MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lựa chọn học nghề trở thành xu thế của nhiều học sinh dù có điểm tốt nghiệp THPT cao hoặc đủ điểm đỗ đại học. Ảnh: Lương Hạnh

"Người chọn nghề"

Quỳnh Chi LDO | 16/07/2023 13:06

Tốt nghiệp đại học, không ít cử nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, thậm chí có người cất bằng đại học đi làm công nhân. Trong khi đó, không ít người tốt nghiệp cao đẳng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, thậm chí khởi nghiệp thành công.

“Thấm hiệu ứng việc làm”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (Trường Cơ điện) - cho biết những năm qua, chuyện học sinh đạt 20 - 25 điểm không chọn học đại học mà nhập học tại trường rất phổ biến. “Đây là thời điểm các em đã thấm hiệu ứng việc làm. Quanh các em, người học đại học thất nghiệp nhiều trong khi những người học trường nghề thường nhanh chóng có việc làm nên ai cũng thấm việc chọn trường ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp” - ông Ngọc nói.

Cũng theo ông Ngọc đánh giá, kỳ thi THPT thành công nhưng tuyển sinh đại học thất bại. “Không thể có câu chuyện 30 điểm trượt đại học, tất nhiên có các trường khác nhau, các ngành khác nhau. Trong khi đó, việc thí sinh chỉ đạt khoảng 3 điểm/môn có thể học ngành sư phạm là không được. Nếu đánh giá kỳ thi này là thành công thì thành công này đã mang lại gì cho xã hội?” - ông Ngọc băn khoăn.

Cũng theo ông Ngọc, năm học 2022 - 2023, nhà trường tuyển được khoảng 600 sinh viên, số sinh viên được tuyển hầu hết đủ điểm đỗ vào đại học. Những sinh viên đạt 25 - 26 điểm thi tốt nghiệp THPT vào học tại trường không ít.

Cùng chung nhận định trên, ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội - cho hay, dù nhà trường chưa kết thúc công tác tuyển sinh nhưng đến thời điểm này, thí sinh nhập học có điểm thi cao vẫn không ngừng tăng.

“Các em học nghề vì có nhu cầu việc làm, trong khi học nghề sau đó học đại học thoải mái. Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, thống kê cho thấy 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay sau khi ra trường, con số này tăng lên 96% sau 6 tháng. Ngoài ra, trường cũng có không ít sinh viên nhập học sau khi tốt nghiệp các trường đại học khác vì vẫn không tìm được việc làm” - ông Khánh cho hay.

Cũng theo ông Khánh, năm học 2021, khoảng 87% sinh viên của trường đã tốt nghiệp có việc làm, mức lương thấp nhất đạt từ 6 triệu đồng/tháng, cao nhất đạt 17 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tìm đến nhà trường để tuyển dụng nhân lực luôn “khát” lao động thuộc nhóm ngành cơ khí.

Về việc nhiều thí sinh đỗ đại học nhưng không nhập học, ông Ngọc cho rằng, một số thí sinh đã nộp hồ sơ vào các trường nghề thay vì chọn học đại học. Sau khi đại dịch được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các quốc gia có dân số già tăng mạnh, do đó xuất khẩu lao động là một trong những lựa chọn của các thí sinh. Ngoài ra, việc đi du học đã được định hướng từ trước khi các thí sinh thi tốt nghiệp THPT, đây chỉ là một trong những điều kiện cần có để các em đi du học. Cuối cùng, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trẻ tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam tăng mạnh. Theo đó lao động chỉ cần đủ 18 tuổi trở lên là có thể đi làm, không cần bằng cấp. Các doanh nghiệp này trả mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng thu hút học sinh tốt nghiệp cấp 3 đi làm luôn. Bên cạnh đó, hiện nay tinh thần khởi nghiệp của nhân lực trẻ khá cao, nhiều học sinh chọn cách làm kinh tế sớm thay vì tiếp tục con đường học tập.

Người trẻ ra đời sớm, chủ động tương lai

Chị Phạm Thị Nga (tên nhân vật đã thay đổi), 27 tuổi, quê Bắc Ninh, tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội nhưng đã chọn làm công nhân may. “Chuyên ngành của tôi sau khi ra trường sẽ làm may mẫu, kỹ thuật may. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên không công ty nào muốn nhận. Tôi quyết định xin làm công nhân” - chị Nga nói.

Chị Nga cho hay, khi nào tự tin với tay nghề chị sẽ xin việc với tấm bằng đại học.

Anh Phan Văn Tú (sinh năm 1990, quê ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tốt nghiệp Cao đẳng nghề năm 2011. Hiện nay, Tú là ông chủ của một doanh nghiệp chế tạo máy CNC có trụ sở tại đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì - Hà Nội). Anh Tú thường xuyên có 6 công nhân, thu nhập thợ phổ thông 280.000 đồng/ngày; thợ cứng tay nghề 350.000 đồng/ngày; thợ hàn 300.000 đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng anh Tú có thu nhập 60 - 70 triệu đồng.

“Tôi học khoa Điện tự động hóa. Ra trường, có làm thuê cho 2 đơn vị trong 3 năm. Năm 2015 tôi ra làm riêng” - anh Tú cho hay.

Cũng theo chia sẻ của anh Tú, các bạn học phổ thông của anh, rất nhiều người học đại học xong vật vã tìm việc làm, dù chấp nhận làm trái nghề cũng khó có việc làm. “Có người chấp nhận đi làm in 3D mặt ốp điện thoại với mức lương thấp để kiếm sống, những người học ra, xin được việc làm ngay, thu nhập cũng chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng” - anh Tú nói.

“Giới trẻ giờ đã khác” là chia sẻ của Nguyễn Văn Hưng (quê Sóc Sơn - Hà Nội) - cựu sinh viên Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội - khi được hỏi về lý do vì sao chọn học trường nghề chứ không theo đuổi “giấc mơ đại học” như nhiều học sinh khác. Hưng từng bỏ ngang việc học ở Khoa Công nghệ Thông tin danh giá của Đại học quốc gia Hà Nội để theo học trường nghề. Năm 2019, Hưng là một trong những sinh viên ưu tú được chọn sang Hàn Quốc để đào tạo 1 năm, tham dự kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, sau đó giành được Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử. Với thành tích này, tháng 7.2020, Nguyễn Văn Hưng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) chọn vào danh sách 10 Đại sứ Kỹ năng nghề của Việt Nam. Năm 2020, Hưng được tuyên dương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ XI.

2,45 triệu người học nghề trong năm 2022

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số người học nghề trong năm 2022 nhiều hơn 17% so với mục tiêu đã đặt ra. Cụ thể, số lượng tuyển sinh trong năm 2022 của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước ước đạt 2.448.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng tuyển ước đạt được 236.000 người, khoảng 103% kế hoạch. Trình độ trung cấp ước tuyển được 312.000 người, khoảng 104% kế hoạch. Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác tuyển được 1,9 triệu người, đạt 122% kế hoạch.

Con số gần 2,45 triệu người học nghề trong năm 2022 là cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn