MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Đức Khuynh bên bộ chữ đóng bìa cổ quý giá.

Người phục chế sách cổ tài hoa

Bài và ảnh Lê Đức Dương LDO | 16/04/2023 07:54
Vốn là cử nhân kinh tế và cử nhân nghệ thuật, có tài hội họa - thư pháp, biểu diễn các loại nhạc cụ... tất cả đều có thể đem lại danh tiếng tiền bạc cho cuộc sống của mình, nhưng Nguyễn Đức Khuynh lại chọn một nghề rất đặc biệt: Phục chế sách cũ, đóng bìa sách cổ. Không chỉ thế mà chàng nghệ nhân này đã nâng tầm phục chế sách thủ công thành đẳng cấp tuyệt mĩ hiếm có hiện nay.

Từ yêu sách tới mê sách thành nghệ nhân

Nguyễn Đức Khuynh sinh năm 1982 ở Hà Nội, vào Nha Trang học Đại học Thủy sản. Từ lúc còn sinh viên đã mê sách, Khuynh làm bao nhiêu tiền đều dành dụm mua sách. Do eo hẹp nên chàng hay “lê la” ở các vỉa hè bán sách cũ trên đường Hoàng Hoa Thám, Lý Tự Trọng, Đinh Tiên Hoàng - Nha Trang, khi đó - những năm 2000 toàn bán sách cũ để mua cho rẻ. Đây chính là duyên sách cũ với Khuynh.  

Lắm khi gặp những cuốn sách cũ rất giá trị được xuất bản từ nhiều chục năm trước làm anh thấy mê đắm. Chỉ có điều nhiều cuốn tã hỏng rách bìa nhưng ruột thì đầy cảm xúc tàng thư quý giá của cổ nhân. Tiếc! Thương sách, Khuynh lần mò đi tìm người đóng sách cũ và duyên sao gặp được hậu duệ của người đóng sách nổi tiếng nhất Nha Trang - đó là người con ông Rảnh.

Xin giới thiệu về ông Rảnh - là người từng đóng những cuốn sách cổ nổi tiếng quý giá ở Nha Trang thập niên 50 - 60 thế kỉ trước. Ông Rảnh tiếp nối ông Ngô Đồng - người đóng sách học trò của người đóng sách đầu tiên ở Nha Trang vốn là người Pháp thời bác sĩ A.Yerin đầu thế kỉ 20.

Khi Khuynh gặp người con ông Rảnh thì ông Rảnh đã mất lâu rồi nhưng người con đã thừa hưởng toàn bộ bí quyết nghề đóng sách kiểu Pháp lừng danh cùng các dụng cụ như: bộ chữ, máy ép, máy đóng, bộ xén đem từ Pháp sang Việt Nam từ cuối thế kỉ 9! Trước sự say mê, tận tụy đến cháy bỏng của chàng sinh viên nghèo, người thợ đóng sách đã để lại dần dần những máy móc, cùng bí quyết nghề đóng sách. Tuy nhiên không phải cho không mà đều được bán với giá tiền xứng đáng với giá trị. Với Khuynh, cậu phải cố gắng vay mượn tiền khắp nơi để tiếp nhận “di sản” nghề đóng sách lừng danh của ông nghệ nhân tên Rảnh.

Cầm trong tay di sản bí quyết và đồ nghề đóng sách của nghệ nhân nổi tiếng, Nguyễn Đức Khuynh thấy chưa đủ, anh còn tìm tòi sưu tầm mua sách ở tận Mỹ, Pháp và liên hệ nhiều người trong giới chơi sách để giới thiệu những cao nhân, bí quyết, công nghệ phục chế sách. Lợi thế của Khuynh là một họa sĩ rất tài năng, anh có thể vẽ các thể loại như: Thư họa, tranh hiện đại lẫn cổ xưa. Đặc biệt, Khuynh rất chịu khó tìm tòi các nền văn hóa cổ để lưu giữ vốn sống nhằm sử dụng trong chế tác làm nội dung bìa sách.

Thêm nữa chàng nghệ nhân có người vợ vốn là nghệ nhân làm tranh thêu XQ nổi tiếng hỗ trợ mình làm những bìa sách thêu độc đáo. Từ năm 2007 trở về sau Nguyễn Đức Khuynh trở thành người đóng sách cũ, phục dựng làm mới bìa sách nổi tiếng bậc nhất Nha Trang được nhiều giới chơi sách cả nước tin tưởng giao những cuốn sách quý hiếm. Qua bàn tay chế tác tài hoa của anh, những cuốn sách đã trở nên giá trị bội phần để lưu giữ mãi mãi.

Một số sách, truyện được phục chế.

Những kiệt tác sách từ bàn tay người nghệ nhân tài hoa

Với việc đóng sách cũ hay phục chế sách thì có đôi người làm nhưng với Khuynh thì phải làm ở tầm mĩ mãn. Theo Khuynh, nghề đóng sách, làm bìa, dựng sách giống như thiền. Phải tĩnh lặng, tỉ mỉ cẩn trọng, nâng niu từng trang sách. Bởi những cuốn sách quý phần lớn chính là cổ, có tuổi đời từ năm bảy chục năm tới hàng trăm năm nên hầu như khi đưa đến tay Khuynh đều gần như “tả tơi” từ ruột đến bìa.

Người thợ như bác sĩ thăm khám con bệnh rồi chẩn đoán để tìm ra phương án chữa tối ưu. Có những cuốn sách Khuynh phải tháo ra từng tờ để phơi, sấy, ép dán rồi khâu từng tép cẩn thận. Khổ nhất, vất vả nhất là khắc phục những cuốn sách do thợ kém đóng ẩu. Về thời gian và công sức thì không thể tính được. Tất cả phải ròng rã cả tháng hoặc cả năm mới xong. Công đoạn phục chế thì vô vàn thao tác tỉ mỉ, phức tạp. Nhiều bộ như “Kinh dịch” (Ngô Tất Tố dịch), “Nhà văn hiện đại” (Vũ Ngọc Phan) hay bộ “Dịch” của Nguyễn Mạnh Bảo... làm vất vả vô cùng.

Khuynh kể, có một người chơi sách cổ đã đem đến tận nhà anh một cuốn sách của Vũ Trọng Phụng “Số đỏ” - với cuốn sách xuất bản đầu thế kỉ 20, chủ nhân cuốn sách đó đưa và thuê khách sạn gần đó để chờ Khuynh làm xong là lấy ngay. Bởi cuốn sách này hiện chỉ là còn một cuốn ở Việt Nam nên có giá lên đến mấy trăm triệu đồng! 

Tài làm sách cổ của Khuynh rất khác, rất âm thầm lặng lẽ nhưng mỗi cuốn sách hoàn thành đều là một tuyệt tác mà chủ nhân của nó chỉ biết xuýt xoa nâng niu như báu vật vì được cải lão hoàn đồng. Khuynh kể, trong suốt gần 20 năm qua anh đã làm hơn 2.000 cuốn sách quý từ cổ đến mới với nhiều phong cách khác nhau nhưng nhìn chung là rất đẹp. Trong đó nhiều cuốn sách được chủ nhân của nó “khoe” sách đóng ở bên Pháp (để tăng giá trị thương hiệu) bán giá từ mấy chục đến vài trăm triệu đồng là thường tình.

Nếu như sách cũ cổ thì phục chế, khâu lại ruột, đóng bìa mới là dễ hiểu thì với sách mới thì sao? Đây là một kiểu chơi rất sang trọng, quý phái của giới chơi sách hay làm gọi là trang sức mới. Khuynh khoe nhân kỉ niệm 65 ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng đặt anh làm 10 cuốn “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài bọc da với họa tiết thủ công để làm “bảo vật”! Khuynh phải đặt phôi khắc đồng và khi giao sách cho nhà xuất bản phải giao hết tất cả phôi chế tác để bảo đảm không có cuốn thứ 11!

Hay mới đây nhất, nhà báo Yên Ba đặt Khuynh làm bộ sách “Răng sư tử” nổi tiếng của mình bằng bìa da thủ công để lưu và tặng quý nhân! Rất nhiều chơi sách muốn có bộ sách quý độc đều đặt riêng Khuynh làm bìa da như bộ Kim Dung, Tam Quốc, Thủy Hử... Để làm những cuốn sách dạng này Khuynh phải thiết kế mẫu bìa, in ra phôi đồng in chữ, họa tiết, hoa văn với chi phí cực tốn kém. Có cuốn in mà công làm phôi độc bản trị giá lên chục triệu đồng nên giá thành tiền công một cuốn sách lên đến mấy chục triệu là thường tình!

Thật kỳ vĩ! Hóa ra làm bìa da tầm cỡ đâu chỉ dán, bọc kín là xong mà phải là công trình nghệ thuật thủ công đặc biệt! Điều mà hiện nay ít người làm như Nguyễn Đức Khuynh.

Người giữ gìn di sản và tạo dựng báu vật sách cổ

Khuynh kể, hiện anh đang lưu giữ một bộ chữ để in bìa sách da cực kỳ quý giá. Đây chính là bộ chữ do đích thân A.Yersin mua hộ cho nghệ nhân đóng sách đầu tiên ở Nha Trang cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Nói thế bởi chính ở nhà ông Rảnh có tờ hóa đơn do A.Yersin ký. Khi được hỏi bộ chữ này ngoài tính chất cổ thì nó quý ở chỗ nào? Khuynh giải thích, khi phục chế những cuốn sách in đầu thế kỉ 20 thì việc dùng bộ chữ này là chuẩn mực về lịch sử! Chưa kể nó gắn với một vĩ nhân A.Yersin thì vô giá.

Cùng với bộ chữ, Khuynh còn sở hữu đồ nghề chế tác, phục chế sách đều làm từ cuối thế kỉ 19 nên thăm công xưởng của anh như miền cổ tích. Anh cũng được biết đến là dân chơi sưu tầm siêu hạng với hàng nghìn cuốn sách quý, cổ có giá trị. Nhiều cuốn sách trong đó có giá trị tiền tính bằng ngôi nhà! Bởi thế đó chính là sự cộng hưởng vô cùng cho người nghệ sĩ - nghệ nhân chế tác sách.

Gặp gỡ, tiếp xúc với Nguyễn Đức Khuynh - con người yêu sách với bàn tay khối óc tài hoa hiếm có ta như gặp một thế giới sách vô cùng kỳ diệu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn