MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mỗi tháng gia đình Ninh cung cấp khoảng 5.000 bánh chưng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Minh Sam

Người trẻ tiếp nối truyền thống làm bánh chưng đất Tổ

Minh Nguyễn - Minh Sam LDO | 30/04/2023 07:16
Để lưu giữ, kế thừa và phát triển nghề truyền thống đòi hỏi sự cần mẫn, tâm huyết, tận tụy với nghề của biết bao người, trong đó điều đáng mừng là có nhiều bạn trẻ tâm huyết quyết giữ nghề truyền thống mà cha ông để lại. 

Giữ nghề truyền thống bằng niềm tự hào

Đoạn đường bê tông dài rộng, phẳng phiu và sạch sẽ dẫn chúng tôi về làng gói bánh chưng Cát Trù. Là làng chuyên làm nghề truyền thống nên cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với “hạt ngọc trời”. Qua dâu bể thời gian, nhiều thứ đã mất đi nhưng kinh nghiệm gói, làm bánh chưng giữ trọn được hương vị quê hương vẫn còn hiện hữu trong đời sống người dân. Hiện những nghệ nhân gói bánh trong làng giờ đã có tuổi, người trẻ dần kế thừa, giữ gìn, phát huy và xây dựng thương hiệu nghề.

Trong cái nắng hanh hanh của tiết trời đầu hè, chúng tôi gặp anh Hoàng Văn Ninh (28 tuổi) là con trai của nghệ nhân Nguyễn Thị Ảnh. Ninh là một trong số ít người trẻ trong làng quyết bám trụ quê hương để phát triển nghề làm bánh chưng Đất Tổ. Bà Ảnh - mẹ của Ninh chia sẻ: Ngay từ nhỏ, khác với các bạn cùng trang lứa mải mê với những thú vui bắt dế, thả diều quanh bãi bồi ven sông, Ninh đã theo chân ông bà, cha mẹ phụ giúp nghề gói bánh chưng truyền thống của gia đình, bắt đầu từ những việc đơn giản như: Quét dọn, rửa lá, cân gạo, đậu... đến những đêm thức khuya theo giao bánh, luộc bánh cùng bố mẹ.

Lớn lên được sự động viên của gia đình, sau khi tốt nghiệp THPT, Ninh theo học chuyên ngành Dược tại trường Cao đẳng dược Phú Thọ, rồi quyết định đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Những năm tháng làm việc ở nước bạn, thấu hiểu được sự gian khó, vất vả, Ninh lặng lẽ trở về vòng tay gia đình, phụ giúp bố mẹ làm bánh. Nhiều đêm trăn trở với bài toán tương lai, lời khuyên của bà và mẹ khiến Ninh như tỉnh ngộ: “Trong khi rất nhiều người phải bỏ công lặn lội cả đời mới tìm cho mình được một nghề phù hợp, quê mình có sẵn nghề truyền thống, tại sao lại không bám nghề để tập trung phát triển. Năm 2021 tôi đã quyết định học và phát triển thương hiệu nghề truyền thống của gia đình”.

Gặp Ninh trong căn nhà xung quanh đâu đâu cũng thấy lá dong, lạt buộc, thúng mủng, xoong nồi... Nghe Ninh kể lại: Hồi còn đi học, đứa nào mà chẳng biết đến sự tích bánh chưng - bánh giầy Lang Liêu. Rồi chăm chỉ hơn thì còn đọc cả những đoạn tản văn nói về gói bánh chưng biết bao thi vị. Lúc ấy đã thấy việc gói bánh chưng là một cái gì đó thú vị lắm! Nhưng lớn lên đâu phải ai cũng gói bánh chưng.

Nhưng Ninh thì khác, các bước chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh Ninh đều thuộc lòng từ năm 12 tuổi nhưng để gói bánh chưng nhanh như máy, không cần dùng khuôn mà trăm cái như một thì cần cả quá trình. Ban đầu, phải mất 20 phút, Ninh mới có thể hoàn thành chiếc bánh, sau này thành thạo, quen tay chỉ khoảng 1 - 2 phút.

Theo kinh nghiệm của Ninh, để làm ra một chiếc bánh ngon, phần lựa chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo được chọn phải là gạo nếp cái hoa vàng, chắc mẩy, có mùi thơm đặc trưng. Đỗ xanh phải là loại đỗ gié, hạt nhỏ và được chế biến từ khi vỡ đỗ, ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo đến khi đã nấu chín, như vậy nhân bánh mới thơm. Ngoài đỗ, nhân bánh cần có thêm thịt ba chỉ hoặc nạc vai tươi sống trộn kèm gia vị muối, tiêu... vừa đủ, khi ăn sẽ đậm đà hơn.  Ninh chia sẻ thêm: “Khi gói bánh, phải gói chặt tay thì bánh nấu mới vuông vắn, rền gạo, dẻo. Nếu gói lỏng tay bánh dễ bị nhão, không ngon. Bánh gói xong xếp vào một chiếc nồi lớn, đáy nồi lót một ít lá nhỏ hoặc cuống lá. Bánh xếp từng cặp một, úp vào nhau, chèn cho chặt, đổ ngập nước mưa rồi luộc”.

Điểm khác biệt giữa bánh của gia đình Ninh làm và những chỗ khác là công đoạn nấu bánh, sử dụng bằng các loại củi keo, gỗ nhãn thu mua từ vườn đồi quanh vùng bởi nấu bằng củi cho lượng nhiệt ổn định suốt 10 - 12 tiếng. Khoảng thời gian luộc bánh, mọi người trong nhà lại thay phiên nhau túc trực củi nước để bánh không bị cháy. 

Hiện nay, mỗi tháng, gia đình Ninh cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 bánh chưng, thời điểm gần Tết số lượng bánh tăng gấp 6 - 8 lần. Những ngày cuối năm, lúc nào bếp bánh chưng nhà Ninh cũng luôn rực lửa. Để kịp tiến độ trả hàng, gia đình Ninh phải thuê thêm khoảng 20 lao động ngày đêm túc trực. Mỗi lao động sẽ được trả 250.000 đồng nếu làm ban ngày và 500.000 đồng nếu làm cả đêm. Giá bánh chưng thời điểm hiện tại bán buôn là 50.000 đồng/chiếc, bán lẻ là 60.000 đồng/chiếc.

Bánh chưng Đất Tổ tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm. Ảnh: Minh Sam

Xây dựng thương hiệu bánh chưng Đất Tổ

Hiện nay, tại Cát Trù số hộ giữ nghề làm bánh chưng còn khá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng chừng ấy cũng đủ để làng phát triển và tạo nên thương hiệu, giá trị nghề truyền thống không bị mai một theo thời gian. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và quyết tâm nghề truyền thống, bánh chưng ở Cát Trù đã xây dựng thương hiệu bánh chưng Đất Tổ - là thương hiệu đặc sản của xã Cát Trù.

Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các nghệ nhân làng Cát Trù trong đó có gia đình nhà Ninh đã vinh dự được đại diện huyện Cẩm Khê tham dự cuộc thi “Gói nấu bánh chưng toàn miền Bắc” tổ chức tại "Lễ hội Đền Hùng” hàng năm. Từ năm 2013 đến nay, với 9 lần tham gia thì có 7 lần đạt giải nhất và là bánh chưng duy nhất được UBND tỉnh Phú Thọ chọn làm lễ vật dâng hương các Vua Hùng hàng năm.

Ông Bùi Quốc Huy - Trưởng phòng Quản lí di sản, văn hóa và lễ hội, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng - cho biết: Thương hiệu, bánh chưng Đất Tổ gói ghém cả một chiều dài lịch sử, qua hình ảnh hoàng tử Lang Liêu gói bánh dâng Vua giành được ngôi báu. Chiếc bánh trong truyền thuyết được tái hiện hoàn hảo qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Đất Tổ vuông vức cao thành, gạo rền nhân thơm, màu sắc tươi sáng. Bánh chưng Đất Tổ trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc của tỉnh Phú Thọ”.

Ngày nay, khi những phương tiện máy móc đã dần thay thế sức vóc của con người, thị trường hội nhập và phát triển, các hộ sản xuất sản phẩm truyền thống phải đối diện với những thách thức lớn trong việc tìm hướng phát triển sản phẩm, cạnh tranh với thị trường. Gia đình Ninh cũng như nhiều gia đình trong làng ngoài nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm bánh chưng cũng chú trọng gói ghém tỉ mỉ, hút chân không, dán tem, mã vạch, tên thương hiệu để đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được đựng trong những hộp quà, túi giấy trang trọng mang lại sự tinh tế, bắt mắt cho sản phẩm, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Đồng thời, những người trẻ nối nghề như Ninh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu từng bước đưa bánh chưng Đất tổ quảng bá lên các trang thương mại điện tử, website, mạng xã hội.

Ông Hoàng Mạnh Tiếp - Bí thư Đảng ủy xã Hùng Việt cho biết: "Những chiếc bánh chưng Đất Tổ được làm ra giờ đây không chỉ cung ứng cho thị trường tại địa phương, các siêu thị trong và ngoài tỉnh mà còn được đem đến các thị trường lớn khác như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng và một số các địa phương khác. Chính nhờ sự tỉ mỉ, cần mẫn của các nghệ nhân phát huy được giá trị và bảo tồn để làng nghề bánh chưng Đất tổ ngày một phát triển và tiến tới trở thành một trong những thương hiệu của quốc gia".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn