MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nghịch lý

KHÁNH MINH (Tổng hợp) LDO | 19/09/2016 11:35
* "Tôi thấy buồn vì việc có người lại chú trọng vào hình ảnh khỏa thân trong bức ảnh lịch sử thay vì thông điệp mạnh mẽ mà nó truyền tải" - bà Kim Phúc, nhân vật trong bức ảnh "Em bé Napalm" ngày nào nói.

 "Tôi hoàn toàn ủng hộ bức ảnh tài liệu mà ông Nick Út chụp, cho thấy sự thật về nỗi kinh hoàng của chiến tranh cũng như tác động của nó đối với các nạn nhân vô tội" - bà Kim Phúc bổ sung. Tấm hình biểu tượng đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer do nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng tin AP chụp vào năm 1972, ghi lại hình ảnh cô bé 9 tuổi Kim Phúc trần truồng vừa khóc vừa chạy khỏi một ngôi làng ở Việt Nam đang bị dội bom Napalm. Tuy nhiên, mới đây Facebook đã gỡ bỏ hình ảnh này từ một trang nhà của một tác giả Na Uy, viện dẫn lý do là ảnh khỏa thân, vi phạm luật kiểm soát của Facebook. Sau chiến dịch phản đối dữ dội từ Na Uy, Facebook đã phải thay đổi quyết định, thôi chặn bức ảnh và gửi thư xin lỗi Thủ tướng Na Uy. Giám đốc điều hành của Facebook, bà Sheryl Sandberg, viết trong thư rằng, tầm quan trọng của lịch sử "đôi khi có sức nặng hơn tầm quan trọng của việc giữ cho các hình ảnh khỏa thân khỏi trang Facebook".

* "Ông ấy đã đến đó trong cương vị là người đứng đầu nhóm điều tra của chính phủ, vì vậy hiển nhiên là ông phải mang ủng cao su của mình rồi. Tôi phải nói rằng, ông ấy đã thiếu nhạy cảm trước người dân và khu vực này" - Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, chỉ trích Thứ trưởng Bộ tái thiết Shunsuke Mutai. Ông Mutai bị chỉ trích vì để đồng nghiệp cõng qua một vũng nước lầy khi ông đến thăm thị trấn Iwaizumi để đánh giá thiệt hại của bão Lionrock làm 20 người thiệt mạng tại khu vực. Những hình ảnh trên truyền hình cho thấy ông đã cười khi được một quan chức cấp dưới cõng để chân ông không bị ướt. Ông Mutai sau đó xin lỗi, và nói rằng những gì ông đã làm là "không thích hợp" và rằng ông "vô cùng hối tiếc".

* "Đồng Euro không mang lại sự phồn thịnh như hứa hẹn" - nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz, nhận định. "Châu Âu đã sai lầm. Đồng Euro không mang lại sự phồn thịnh, mà gây chia rẽ, thậm chí còn làm cho tình hình thêm nghiêm trọng khi xảy ra khủng hoảng" - ông Stiglitz nói. Ông cho rằng, ngay từ cội nguồn ý tưởng của dự án này đã sai lầm. Sau này, khi xảy ra khủng hoảng, các nước Nam Âu không thể phá giá đồng Euro để thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế. Theo Stiglitz, cần khẩn cấp xóa bỏ cái vòng luẩn quẩn này. Ông chủ trương thúc đẩy việc thành lập liên minh ngân hàng, các quỹ tương trợ để tạo ổn định, giúp đỡ các nước đang phải đối mặt với tình trạng trì trệ kinh tế. Theo tác giả Nobel Kinh tế, cần phải lập một dạng ngân sách chung Châu Âu, với các nguồn thu là thuế lũy tiến - ở mức thấp - đánh vào các doanh nghiệp và người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn