MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghệ thuật sinh học - xu thế mới của nghệ thuật tương lai?

LAN PHƯƠNG (Theo CNN) LDO | 19/02/2017 14:00
Không gian nghệ thuật thường bị nhầm lẫn với phòng thí nghiệm - đó chính là một nét đặc trưng của nghệ thuật sinh học.
Khoa học luôn là một phần của nghệ thuật - từ cách pha chế màu sắc, sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, tính toán tỉ lệ trong chân dung và điêu khắc, cho đến việc đem một số loại vật liệu mới từ trong các phòng thí nghiệm vào những tác phẩm nghệ thuật mang tính tiên phong…

Nghệ thuật sinh học (bio-art) là một thể loại nghệ thuật xuất hiện từ những năm 1980, từng bước phát triển và đang ngày càng được mở rộng trên toàn thế giới. Theo nghệ sĩ kiêm nhà bình luận nghệ thuật Frances Stracey, nghệ thuật sinh học đại diện cho “sự kết nối giữa nghệ thuật và sinh học, với các thực thể sống như gien, tế bào hoặc động vật là những phương pháp thể hiện mới”.

Nghệ sĩ người Mỹ - Diemut Strebe sử dụng công nghệ cấy mô để tái tạo lại chiếc tai của Vincent Van Gogh.

Sự kết hợp của nghệ thuật và sinh học

Các nghệ sĩ của nghệ thuật sinh học có thể sử dụng hoặc kết hợp các công nghệ hình ảnh trong không gian sáng tạo, thậm chí đem cả sự sống và cái chết vào trong phòng triển lãm của mình. Những ẩn dụ sinh học thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật có xu hướng về hàn gắn và tổn thương.

Như BioCouture, một thương hiệu của nhà thiết kế Suzanne Lee, nơi thời trang, nghệ thuật và sinh học được kết hợp với nhau để sáng tạo nên những vật liệu mới. “Donna Franklin và Gary Cass từng phát minh ra những chiếc váy làm bằng sợi cellulose được tạo ra từ vi khuẩn rượu vang đỏ”, Suzanne Anker, một chuyên gia về nghệ thuật sinh học cho biết. Dựa trên những nguyên lý tương tự, nhà thiết kế Suzanne Lee sử dụng các loại vải “tự hình thành” từ đường, trà và vi khuẩn vào trong các mẫu áo khoác và áo kimono thời trang của BioCouture.

Hai nghệ sĩ Ferry van Tongeren và Jaap Sinke sử dụng các loài bò sát trong tác phẩm của mình.

Với thử nghiệm nổi tiếng Xenotext, nhà thơ nổi tiếng người Canada - Christian Bok đã sử dụng “một bảng chữ cái hóa học” để “dịch” thơ thành một chuỗi DNA, nhằm nuôi cấy một vi khuẩn mới. Trong quá trình “dịch” thơ, một loại protein lành tính, có khả năng tồn tại cao, đã được sản xuất ra. “Tôi đang tạo nên một hình thức sống, từ đó, nó không chỉ trở thành một kho chứa lâu bền để cất giữ bài thơ, mà còn là một cỗ máy có thể sáng tác thơ - một bài thơ có thể trường tồn trên hành tinh này cho đến khi mặt trời tự nổ tung”, Christian Bok phát biểu.

Các nhà khoa học và nghệ sĩ thường cộng tác cùng nhau trong một không gian sáng tạo chung; đặt nghệ thuật sinh học trong các cuộc tranh luận và mối quan tâm về những gì hình thành nên cuộc sống, những gì đang được nghiên cứu, và ai sẽ quyết định cứu rỗi, phá hủy… sự sống v.v… Nghệ thuật sinh học đem lại những hy vọng của cả giới khoa học và giới nghệ thuật, trong một thời đại mà cuộc sống loài người mỗi giây phút đều đang trải qua những thay đổi quyết liệt đến mức nguy hiểm. “Nếu một tế bào sống mang khả năng sản xuất thơ văn, tiểu thuyết, thì liệu chúng ta có thể thực sự tồn tại trong một xã hội nơi con người không cần phải tạo ra các ý tưởng mới hay các tác phẩm văn chương?”, tác giả Sheel Patel đặt câu hỏi cho thử nghiệm Xenotext của Christian Bok.

Bệnh tật dưới góc nhìn của nghệ thuật

Nói một cách đơn giản hơn, nghệ thuật sinh học bao gồm da, các tế bào, những chất lỏng chảy ra từ các bộ phận khác nhau của cơ thể, nhãn cầu mắt và video kỹ thuật số…

Trong cuộc triển lãm tương tác về khoa học và nghệ thuật có tên gọi Morbis Artis: Diseases of the Arts (Morbis Artis: Những căn bệnh của nghệ thuật), hiện đang diễn ra tại Đại học RMIT (Australia), các căn bệnh thực sự ẩn dụ, được vận dụng nhằm khám phá mối quan hệ giữa con người và cuộc sống không có con người.

Nghệ sĩ Stelarc cấy một chiếc tai vào tay của mình.

Triển lãm bao gồm 11 tác phẩm, trong đó, mỗi tác phẩm sử dụng một phương tiện nghệ thuật khác nhau để diễn tả sự hỗn độn trong thế giới hiện tại. Mỗi nghệ sĩ hình dung các căn bệnh theo từng cách riêng, tuy nhiên, người xem có thể phần nào cảm nhận được, ẩn chứa phía sau các tưởng tượng đó là những vẻ đẹp kỳ vĩ và rất nhiều hy vọng.

Trong dự án video của Drew Berry, các tế bào lây nhiễm của bệnh herpes, cúm, HIV, đậu mùa… được “thả tự do”. Những hình ảnh phóng to về quá trình phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, được chiếu lên tường phòng triển lãm, mang lại một cảm giác choáng ngợp cho người xem.

Tác phẩm của Chris Henschke là một cỗ máy ghi lại quá trình các chất hữu cơ phân hủy.

Cũng nhờ đến công nghệ, nghệ sĩ Alison Bennet sử dụng một màn hình cảm ứng để thể hiện tác phẩm của mình. “Vết thâm tím” là bản scan có độ phân giải cao của một phần da bị thâm tím, được dựng thành video 3D. Người xem chạm vào màn hình, điều khiển cho hình ảnh 3D xoay theo nhiều chiều khác nhau, phóng to thu nhỏ tùy ý… để có được những quan sát tỉ mỉ đến từng đường vân trên phần da bị thương.

Người xem tương tác với tác phẩm “Vết thâm tím” của Alison Bennet.

Trong khi đó, nghệ sĩ Lienors Torre tập trung khám phá cách con người nhìn nhận cuộc sống, thông qua các nhãn cầu mắt được làm từ vật liệu thủy tinh, và tất nhiên không thể thiếu sự trợ giúp của công nghệ kỹ thuật số. Tác phẩm thu hút người xem với hai nhãn cầu mắt khổng lồ treo phía trước một màn hình lớn trình chiếu hình ảnh hoạt hình của những giọt nước mắt, cùng một tủ đựng chứa các bình chất thủy tinh được đổ đầy nước theo nhiều mức, để có thể tạo ra các hiệu ứng ánh sáng khác nhau.

Một không gian trưng bày nghệ thuật nhưng lại có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một phòng thí nghiệm. Đó chính là một trong những nét đặc trưng của nghệ thuật sinh học - một xu hướng mới đang góp phần định hình nên tương lai của nghệ thuật nhân loại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn