MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Bảo Nguyên chuyên vẽ truyền thần ở số 47 Hàng Ngang. Ông đã làm nghề được hơn 40 năm, giờ ngoài 80 tuổi, hàng ngày ông vẫn miệt mài giữ nghề.

Nghề xưa mai một

lê bích LDO | 31/05/2020 12:20
Khi đất nước kết thúc chiến tranh, nhiều người đã mãi mãi không trở về. Di ảnh của họ được mang đến người thợ truyền thần để vẽ lại thành ảnh để thờ. Cái thần thái của người được truyền vào ảnh nhớ tài nghệ của người vẽ. Hồi đó có nhiều người vẽ. Giờ thời bình, rồi ảnh kỹ thuật số ra đời nên khu phố cổ chỉ còn lại vài người còn giữ nghề. 

Và giờ chắc chả còn mấy người có thói quen dâng đĩa hoa cúng lên ban thờ tổ tiên. Hoa cúng phải là loại hoa có hương thơm, có ý nghĩa thanh tao như: Hoa bưởi, hoa hoàng lan, ngọc lan... Hoa để vào đĩa  dâng lên tổ tiên cùng với 1 cốc nước. Tạo vật giản dị mà thanh tao nhưng không kém phần thành kính. Đúng như cốt cách của người xưa vậy.

Hiện vẫn còn những con người vẫn đang làm nghề thủ công ở Hà Nội, nó gắn với lịch sử phát triển và thăng trầm của Hà Nội. Ví dụ, nghề vẽ tranh truyền thần, nghề vẽ tranh thờ Hàng Trống, nghề làm đầu lân sư, nghề làm mặt nạ, nghề kim hoàn Hàng Bạc... Giờ Việt Nam hội nhập với thế giới nhanh và rộng. Xã hội mỗi ngày phát triển hơn, hiện đại hơn, tuy vậy những nghề thủ công lại dần mai một đi. Vẫn biết là sự phát triển nào cũng có mặt trái và quy luật đào thải là vậy. Nhưng với tôi sẽ là một mất mát lớn cho Hà Nội khi những nghề này đi vào xa vắng.

Hơn 50 năm qua, ông Lê Văn Quý mưu sinh bằng nghề khắc bút bên bờ Hồ Gươm. Ông được coi là người duy nhất còn sót lại làm cái nghề này giữa Hà Thành.
 
Bà Xây ở cổng chợ hoa Quảng An. Hàng bà là hai mẹt hoa gồm: Mẫu đơn, lan tây, hoa cau, hoa hồng cắt ngắn. Điều thú vị là bà vẫn gói hoa bằng lá dong, buộc lạt theo lối xưa. Bà kể: “Xưa có nhiều người mua hoa cúng nên tôi đi bán rong khắp phố. Sáng mùng 1 hoặc ngày rằm, chỉ cần treo gói hoa ở tay nắm cửa từng nhà rồi cuối tháng mới thu tiền“.
 
Ông Quang, thợ làm khuôn bánh có thâm niên tại cửa hàng số 59 phố Hàng Quạt (Hà Nội), không chỉ làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo mà còn làm khuôn xôi, oản và các loại dấu khắc gỗ. Ông nói: “Nghề này cái khó nhất là thực sự hiểu được nhu cầu của khách để làm ra những chiếc khuôn bánh mà người làm bánh nhìn thấy ưng ngay và người mua bánh cũng thích”.
 
Ông Lê Đình Nghiêm (66 tuổi) - người được xem như nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tranh ông vẽ vẫn theo lối cổ. In viền bằng khuôn gỗ cổ trên giấy dó, sau đó vờn màu và vẽ chi tiết bằng bút lông. Cuối cùng là bồi thủ công. Tranh ông vẽ ra đến đâu bán hết đến đó. Có nhiều khách yêu mến tranh của ông vẽ nhưng phải đợi vài tháng mới có tranh.
 
Anh Thắng - người thợ tiện duy nhất còn làm nghề tiện gỗ thủ công ở phố Tô Tịch-Hà Nội. Có lẽ, anh sẽ là người thợ cuối cùng ở phố còn làm nghề vì anh có 2 con gái và cả 2 đều không thích theo nghề của bố.
 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn