MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngôi trường hun đúc truyền thống hiếu học của dân tộc Việt

Nguyên Anh LDO | 10/09/2023 09:00

Trải qua hàng thế kỷ thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám - dù không còn là một trường đại học - vẫn tiếp tục sứ mệnh viết tiếp truyền thống hiếu học của dân tộc.

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070, dưới đời vua Lý Thánh Tông để trở thành nơi thờ phục các bậc hiền triết trong Nho giáo. Năm 1076, Vua Lý Nhân Tông cho lập Quốc Tử Giám như một trường học Hoàng gia dành cho để quan viên văn chức biết chữ, con em hoàng tộc học tập.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra đời như một nền móng vững chắc cho con đường hoàn thiện những chính sách về giáo dục, nuôi dưỡng hiền tài của Việt Nam. Đến nay, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã trở thành một di sản văn hóa của nhân loại, di tích tâm linh, địa chỉ tham quan không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Hà Nội.

Đi một ngày đàng

Quả không sai khi ví hành trình tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một buổi “học một sàng khôn”, càng đi người ta càng thấy có quá nhiều điều để tìm tòi, học hỏi và trở đi trở lại nơi đây để đào sâu, nghiên cứu thêm về truyền thống hiếu học của dân tộc. Từng chi tiết trong kiến trúc của Văn Miếu đều như gợi nhắc đến tinh thần ham học.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm giữa hàng tường gạch vồ bao quanh, không gian chia thành 5 lớp mang những nét kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được phân chia và kết nối bởi các tường gạch gồm một cửa chính, hai cửa phụ hai bên. Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành và cổng Thái Học.

Bước qua cổng đầu tiên là khu Nhập đạo. Nhập đạo có thể hiểu là nhập vào đạo Nho, tâm thế sẵn sàng trên con đường dẫn tới cửa Khổng sân Trình. Quãng đường này có thể khái quát bằng phương châm giáo dục của Nho gia: tiên học lễ, hậu học văn. Tức là, người học trò khi bắt đầu đến trường lớp, điều đầu tiên phải nắm rõ chính là quy định, nội quy.

Khách tham quan tìm hiểu lịch sử, văn hóa.

Tiếp đó là Đại Trung môn, dẫn vào khu thứ hai của Văn Miếu. Đại Trung môn kiến trúc đơn giản, nhưng điểm đặc biệt nằm ở chiếc bình móc, hai bên có cặp cá chép chầu đắp nổi. Theo quan niệm dân gian, móc là sương tinh khiết, năm nào có móc năm đó hứa hẹn tốt lành.

Chiếc bình móc đắp nổi như thể hiện tâm nguyện của người xưa khi xây dựng Văn Miếu giữa chốn kinh đô: hứng tinh túy nhất của trời đất, tinh hoa của đạo học hội tụ về trên mảnh đất này. Còn cặp cá chép chầu gợi nhắc đến tích truyện “cá chép vượt vũ môn” mà hóa rồng.

Không thể không nhắc đến Khuê Văn các - công trình xây dựng năm 1805 dưới triều Vua Gia Long. Kiến trúc lấy cảm hứng từ sao Khuê là tên một ngôi sao sáng chủ về văn chương, càng tôn thêm giá trị mỹ thuật, văn hóa. Hai bên gác Khuê văn có hai cửa nhỏ mang tên Bí văn và Súc văn - tương ứng với hai tiêu chí cơ bản để Nho sinh trau dồi là văn chương trau chuốt, sáng sủa và văn chương hàm ý, súc tích.

Khu tiếp theo của cụm di tích là khu nhà bia Tiến sĩ. Chính giữa khu là giếng Thiên Quang, có nghĩa là giếng ánh sáng trời. Hai bên giếng là 82 bia Tiến sĩ lưu danh sử sách tên của 1.300 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi qua hai triều đại Lê, Mạc từ năm 1442 đến 1779.

Phía sau Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám, gồm nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống hai bên. Chính giữa Nhà Hậu đường đặt tượng đồng tạc Chu Văn An - người thầy vĩ đại được mệnh danh là Ông Tổ của nền nho học Việt Nam. Tầng hai đặt tượng thờ ba vị vua có công xây dựng và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám gồm: Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.

Địa chỉ đặc biệt của Hà Nội

Qua gần 1.000 năm - trải qua bom đạn chiến tranh và những lần trùng tu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn nét kiến ​​trúc cổ kính như xưa hấp dẫn hàng trăm nghìn lượt khách ghé hàng năm. Địa danh này còn để lại dấu ấn trong lòng khách tham quan về một không gian bình yên giữa phố thị.

“Bước qua cổng Văn Miếu, tôi cảm giác như đang đi vào một ốc đảo. Những vườn cây đẹp như tranh vẽ, kiến ​​trúc truyền thống và hồ nước yên tĩnh gói gọn trong một thế giới khác biệt so với thành phố nhộn nhịp nằm bên ngoài những bức tường nhuốm màu lịch sử”, Laura, một du khách Australia bày tỏ.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường xuyên tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động...

Còn trong tâm khảm người Việt, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích mang giá trị tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, nơi gìn giữ truyền thống hiếu học. Hàng năm cứ mỗi dịp đầu năm mới, trước những kỳ thi lớn nhỏ, trường đại học đầu tiên của Việt Nam lại tấp nập hàng nghìn sĩ tử, học sinh, sinh viên tụ hội về xin chữ với mong muốn thi cử đỗ đạt, xin lộc để cầu may mắn.

“Trải qua những giai đoạn khác nhau trong cuộc sống, mỗi người đều cần một điểm tựa tinh thần. Nói to tát là vậy, với học sinh, sinh viên trải qua những lo lắng trước các kỳ thi, tụi em đều nhớ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một đòn bẩy vững chắc cho tâm lý”, Đào Thị Giang, sinh viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, bày tỏ.

Không chỉ là một kiến trúc “tĩnh” giữa cuộc sống vạn biến này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học. Mỗi năm, các dòng họ, các cơ quan đoàn thể, tổ chức lại đưa hàng vạn học sinh, sinh viên trong cả nước về ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam tổ chức lễ khuyến học và tôn vinh truyền thống của cha ông. Di tích này mãi là nơi lưu giữ, bảo tồn và lan tỏa truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, tôn trọng nhân tài của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn