MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Mai và những bệnh nhi trong lớp học. Ảnh: Nguyễn Ly

Người mẹ hiền của những bệnh nhi ung thư

Nguyễn Ly LDO | 25/09/2022 06:00
“Ước mơ của con là được sống thêm dài dài, để được đi học đến trường, không còn phải sống trong cảnh truyền thuốc mỗi ngày, bệnh viện là nhà”, một bệnh nhi mắc bệnh ung thư chia sẻ.

“Ước mơ của con là được sống thêm dài dài, để được đi học đến trường, không còn phải sống trong cảnh truyền thuốc mỗi ngày, bệnh viện là nhà”, một bệnh nhi mắc bệnh ung thư chia sẻ. 

Lớp học đặc biệt trong bệnh viện

Thời tiết TPHCM hôm nay mới sáng sớm đã trở mưa lớn, chúng tôi nhanh chóng làm các thủ tục cần thiết để được vào Khoa Huyết học - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. 

Trong căn phòng nhỏ rộng chừng 15m2, nhiều tình nguyện viên đang chuẩn bị tổ chức các chương trình cho những bệnh nhi mắc bệnh ung thư tại đây. Mỗi người một việc, không ai bảo ai vì tất cả làm bằng tình thương đối với những mảnh đời nhỏ bé kém may mắn. 

Chị Lê Thị Mai là chủ nhiệm Câu lạc bộ Nét chữ xinh cũng đang tất bật để làm việc. Lớp học đặc biệt này được thành lập vào tháng 12.2017 tại khoa Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Chia sẻ về cơ duyên với công việc đặc biệt này, chị Mai tâm sư: “Thời điểm cách đây hơn 10 năm, tôi thường tham gia các chương trình thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Có điều kiện kinh tế hơn một chút xíu, tôi làm mạnh thường quân và cơ duyên gặp nhiều mảnh đời dù còn rất nhỏ nhưng mang trong mình cơ thể yếu ớt vì bệnh tật - sự sống mong manh”. 

Nhìn xung quanh lớp học này, từ màu sơn tường, bức tranh vẽ hay cái bàn, cái ghế đều do tôi và mạnh thường quân, tình nguyện viên tự tay làm. Thời gian đầu nhiều khó khăn, nhưng mọi chuyện đều vượt qua được vì các em ở đây rất cần mình. 

“Tôi còn nhớ, ngày đầu tiên lớp học tại Khoa Huyết học được mở, dù chưa dọn bàn ghế nhưng các em bệnh nhi ở đây trên người dù còn cả dây truyền thuốc, cơ thể băng bó nhiều nơi nhưng vẫn đứng xếp hàng rất đông ngoài cửa để được vào lớp học, thậm chí có những bé còn chạy ra dọn dẹp bàn ghế để được học. Háo hức và hạnh phúc là những gì tôi cảm nhận thấy từ các con”, chị Mai vui vẻ nhớ lại.

Ở lớp học đặc biệt này, có đủ mọi lứa tuổi nhưng cùng chung một hoàn cảnh là không được đến trường vì bệnh tật. Các em phải ở bệnh viện liên tục nhiều tháng để điều trị theo phác đồ của bác sĩ, chính vì vậy nhiều bệnh nhi đã quên mất mặt chữ vì xa lớp học, xa bạn bè quá lâu. 

“Nếu không có tình thương và sự kiên nhẫn vô bờ bến, chắc chắn không ai có thể đủ tâm huyết để dạy các em. Sức khoẻ yếu, công với các tác dụng phụ của thuốc khiến mỗi buổi học các em khó khăn hơn gấp nhiều lần những đứa trẻ bình thường. Chúng tôi phải nghiên cứu, tìm tỏi những dụng cụ, giáo trình để giảm tải sức viết của các con - vì khi đó những chiếc kim truyền thuốc vẫn đang song song cùng con chữ”, chị Mai xúc động nhớ lại. 

Chị Nguyễn Nhật Hà là tình nguyện viên của Câu lạc bộ Nét chữ xinh từ những ngày đầu lớp học thành lập. Kể về hành trình đầy khó khăn cùng lớp học chị vẫn nhớ như in từng câu chuyện của mỗi bệnh nhi dù là chi tiết nhỏ nhất. 

“Năm 2017, khi đó tôi làm tình nguyện viên cho chương trình Ước mơ của Thuý và vô tình gặp chị Mai trong kỉ niệm 10 năm của chương trình ấy. Chị Mai có may bộ sưu tập cho các bé trình diễn, ngày đi làm đêm qua nhà chị Mai phụ. Sau chương trình đó chị Mai lên kế hoạch thành lập lớp học ở bệnh viện và mình cũng phụ dạy cho các con. Bình thường tại các trường, các cô giáo sẽ dạy cho từng lứa tuổi khác nhau, nhưng tại đây dù mọi người không có chuyên môn sư phạm vẫn cố gắng đảm nhận nhiều lớp khác nhau. Từ bé chưa biết gì đến bé học lớp 1 lớp 3... Nhưng vượt lên trên những khó khăn đó thì nhờ các con chúng tôi sống tốt hơn, bởi vì các con đã dạy tôi nhiều thứ. Chúng tôi mới sống một nửa cuộc đời, còn nhiều bé ở đây chỉ mới 5-6 tuổi nhưng đã gần đi hết một cuộc đời của mình. Các con dạy cho tôi hiểu được sự vô thường của cuộc sống”, chị Nhật Hà chia sẻ.

Cùng con chia ngọt sẻ bùi 

Lật dở từng bức tranh được vẽ của các con, tấm hình chụp và danh sách các thành viên nhí đã từng tham gia lớp học tổng cộng hơn 800 bé. Đối với nhiều người, cuốn sổ điểm danh này chỉ vỏn vẹn là những cái tên xa lạ hay danh sách bình thường, nhưng đối với chị Mai đó là miền ký ức không quên. 

“Tôi thương các con lắm, mỗi lần nhớ lại hoặc xem lại những tấm hình của lớp học này tôi biết rằng sĩ số ấy không còn trọn vẹn nữa. Miền kí ức đó cứ mãi chảy trong suy nghĩ của tôi, càng buồn thì càng thương các con và muốn cố gắng làm hết những gì có thể để các con có một cuộc đời ý nghĩa, trọn vẹn hơn”, chị Mai chia sẻ. 

Em Phạm Hồ Đức Anh (13 tuổi, ngụ TPHCM) là một trong những bệnh nhi đã từng điều trị tại Khoa Huyết học - Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Nhớ lại những ngày tháng không quên đó, em Đức Anh vẫn thầm cảm ơn những con người đặc biệt đã cùng em vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để sống tiếp. 

“Năm 2017 con nhập viện điều trị bệnh ung thư và tham gia lớp học khoảng 2 năm. Năm đó, con mới học lớp 3, chuẩn bị lên lớp 4. Vì phải điều trị nên không thể đi học được, cũng may vào đây được các cô ôn kiến thức cho con, không hiểu chỗ nào là các cô giảng lại. Ban đầu nhiều khi con nghĩ tới cái chết, nhưng con hiểu rằng mình còn trẻ nên phải sống. Từ đó, con không còn nghĩ tới cái chết nữa mà chỉ sợ không được đi học thôi. Cô Mai hay động viên, tâm sự hỏi con cần gì và quan tâm bằng hành động, hiện thực hóa những ước muốn của tụi con. Năm 2020 con hoàn thành điều trị và chia tay lớp học, nhưng thỉnh thoảng con vẫn bảo gia đình gửi sách vở, bút cho các bạn dùng”, em Đức Anh vui vẻ chia sẻ miền ký ức đặc biệt này.

Bác sĩ Lê Thị Minh Hồng - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ, Câu lạc bộ Nét chữ xinh ngoài các chương trình cho các bé thì có tổ chức lớp học tại Khoa Huyết học, chương tình thực hiện được nhiều năm qua và đang duy trì. Đây là hoạt động rất là hay. Các bé bị bệnh mãn tính và nằm lại viện thời gian dài không được đến trường. Việc mở lớp học đã giúp cho các con nối tiếp việc học. Rèn luyện cho các bé những kiến thức không bị rơi rớt, cập nhật hằng ngày cho con. Chuyện này còn tạo niềm vui cho các con, tạo động lực. Vì nằm viện mà cứ bệnh không thì ngán, có những loại hình hoạt động khác thì khiến các cháu phấn khích tinh thần. Đây là việc rất tốt giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn nhiều.

“Chúng tôi đánh giá rất cao về việc làm của chị Mai. Tại vì tôi thấy chỉ làm việc rất tích cực, làm bằng cái tâm và tình yêu thương và chị Mai làm bao năm nay rồi, bệnh viện cũng muốn kết nối và duy trì lâu dài với hoạt động này”, bác sĩ Hồng nói thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn