MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thổ cẩm người Mông luôn có những hoa văn đặc trưng cùng màu sắc rực rỡ.

Người Mông Hoa nặng lòng với nghề thêu truyền thống

Văn Tùng LDO | 23/10/2022 07:24
Hiện nay, ở một số huyện vùng cao tại tỉnh Tuyên Quang vẫn đang gìn giữ được nghề thêu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Đây là thành quả từ những nỗ lực bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc của con người nơi đây như một nét riêng biệt, hiếm có.

Hoa văn trên thổ cẩm

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa... của tỉnh Tuyên Quang vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là thành quả xứng đáng, sự ghi nhận những đóng góp thầm lặng của con người nơi đây.

Nói về nghề thêu trên miền sơn cước này, không thể không nhắc đến xã Xuân Lập (Lâm Bình). Nơi đây hiện đang có hơn 60% số dân là người dân tộc Mông, trong đó có 35% là người Mông Hoa. Trong cộng đồng người Mông Hoa ở miền quê này, những nét văn hoá dân tộc như múa khèn, nghi lễ truyền thống hay trang phục truyền thống vẫn đang được bảo vệ và gìn giữ mỗi ngày.

Là số ít những người còn nắm giữ tinh hoa của nghệ thuật thêu, bà Thào Thị Dính (Thôn Khuổi Củng, xã Xuân Lập) không khỏi xúc động khi trang phục truyền thống của người Mông Hoa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

Bà Dính cho biết: "Người Mông thêu trang phục bằng nhiều loại vải, nhiều màu vải khác nhau. Đối với người Mông Hoa, trước khi thêu phải được vẽ bằng sáp ong, qua nhiều công đoạn mới có khuôn hình để thêu. Kỹ thuật vẽ sáp ong thực sự rất kỳ công không phải dễ dàng mà có được".

Một trong những công đoạn phức tạp nhất ở nghề thêu là vẽ sáp ong lên vải. Ngòi bút vẽ càng mỏng thì hoa văn vẽ càng đẹp và dễ. Khi vẽ, người phụ nữ phải ngồi cạnh bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Lúc kẻ, cần giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp vẽ tiếp. Sau khi tạo hình bằng sáp ong mới tiến hành thêu.

Trước khi vẽ hoa văn, những người phụ nữ thường dùng chiếc bát sành miết cho mặt vải thật nhẵn, việc vẽ hoa văn được làm liên tục, vẽ đến đâu, sáp ong khô thì cuộn lại, in khổ hoa văn tiếp theo khi nào hết khổ vải mới kết thúc.

Trên những tấm vải phải kẻ các đường thẳng đóng khung các loại hoa văn bên trong. Khi vẽ, người phụ nữ sẽ dùng chảo đun sáp ong ngay cạnh chỗ vẽ, sau đó đếm sợi vải chia đều thành 10 - 12 ô vuông theo chiều dài tấm vải. Đoạn hai đầu trên cạp váy và dưới đoạn nối thổ cẩm phải kẻ đường thẳng, vẽ từ dưới lên trên, đầu tiên vẽ các vạch chéo trước, chia các vạch chéo thành những cánh hoa, kẻ hình tam giác, hình ốc.

Vẽ sáp ong trên thổ cẩm là nét độc đáo của người Mông.

Chia sẻ về ý nghĩa của các hoa văn trên trang phục, bà Dính cho biết, người Mông nơi đây sống dựa vào thiên nhiên là chủ yếu. Vì thế, các họa tiết hoa văn trên trang phục đều mô phỏng thiên nhiên vùng sơn cước đầy sống động. Mỗi hoa văn lại chứa đựng một ý nghĩa khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện mong muốn về cuộc sống bình yên, ước vọng về gia đình hạnh phúc và mùa màng bội thu.

Các chi tiết trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa là một biểu trưng sắc nét trong văn hóa của cộng đồng người Mông. Trên đó, chứa đựng những tâm tình, các yếu tố tâm linh sâu sắc mà bao đời nay người Mông vẫn gìn giữ và bảo vệ.

Cùng trong niềm vui hân hoan khi nghệ thuật thêu truyền thống của địa phương được công nhận là di sản, chị Chúc Thị Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Lập (huyện Lâm Bình) cho biết: "Người Mông Hoa tại Xuân Lập vẫn giữ được các bản sắc văn hóa truyền thống như múa khèn, nghi lễ truyền thống dân tộc hay nghề thêu truyền thống.

Dù phải lo toan cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, thế nhưng người dân tại mảnh đất này vẫn tâm niệm rằng phải giữ bằng được nghề thêu. Đây là một trong những điều tiên quyết để những nét văn hóa của người Mông không bị phôi phai theo thời gian".

Để bản sắc mãi trường tồn

Có cùng niềm vui khi trang phục của đồng bào mình được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, chị Sùng Thị Đắng (thôn Khuối Củng) hồ hởi kể, người Mông Hoa ở thôn Khuổi Củng vẫn gìn giữ nghề thủ công truyền thống, tạo ra các sản phẩm thêu độc đáo như: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp.

Người Mông Hoa trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, tạo nên sự linh hoạt, bắt mắt. Đặc biệt, những họa tiết trên trang phục của người Mông Hoa có nét đẹp riêng biệt, không hề lẫn lộn với các kiểu trang phục của các dân tộc khác.

Theo chị Đắng, màu sắc truyền thống trên y phục người Mông có 5 màu gồm: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Trang trí hoa văn trên nền vải của người Mông hoa là có một màu nóng giữ vai trò chủ đạo, có thể là màu đỏ, màu vàng nhưng phải hài hòa với các màu sắc phối hợp khác. Tất cả hòa quyện lại tạo nên vẻ đẹp độc đáo của trang phục truyền thống người Mông.

Người phụ nữ Mông gắn liền với khung dệt thổ cẩm và đó như thước đo của sự trưởng thành.

Phấn khởi khi nhắc đến nghề thêu của quê mình là vậy, thế nhưng chị Đắng không khỏi nặng lòng khi nghĩ đến việc trang phục của người Mông Hoa bị mai một. Nỗi lo này có cơ sở khi hiện nay một số trang phục đang bị lai tạp. Sự phát triển không ngừng của xã hội khiến những bộ quần áo bị cách tân, mất đi vẻ đẹp, nét độc đáo truyền thống vốn có của nó.

Trước nguy cơ trang phụ dân tộc của đồng bào Mông Hoa bị mai một, những người con trên mảnh đất sơn cước này không khỏi nặng lòng. Để giữ cho tinh hoa văn hóa dân tộc không bị phôi phai không phải là chuyện đơn giản. Điều này cần sự cần sự đồng lòng giữa cả hệ thống chính quyền và người dân.

Nói đến vấn đề này, chia sẻ với PV Báo Lao Động, ông Cao Văn Minh - Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin huyện Lâm Bình cho biết: "Để giữ gìn văn hoá bản sắc trong cộng đồng người Mông Hoa, chính quyền địa phương đã có nhiều việc làm thiết thực trong thời gian qua. Hiện nay, các học sinh hay công nhân viên chức được yêu cầu mặc trang phục phục truyền thống vào những ngày lễ. Dù chỉ là những hành động nhỏ, thế nhưng dần dần sẽ hình thành thói quen gìn giữ, biết trân quý trang phục truyền thống của dân tộc".

Hiện tại, để giữ gìn nghề thêu truyền thống của người Mông, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến từng gia đình. Khuyến khích người dân tiếp tục phát huy và gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Đối với các gia đình còn giữ được trang phục truyền thống nguyên bản thì khích lệ họ mặc vào dịp lễ, Tết cũng như ngày hội của thôn.

Theo ông Minh, để bảo tồn trang phục truyền thống của người Mông, điều quan trọng nhất là cần tích cực truyền dạy kỹ thuật vẽ sáp ong, thêu đến đông đảo người dân. Một khi ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ di sản, thêu truyền thống của người Mông Hoa sẽ mãi trường tồn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn