MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Khánh Vũ Khoa từng đạt Giải nhất cuộc thi ảnh chủ đề Lễ hội của Sony Việt Nam 2022, Giải nhất ảnh bộ cuộc thi ảnh của Sala Garden 2022, có tên trong Top 100 nhiếp ảnh gia không ảnh của cuộc thi ảnh quốc tế 35Awards 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Người kể chuyện TPHCM qua ảnh

Phạm Huyền LDO | 14/05/2023 11:32
Nguyễn Khánh Vũ Khoa, 38 tuổi, vốn là một người con của TPHCM - nơi anh sinh ra và lớn lên. Nhiếp ảnh gia tự do này yêu từng góc phố, từng con đường của TPHCM, ngắm nhìn những nơi nhuốm màu thời gian cũ kĩ chuyển mình qua năm tháng, ngày càng đèn hoa diễm lệ như ngày nay.

Bén duyên với nhiếp ảnh từ thời còn là chàng sinh viên đại học, anh Khoa chỉ thực sự bắt đầu tìm hiểu chuyên sâu và theo đuổi đam mê này từ năm 2016.

Chiếc máy ảnh đầu tiên đồng hành cùng anh trên chặng đường sáng tác là Sony A7 cùng lens kit 28-70mm. “Mình ban đầu đam mê tĩnh vật và chân dung vì thích chụp vợ, khi đó còn là người yêu. Sau đó, mình đi sâu về phong cảnh và đời thường” - anh Khoa chia sẻ.

Khi flycam phát triển anh chụp không ảnh nhiều hơn, nhưng chủ yếu vẫn là phong cảnh và đời thường, cuộc sống lao động hàng ngày của người dân. Anh khai thác những góc ảnh của Sài Gòn từ những cao độ mọi người ít khi thấy của thành phố, lạ lẫm nhưng thân quen.

Thành phố đang thay da đổi thịt từng ngày. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Khoa bộc bạch, kho hình riêng về TPHCM không quá nhiều, chỉ khoảng 5.000 bức về phong cảnh, đời sống, con người... đặc biệt là cảnh mưu sinh, lao động, buôn bán trên đường phố.

“Gần như tất cả góc ảnh về những biểu tượng của TPHCM mình đều đã chụp, dù góc thấp hay cao như Bitexco, Landmark 81, trụ sở UBND, nhà hát thành phố, hồ Con Rùa, Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà... cùng nhiều chùa, nhà thờ và các kiến trúc tôn giáo khác” - anh Khoa nói.

Trong đó, góc chụp kiến trúc thành phố yêu thích của anh Khoa là đứng bên bờ hầm Thủ Thiêm nhìn qua Sông Sài Gòn thấy bên kia là bến Bạch Đằng và đường phố lung linh. “Mình có nhiều ảnh ở đây, ghi lại quá trình thay đổi về kiến trúc hay khắc họa nét đẹp của thành phố vào các thời điểm trong ngày... Đôi khi mình không hẳn ghé nơi này để chụp mà chỉ đơn giản nhìn ngắm những đổi thay của thành phố từng ngày, đặc biệt là buổi chiều tối ngắm hoàng hôn trôi” - anh Khoa tâm sự.

Cuộc sống đời thường của người dân TPHCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Góc sáng tác “ruột” thứ hai là từ tầng 10 chung cư Ngô Tất Tố. Anh thẳng thắn rằng góc này không thật sự đẹp nhưng lạ. “Nơi đây vừa có thể ngắm nhà cửa lúp xúp, vừa thấy Landmark 81 cao chót vót phía xa. Còn bên dưới là đường tàu metro trên cao vẫn trong giai đoạn xây dựng, nhưng mình nghĩ sẽ sớm được thấy cảnh tàu điện chạy cùng khung cảnh tuyệt vời của đô thị bên dưới” - anh Khoa bày tỏ.

Góc chụp yêu thích thứ ba là Chợ Thị Nghè. Anh Khoa thích ghi lại khoảng khắc đời thường trong chợ vào buổi sáng sớm. Anh thường gửi xe rồi đi bộ lòng vòng từ dưới chợ lên đến giữa cầu Thị Nghè, nhìn xuống sẽ thấy cảnh buôn bán, người dân qua lại, đi chợ sáng sớm. Đó là một khung cảnh rất có sinh khí và nhộn nhịp.

TPHCM mỗi mùa mỗi vẻ, anh Khoa thích nhất mùa hoa kèn hồng. “Đây là thời điểm giữa mùa xuân tầm cuối tháng 2 đến giữa tháng 3. Không khí mát mẻ, hoa lá xanh tươi. Những cành kèn hồng nở rực rỡ nhiều tuyến đường, nhìn như hoa đào rất đẹp. Mỗi khi gió thổi ngang, những cánh hoa kèn hồng rơi trong gió...” - anh Khoa chia sẻ.

Không chỉ có thâm niên về nhiếp ảnh, anh Khoa còn làm trong ngành du lịch ngót nghét chục năm. Lời khuyên của anh đối với những du khách muốn chụp ảnh TPHCM đẹp nhất là chọn khung giờ hợp lí.

Tàu thuyền tấp nập trên sông Sài Gòn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Thường thời tiết TPHCM luôn khá nóng, mọi người thích chụp hình check-in nên xuất phát sớm. Từ khoảng 7h đến 9h sáng trời nắng đẹp và đỡ nóng nhất, lúc này diện mạo khách chụp sẽ đẹp nhất khi người đỡ ra mồ hôi và mệt mỏi, có nhiều năng lượng đi thưởng ngoạn hơn. Buổi chiều từ 4h30 đến 6h là chuẩn nhất, khi đó mặt trời đã dịu nhẹ, không khí cũng mát mẻ hơn nhiều và những shot ảnh sẽ thêm phần lung linh khi đường phố lên đèn” - anh Khoa giải thích.

“Về kĩ thuật, du khách tham quan nên ưu tiên dùng camera góc rộng trên điện thoại, để ảnh vừa có thể chụp dáng người cao, vừa lấy được nhiều chi tiết của ngoại cảnh nơi tham quan. Bức ảnh sẽ trọn vẹn hơn so với dùng camera thường hoặc chế đô chụp chân dung xóa phông”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn