MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Con ốc sau khi gác bếp sẽ to tròn, béo ngậy và thơm mùi khói củi.

Ngược dòng thời gian tìm Ốc gác bếp miền Tây

Bài và ảnh phong linh LDO | 31/07/2022 22:31
Độ khoảng tháng 7 hằng năm, người dân Đồng bằng sông Cửu Long thường chế biến ốc gác bếp để ấm bụng vào những ngày mưa gió. Ốc gác bếp từ đó mà trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người miền Tây.

Ốc gác bếp là món ăn đặc sản của vùng Đồng Tháp, dần dần lan rộng ra các tỉnh miền sông nước Cửu Long. Ốc gác bếp miền Tây tuy được chế biến không quá công phu nhưng lại thơm ngon, có nhiều hương vị, rất thích hợp cho những ngày mưa gió.

Giỏ ốc sẽ được treo trên giàn bếp từ 1 - 2 tháng, nơi có khói xông qua.

Ốc được chọn để chế biến thường là ốc lác, ốc bươu con lớn vì nó có sức sống mãnh liệt. Ốc sau khi được bắt dưới mương lên, ngâm vào nước vo gạo khoảng 2 tiếng để nhả hết bùn đất rồi vớt ra, để cho ráo nước. Kế đến, người ta cho ốc vào một cái giỏ bằng tre, treo lên giàn bếp, nơi có khói xông lên để ốc bắt đầu vào quá trình gác bếp.

Loại ốc được chọn để gác bếp thường là ốc lác hoặc ốc bươu con lớn.

Thông thường, ốc gác bếp sẽ được để từ 1 - 2 tháng. Với những nhà muốn ốc hít khói lâu, ốc có thể dự trữ lên đến 4 - 5 tháng. Cách làm này khá giống với món thịt trâu gác bếp của người vùng Tây Bắc nước ta, tuy nhiều điều khác biệt đối với thịt trâu gác bếp là con ốc vẫn còn sống mạnh khỏe sau nhiều tháng liền chịu nhiệt.

Ốc đồng là món ăn gần gũi, quen thuộc của người miền Tây.

Sẽ dễ thấy, ốc sau khi mang xuống sẽ mập lên đáng kể so với trước khi gác bếp. Hiểu được tập tính thèm khát của ốc sau nhiều tháng, người dân tiếp tục pha thêm hỗn hợp sữa tươi trứng gà cho ốc uống. Kết quả là, người ta thu được một mớ ốc vừa sạch bụi, vừa chất lượng lại thơm mùi sữa tươi.

Ốc gác bếp là món ăn đậm phong vị quê nhà, vì vậy những người đi xa thường rất nhớ nhung.

Có thể chế biến nhiều món ăn tiếp theo từ ốc gác bếp và ốc húp trứng, nhưng thông thường người dân sẽ luộc với sả để giữ vị ngọt nguyên bản. Nước chấm đi kèm thường là nước chấm cơm mẻ, loại nước chấm đặc trưng của miền sông nước miền Tây. Khi thưởng thức ốc gác bếp cùng với cơm mẻ, ta sẽ cảm nhận được nhiều vị hòa hợp, vị béo của ốc, vị chua của cơm mẻ, vị cay cay của ớt, thơm thơm của sả,...

Ốc gác bếp đã đi vào đời sống văn hóa ẩm thực của người dân miền sông nước, là món ăn đặc trưng của những vùng đất cuối trời của Tổ quốc. Với hệ sinh thái đa dạng, nguồn thức ăn phong phú, người đồng bằng xưa đã nảy ra ý tưởng làm ốc gác bếp như lời trân trọng đối với đất mẹ thiên nhiên. Với nhịp sống hối hả như hiện nay, việc để ốc gác bếp còn tồn tại trong mỗi gia đình là điều rất khó. Dẫu vậy, việc ngược dòng thời gian tìm về ốc gác bếp cũng là cách mà những người con miền Tây thêm trân quý phong vị quê nhà.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn