MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiếng búa gõ trở thành âm thanh đặc trưng của nghề chuyên gò hàn tôn thiếc.

Ngôi làng “gõ ra tiền” tại Hà Nội

Bài và ảnh nguyễn thúy LDO | 06/11/2022 09:46
Bước qua cổng làng, tiếng lạch cạch, bốp bốp vang lên từ khắp các hộ gia đình chuyên gò hàn tôn thiếc. Ồn ào là vậy nhưng nó tạo thành làn sóng âm đặc biệt, gắn liền với cuộc sống của người dân làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Hà Nội).

Tại đây, mỗi hộ lại làm chuyên về một mặt hàng như thùng tôn, thông gió, khay đá, hòm xưởng, tủ tài liệu, chậu cây hoa cảnh... Các sản phẩm được phân phối theo đơn đặt của khách trên khắp cả nước, một số được chuyển lên phố Hàng Thiếc trong khu phố Cổ Hà Nội.

Nguyên liệu làm chủ yếu do khách mang đến và làm theo số lượng đặt hàng.
 
Việc làm vất vả, đòi hỏi người thợ phải căn chuẩn đập đều tay.

Gắn bó nghề gõ tôn thiếc hơn 40 năm, ông Nguyễn Văn Khắc (64 tuổi) chia sẻ: “Mỗi ngày cơ sở chúng tôi dồn hết nhân lực sản xuất được khoảng 100 cái thùng và xuất xưởng. Máy móc giúp nâng cao năng suất sản lượng nhưng một số chi tiết thủ công vẫn cần sự tỉ mỉ, trau chuốt từ đôi bàn tay của người thợ”, ông Khắc nói.

Cứ mỗi phút, chiếc máy dập mép hộp tôn cho ra hàng chục sản phẩm đẹp mắt.
 
Những lá đồng thành phẩm trải qua nửa tháng, thậm chí cả tháng mới tạo ra được.

Làng Phú Thứ cũng được biết đến với nghề làm đồng thủ công. Tại cơ sở của ông Đỗ Quang Tạo (57 tuổi) - người có thâm niên khoảng 30 năm gắn bó với nghề cho biết, việc làm những lá đồng mỏng tang tạo ra các sản phẩm trên phố Hàng Mã đòi hỏi phải rất kỳ công, tỉ mỉ.

Nghề gò hàn tôn thiếc là nghề truyền thống lâu đời của người dân Phú Thứ.

“Ngày nào cũng đập, đập từ sáng tới cuối chiều. Những lá đồng được tán phẳng sau đó cho vào bếp củi đun. Đun nóng lên để nguội lại tiếp tục đập. Người thợ phải mất nửa tháng hoặc cả tháng mới ra được những lá đồng mỏng tang”, ông Tạo nói.

Thùng tôn - vật dụng đựng đồ cá nhân, tiền bạc, đồ quan trọng... là sản phẩm được đặt nhiều nhất lại Phú Thứ.

Theo chia sẻ của những người thợ, nghề “gõ ra tiền” phải dùng tay không mới cảm nhận được chính xác đường nét của sản phẩm. Vì vậy, tiếp xúc với kim loại mỏng khiến họ không tránh khỏi thương tích. Ấy vậy nhưng ai cũng yêu nghề, bởi với họ khi nào còn nghe tiếng gõ là khi đó nghề truyền thống của cha ông vẫn còn được gắn bó và lưu giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn