MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc ghe rèn nhỏ, chở giấc mơ và đam mê của người thợ rèn.

Người giữ lửa ghe lò rèn trên sông

Bài và ảnh Diệu Mi - Cảnh Lâm LDO | 09/04/2023 15:48
Ở miền Tây sông rạch chằng chịt, hầu như món đồ nào người ta cũng có thể mang xuống ghe bán. Ghe nước giải khát, trái cây, vé số, tạp hoá và đến cả ghe lò rèn. Hậu Giang có một xóm lò rèn trên sông ở ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp với hàng chục hộ theo nghề. Cuộc sống ngày đêm lênh đênh sông nước, có người đi tận Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang để kiếm sống, giữ nghề qua hàng chục năm.

Lò rèn rày đây mai đó

“Lò rèn Hoàng Phúc, chui rèn dao búa cũ, bán dao búa mới đây... Lò rèn Hoàng Phúc...”, nghe tiếng rao văng vẳng, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp vào nhà lấy dao, xà beng đi nhanh về hướng sông. Ông nói dù ngày mưa hay nắng, cỡ nào cũng phải đợi được ghe lò rèn để rèn nông cụ.

“Lò rèn làm chất lượng vì người ta có nghề. Còn đồ bán dạo chặt, gọt được vài lần là không xài được nữa, tại nó dởm!”, ông Dũng chắc nịch.

Hơn một tiếng chờ đợi, tổng 2 món hơn 100.000 đồng. Ông nói giá này không cao vì công người thợ rèn nặng, tiền dầu, điện, than cũng vào đó. Quan trọng là, sau khi làm xong một món đồ, nếu không ưng ý, khách có thể nhờ thợ rèn chỉnh sửa cho tới khi “vừa bụng” thì thôi. 

Sự hài lòng, chờ mong của khách hàng là niềm vui của anh Đỗ Văn Phúc và những người làm nghề rèn, khiến họ không ngại vượt sông nước, lênh đênh hàng chục, hàng trăm cây số mỗi ngày để giữ nghề.

Nghề rèn chịu nóng, chịu cực nhưng không ai nản chí.

Anh Phúc năm nay hơn 40 tuổi, từ nhỏ đã sống ở xóm lò rèn ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp. Trong trí nhớ của anh, khu xóm ngày đó tấp nập khách nhưng rồi ngày một thưa dần. Để giữ nghề, nhiều người mang lò rèn xuống sông tìm khách hàng chui dao, búa, kéo. 

Anh cũng vậy, một chiếc ghe sắt với đủ đồ nghề như máy búa, lò than, máy mài. Mỗi ngày, chiếc ghe rèn đơn sơ len lỏi qua những con kênh rạch lớn nhỏ ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thuỷ mấy chục cây số, tiền công kiếm được hơn 500.000 đồng, có khi cả triệu, đủ lo cho vợ con.  

Trắng đêm trên ghe rèn

Nghề rèn bây giờ có thể nói là đỡ kì công hơn xưa. Nhờ máy móc hỗ trợ, thời gian làm một cây dao hoàn chỉnh chỉ bằng 1 phần 4 so với trước. Nhưng kĩ thuật, tuổi nghề vẫn là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm.

Anh Phúc chia sẻ, khi chui một cây dao, người thợ phải biết cây dao này làm bằng thép gì. Lửa như thế nào để phù hợp với loại thép đó. Dư lửa thì dao chặt dễ mẻ, thiếu lửa thì chặt không đứt. Chui rèn làm sao để dao vừa bén và chặt không mẻ thì mới chất lượng. 

Người thợ hơn 20 năm kinh nghiệm bộc bạch thêm: “Nghề này phải chịu cực khổ, chịu nóng hay. Không chịu nóng được thì không làm nghề rèn được. Làm quen thì đam mê, muốn bỏ, bỏ không được”. 

Có lẽ vì đam mê không bỏ được mà hàng chục thợ ở xóm lò rèn không ngại cảnh xa nhà, ở miệt Cà Mau, Bạc Liêu mấy tháng trời mới về quê. Như anh Phúc chỉ mới về Hậu Giang làm vài năm, trước vẫn phải bôn ba sông nước xứ người.

“Ở Cà Mau đường xá còn khó khăn, bà con ở sâu trong rạch nhỏ, xa chợ nên nhu cầu mua, sửa dao kéo, nông cụ nhiều, họ đều chờ ghe rèn đến. Thời đó, một ngày mình có thể kiếm hơn 1 chỉ vàng”, anh Phúc kể. “Nhưng đổi lại, sóng gió miền biển làm người ta hốc hác. Những ngày nước ròng, chiếc ghe rèn kẹt giữa rạch, xung quanh chỉ có rừng đước, rừng mắm, không nhà cửa, không biết kêu ai giúp. Đến khi ra sông lớn gặp sóng gió to, mưa ướt, trắng đêm trên ghe rèn”.

Thanh niên ấp Tân Quới Lộ theo ghe rèn học nghề.

Những người thợ rèn hay đùa với nhau rằng, nghề rèn kiếm nhiều tiền nhưng không giàu. Anh Phúc công nhận điều này, nhưng lí do thì khó kể, có thể do “tiền công, mướn thợ, đi ghe, tiền dầu, than, điện”. Không giàu tiền bạc, vật chất nhưng anh có thể sống với nghề, vẫn tâm huyết, miệt mài và chăm chỉ.

20 năm qua, chưa bao giờ anh Phúc có ý định chuyển việc vì nghề rèn nuôi sống anh và gia đình. “Từ một thanh sắt mình có thể làm thành một cây xà beng hay một miếng thép rèn thành cây dao. Những món đồ người dân sử dụng trực tiếp trong gia đình. Họ dùng và thấy thích, tin tưởng, chờ đợi mình. Vì lẽ đó mà tôi không bỏ nghề được” - anh Phúc bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn