiều đến thế. Tôi luôn là tôi, là người yêu nghệ thuật.

Biên đạo múa Tuyết Minh: Công chúng quen nhìn sự lộng lẫy của nghệ sĩ trên sân khấu, hơn là những cực nhọc, hy sinh của họ phía sau những tấm màn nhung.

Trong cuộc đua với cơm áo, gạo tiền, nhiều nghệ sĩ đã phải thỏa hiệp, chuyển sang múa hiện đại, hip hop để kiếm sống. Nhiều người bỏ ngang nghề múa, còn Tuyết Minh, đã bao giờ chị mỏi mệt, muốn dừng chân?

– Có lẽ câu hỏi này nên đặt ngược lại. Không những múa không khiến tôi mệt mỏi mà chính những lúc quá mệt mỏi vì cuộc sống tôi lại càng không cho phép mình ngưng lại. Có những lúc mình nên sống chậm lại một chút để cảm nhận về sự khó hiểu và phức tạp của chính mình, để nhắc mình hãy sống và suy nghĩ đơn giản để hạnh phúc hơn. Nhưng tôi không thể bỏ múa được, đó là hơi thở, là cuộc sống của mình rồi.

Lâu nay, công chúng quen nhìn sự lộng lẫy của nghệ sĩ trên sân khấu, hơn là những cực nhọc, hy sinh của họ phía sau những tấm màn nhung. Tôi đã trải qua những vinh quang cay đắng của nghề, đau với nỗi đau của nghề nên càng trân trọng hơn những tài năng trẻ và muốn cùng họ nỗ lực.

Nhưng đến hiện tại, các nghệ sĩ múa vẫn phải chân trong - chân ngoài, vì  không thể sống tốt, sống khỏe bằng nghề. Theo chị vì đâu?

- Tôi thấy rằng ai đam mê và nhiệt huyết thực sự đều sống rất khỏe và rất tốt với nghề múa. Còn ai đó có tài nhưng lại chưa sống được với nghề thì do họ chưa cống hiến, chưa biết mang cái mình giỏi để cùng tạo nên một sân chơi lớn. Điều này yêu cầu các nghệ sĩ hạ bớt cái tôi của mình xuống để cùng chia sẻ với những khó khăn của người khác.

Tôi chỉ muốn nhắc lại câu nói cũ: “Đừng sống vì những giá trị ảo, hãy để mọi người nhớ đến mình đã sống cùng thời với ai”. Tôi tin rằng, một ngày nào đó, múa sẽ có đời sống, được tôn vinh và quan tâm nhiều hơn. Nghệ sĩ múa có thể sống được bằng nghề. Giấc mơ đó còn xa, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ chạm tới giấc mơ đó nếu không có những người mải miết, lặng thầm dấn thân với múa. Tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo ra sân chơi, để nâng đỡ những tài năng, cùng họ bước tiếp trên con đường chông gai đã chọn.

Thành công, chỉ đơn giản là đạt được điều mình muốn!

Sân chơi mà chị đang nói đến, dành cho các nghệ sĩ múa, có thể hình dung thế nào?

- Đó là tạo ra những vở diễn mới, kết hợp múa với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Tôi sẽ là nhà đầu tư, là đạo diễn, là biên đạo, là thiết kế phục trang, sân khấu, là nhân viên ánh sáng, người phục vụ diễn viên, là người đánh máy, đi chạy từng thủ tục… Tôi sẽ làm nhiều vai trò để diễn viên và vở diễn sống trên sân khấu. Để khán giả sẽ bỏ tiền mua vé đến xem nghệ sĩ múa biểu diễn.

Sau S-Tour, chuyến lưu diễn nhảy múa đầu tiên của vũ công Việt rất thành công năm 2016, năm 2017, tôi đang gấp rút thực hiện dự án “Úm ba la" – kết hợp giữa múa và xiếc. Đây sẽ là một dự án dài hơi, đưa những tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị và hấp dẫn đến gần hơn nữa với khán giả Việt Nam.

Tại sao lại có tên là “Úm ba la" – một câu thần chú trong chuyện cổ tích. Phải chăng, chị đang kỳ vọng điều gì phi thường sẽ xảy ra?

- Hồi bé mỗi lần nghe bà kể chuyện, "úm ba la" là có một cái bánh đa, một củ khoai lúc đói bụng để ăn. Đó là một câu thần chú để trẻ con ước mơ những điều nó muốn. Khi chúng ta lớn lên, thế giới mơ mộng đó không còn tồn tại nữa. Chúng ta hiểu rằng phải nỗ lực thì ước mơ mới thành sự thật.

Với "Úm ba la", tôi muốn nhắc mọi người trở lại với điều ước trong sáng của mình, thành công của mỗi người chỉ đơn giản là đạt được điều mình muốn. Vở diễn rất đơn giản như một đứa trẻ con nghĩ, nhìn theo con mắt của trẻ thơ. Nó sẽ xoay quanh sự ảo tưởng trong khát khao khám phá của nội tâm con người, như một cuộc phiêu lưu với những giấc mơ do chính mình suy tưởng.

Có khó khăn không, khi để múa và xiếc đối thoại với nhau, mà không làm khó cả nghệ sĩ múa và nghệ sĩ diễn xiếc?

- Nói thật, lúc đầu tôi nhìn thấy nhân tố là một số nghệ sĩ xiếc tài năng, “tài năng” thực sự đấy nhé… và học sinh nhí đáng yêu, cực kỳ khâm phục về tình yêu và đam mê với nhảy múa. Tôi nghĩ phải làm gì đó cho những tài năng này. Sau 2 tháng tập “Úm ba la” và giờ chúng tôi đã hình thành được một bộ khung xương sống của vở. Tôi cũng đã làm khó cho các nghệ sĩ tài năng, bởi lao động nghệ thuật không đơn giản, để hình thành một phong cách nghệ thuật mới, yêu cầu các bạn phải vượt qua thói quen cũ. Nếu không có thể lực không thể vượt qua được và khó để làm vở diễn dài hơi.

Có người múa một tác phẩm 5 phút thì trưng trổ được kỹ thuật, nhưng khi đảm nhận vai diễn trong một vở thì thể lực không theo được. Cũng có nghệ sĩ xiếc thực hiện kỹ thuật rất điêu luyện nhưng khi yêu cầu phải tập luyện vào nghệ thuật biểu diễn thì lại rất khó khăn, thậm chí còn bị phân sức, không còn đảm bảo được kỹ thuật nữa. Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, cùng động viên nhau, cùng cố gắng hết mình.

Chị kỳ vọng gì sau khi dốc tiền túi để để tạo sân chơi cho những tài năng trẻ?

- Kinh phí đầu tư thực hiện “Úm ba la” không đơn giản là phép cộng của những con số, nó còn là công sức, sáng tạo, niềm tin của cả êkíp những người làm nghệ thuật cùng chia sẻ với Tuyết Minh. Tôi kỳ vọng, con đường nghệ thuật của tôi và của tất cả anh em nghệ sĩ được hình thành bằng tình yêu và sự chia sẻ, không có cá nhân, không có ganh đua, ai cũng tiết chế cái riêng vì nghệ thuật và kết nối nghệ thuật với công chúng đương đại.

Về phần mình, tôi sẽ theo nghề đến khi nào không thể. Tôi muốn được viết, muốn kể cho mọi người nghe những câu chuyện đời sống bằng ngôn ngữ chuyển động của cơ thể.  Bởi múa là cách dễ đưa con người đạt đến cảm xúc cao nhất, nó đưa mọi người đến gần nhau hơn.

Chúc chị thành công!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn