MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghề khắc dấu gỗ gắn bó với ông Toàn từ thuở bé.

Người dành gần nửa cuộc đời gìn giữ nghề khắc con dấu

HƯƠNG LÊ LDO | 23/04/2023 17:00
Nép bên góc phố Hàng Quạt là tiệm khắc dấu thủ công Phúc Lợi của ông Phạm Ngọc Toàn - nơi lưu giữ một nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội.

Trên con phố Hàng Quạt, nơi phố xá tấp nập, xe cộ vội vàng qua lại, dù không nhìn biển hiệu thì cũng không khó để nhận ra ông Phạm Ngọc Toàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người nghệ nhân làm con dấu với trang phục nhận diện đơn giản chỉ là chiếc áo phông trắng cùng quần kẻ sọc xanh luôn cặm cụi tỉ mỉ, tập trung trên chiếc bàn nhỏ ngoài cửa.

Trước cái nắng chói chang đầu hạ, ông Toàn mời tôi ngồi xuống những chiếc ghế đỏ trước cửa hàng, vừa hồ hởi chào khách, vừa buông tấm rèm che nắng.

Hướng về nghề tổ

Cửa tiệm nhỏ chưa đầy 15m2 nhưng vật dụng được xếp gọn gàng. Một bên là những khuôn bánh, khuôn xôi hình cá chép, hình bông hoa được treo cẩn thận. Một bên là chiếc tủ đựng những con dấu tứ phủ được xếp ngăn nắp. Phía trước cửa hàng là hàng trăm con dấu lưu niệm được ông Toàn khắc trước cho khách tham khảo.

Khác với vẻ ngoài trầm lặng, ông Toàn đon đả nói chuyện với khách rất duyên. Ông Toàn kể, nghề khắc dấu gỗ là nghề tổ của gia đình vì thế bản thân ông đã quen với những con dấu từ tấm bé. “Thật ra, tôi được gắn bó với nghề từ nhỏ. Khi đi học ở trường về, tôi thường mày mò cùng các dụng cụ như đục, dao... và rồi học theo bố và ông để làm những cái mình thích”, ông Toàn nhớ lại.

Chia sẻ về hành trình làm nghề, ông Toàn cho biết, bản thân trước kia làm nghề thầy giáo. Cuộc sống xô bồ, ông quyết định rời xa bảng đen, phấn trắng, học trò mà quay về với nghề truyền thống của gia đình.

"Khi lớn lên, tôi cũng giống như các bạn, đi học đại học, ra trường tôi đi thực tập hai năm rồi theo nghề giáo gần 15 năm. Nhưng do hoàn cảnh, tôi quay về với nghề khắc dấu gỗ thủ công của gia đình và bắt đầu gắn bó với địa chỉ số 6 Hàng Quạt từ năm 1993”, ông Toàn nói.

Đôi bàn tay người nghệ nhân nắn nót từng chút cho từng nét điêu khắc, gương mặt vẫn cặm cụi tập trung cho từng con dấu, nhưng chưa lúc nào phải để khách hàng nói chuyện một mình. Lối dẫn chuyện của ông như mở ra cả một nền văn hóa Hà Nội xưa, cuốn hút khách hàng.

Ông Toàn chia sẻ bản thân sinh ra trong thời chiến, được chứng kiến nhiều biến đổi của xã hội, ngay cả những con dấu gỗ này cũng có thay đổi nhất định. Qua từng thời kì, những con dấu cũng có thay đổi lớn, đặc biệt là khi du lịch mở cửa.

“Trước kia, những con dấu này chỉ phục vụ cho dân văn phòng, công sở. Nhưng từ khi có du lịch thì con dấu này còn trở thành vật kỷ niệm, quà sinh nhật... Nắm bắt xu thế, tôi quay sang làm những hình ảnh về Việt Nam như hoa sen, Tháp Rùa... cũng một phần vì muốn quảng bá cho nền văn hóa nước mình”, ông Toàn tâm sự.

Mỗi một con dấu đều được người nghệ nhân thổi hồn vào những ý nghĩa khác nhau. Ví dụ, con dấu hoa đào tượng trưng cho Tết - ngày lễ quan trọng của Việt Nam, con dấu hình con chim cắp lá thư thể hiện thông điệp của tuổi trẻ...

Hơn nửa đời người gắn bó với nghề khắc dấu gỗ, ông Toàn không nhớ nổi bản thân đã sản xuất bao nhiêu con dấu. Nhưng có một người phụ nữ Hà Lan khiến ông nhớ mãi giữa bao khách du lịch nước ngoài tới tiệm. 

“Cô ấy đặt một con dấu khắc hình gia đình gồm hai vợ chồng và hai con. Phía dưới mỗi hình sẽ là tên của người đó. Khi khắc đến cậu con trai út, cô gái mới nói đừng khắc tên vội. Tôi hỏi tại sao, cô ấy mới chỉ vào bụng, ý là cô đang mang thai. Tôi liền chúc mừng và cô ấy hứa sau khi sinh em bé xong sẽ quay trở lại Việt Nam và khắc tên con”.

Bên cạnh họa tiết do người thợ tự sáng tạo, những con dấu còn được khắc họa theo sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước, giá dao động từ 50.000-70.000 đồng với những con dấu có chi tiết đơn giản. Những con dấu có chi tiết cầu kì, đòi hỏi phải tập trung cao sẽ có giá mắc hơn.

“Những hình đơn giản chỉ cần khắc trong 15-20 phút là xong. Nhưng có những mẫu đặt cầu kì, phải mất cả tuần mới xong. Để rèn nghề, các họa tiết mềm mại có hồn, người thợ phải học nghề từ 1-3 năm”, ông Toàn nhấn mạnh.

Tiệm khắc gỗ dấu thủ công Phúc Lợi được tạp chí du lịch nước ngoài vinh danh.

Hạnh phúc khi quảng bá văn hóa Việt Nam

Khắc dấu thủ công là một nghề lâu đời của Hà Nội, đã có từ hàng trăm năm nay, ông Toàn cũng không rõ có cụ thể từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra, đó đã là nghề truyền thống của gia đình.

Để làm ra một con dấu gỗ nhỏ bé ấy tưởng chừng đơn giản nhưng phải bắt tay vào mới thấm nỗi vất vả. Làm dấu gỗ không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo, mà còn cần tính tỉ mỉ, cẩn thận và kiên trì.

Để cho ra một con dấu, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như mài phôi, vẽ phác họa hay chạm khắc. Đặc biệt gỗ dùng làm con dấu phải là gỗ thừng mực, đây là loại thích hợp nhất để làm con dấu bởi chất gỗ nhẹ, mịn và thấm mực.

“Tôi thường đặt sẵn các phôi gỗ, khi có khách mua con dấu sẽ mài nhẵn bề mặt và khắc hình lên, tiếp đó là hoàn thiện bằng cách bỏ phần không cần thiết đi”, ông Toàn vừa giới thiệu vừa tỉ mỉ khắc họa con dấu cho khách hàng. 

Không chỉ có khách hàng trong nước, những con dấu thủ công cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách và truyền thông quốc tế. Đặc biệt, cửa tiệm khắc dấu gỗ thủ công Phúc Lợi của ông Phạm Ngọc Toàn từng được tạp chí du lịch Nhật Bản đăng tải, vinh danh là địa điểm nên ghé thăm tại Việt Nam.

“Những con dấu của tôi được khách du lịch mang đi những miền khác nhau, những vùng trời xa trên toàn thế giới là coi như tôi đã quảng bá được nền văn hóa Việt Nam tới nước bạn, tới khách quốc tế” - ông Toàn hạnh phúc nhớ lại.

Không chỉ khách hàng lớn tuổi đặt khắc chữ triện hoặc tên, các bạn trẻ cũng tìm đến để mua dấu. Bạn Đỗ Duy Nam (Yên Bái) cho biết: “Thật sự mình chưa biết đến nghề khắc dấu gỗ thủ công, hôm nay được bạn dẫn tới đây mình mới biết đến nghề truyền thống này. Bản thân mình thấy đây là một nét văn hóa cần được bảo tồn và lưu truyền. Bởi, nó không chỉ mang lại giá trị về vật chất mà còn mang lại giá trị tinh thần cao cho chúng ta”.

Gắn bó với nghề hơn nửa cuộc đời, người nghệ nhân ấy trong lòng vẫn đau đáu nỗi lo tìm người nối nghiệp. "Trước đây tôi cũng dạy một số cháu ở các tỉnh làm nghề này. Tâm huyết của tôi là muốn dạy cho nhiều cháu biết đến nghề này hơn nữa, nhằm gìn giữ được nghề thủ công mĩ nghệ của Việt Nam và đồng thời là bản sắc văn hóa nước mình", ông Toàn tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn