MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cuốn sách "Không có đỉnh quá cao". Ảnh: Nhà xuất bản

Người trẻ từ làng quê bước ra chinh phục thế giới

NGỌC DỦ LDO | 26/03/2023 10:00
Một cuốn sách tập hợp trải nghiệm của rất nhiều nhân vật đã thành công ở nhiều khía cạnh. Một “cẩm nang” thiết thực và minh triết cho bạn trẻ đang gặp thách thức hay hoang mang trong cuộc sống qua ngòi bút của GS Phan Văn Trường và nhóm tác giả.

"Không có đỉnh quá cao" là câu chuyện đi tìm thành công và hạnh phúc của 24 bạn trẻ, và những chia sẻ quý giá của GS Phan Văn Trường được đúc kết từ chính sự nghiệp lớn lao của ông.

"Sách này sẽ mang tới cho các bạn những bằng chứng thuyết phục về việc không có đỉnh nào là quá cao, nếu chúng ta thực sự cố gắng. Đó chính là câu chuyện thực của hơn hai mươi bạn trẻ đã từ những vùng sâu vùng xa đi ra thế giới. Họ đã từng đi "chân đất" khi còn nhỏ, họ đã từng lội sông để đến trường, có người đã phải tha phương cầu thực nơi đất khách. Cuối cùng, họ đã sớm tìm ra hạnh phúc, tìm ra thành công và quan trọng hơn, tìm ra chính mình. Các bạn trẻ hãy tự tin khi thấy mình khác mọi người, mọi người khác mình, vì chính sự khác biệt mới tạo nên giá trị thực.

Hãy cứ chăm chỉ, đạo đức và tươi tắn thì vận may chẳng bao giờ vắng! Hãy tự tin mà tiến bước, vì chính sự tự tin cùng với nội lực và trí tuệ sẽ cho mình sức mạnh mà không chướng ngại nào có thể cản" - GS Phan Văn Trường chia sẻ.

Những tác giả khác trong sách đều có xuất thân khó khăn, hiện nay có người đã nhận các học bổng uy tín trong và ngoài nước, có người là kỹ sư điều phối dự án nông nghiệp, có người là giảng viên, có người là huấn luyện viên thể dục trị liệu... Sự thành công của họ thể hiện ở học vấn, vị trí xã hội, nhưng quan trọng hơn hết đó là sự thành công do vượt qua những khó khăn trong hoàn cảnh riêng và luôn hướng về những giá trị cao đẹp.

Cuốn sách này dành cho những bạn trẻ từ cấp 2 cho tới sinh viên, người mới đi làm..., đang gặp thử thách trong cuộc sống hoặc hoang mang giữa nhiều lựa chọn cuộc đời. "Lý thuyết thì màu xám còn cây đời mãi xanh tươi" - những câu chuyện có thực từ các tác giả trong sách sẽ truyền cho bạn đọc niềm tin "Không có đỉnh quá cao" để tiếp tục cố gắng.

GS Phan Văn Trường cũng đề ra những nguyên tắc căn bản mà ông đúc rút từ chính cuộc đời mình, để bạn đọc có thể tham khảo trên con đường của mình.

"Cầm cuốn sách này trên tay, độc giả sẽ được hướng dẫn tận tình bởi những người đã thành công trong cuộc sống. Họ sở hữu một kho tàng trải nghiệm của những người đã từng giống cảnh ngộ của bạn đọc khi còn trẻ hoặc còn nhỏ. Nhưng bằng nội lực và đạo đức, họ đã vượt lên trên những cảnh ngộ của bản thân, đúc rút được nhiều bài học qúy giá trong cuộc sống. Họ chẳng những đã thực hiện được giấc mơ, mà còn tạo ra nhiều giá trị, và bởi vậy, họ đã có một chỗ đứng vô cùng xứng đáng trong xã hội. Họ đã lập gia đình và đang hạnh phúc" - GS Trường nói. 

Mỗi người đều có câu chuyện của mình. Trong mỗi câu chuyện cuộc đời đó, đều có nhiều điều mà chúng ta có thể học hỏi. Hãy mở rộng tâm trí mình để lắng nghe, chia sẻ và học hỏi từ tất cả những người mà các em có dịp gặp gỡ trong đời mình. 

Cuốn sách dạy người trẻ nhiều điều

Chủ động về thời gian. Chớ bao giờ tạo ra những tình huống mà bạn phải đợi ai, cho dù người bạn đợi quan trọng đến đâu. Lịch của bạn phải là trên hết, đừng để ai đó làm cho bạn không kiểm soát được thời gian của mình.

Chủ động về những lựa chọn. Dù là ai đi chăng nữa, cha mẹ hay anh em, bạn cũng không nên  để họ chi phối những lựa chọn trong cuộc đời của mình. Hãy lắng nghe những lời khuyên của người thân, hỏi đi hỏi lại để hiểu thấu suy nghĩ của những người muốn giúp mình, nhưng bạn  nên làm cho mọi người hiểu rằng cuối cùng chính bạn, một mình bạn vẫn sẽ là người định đoạt. 

Chủ động về địa điểm. Nơi đi chơi, nơi ăn tiệc, nơi học tập và sau này là nơi cư ngụ, nơi làm việc là những địa điểm thuộc lựa chọn của mỗi cá nhân. Bạn ạ, không phải cứ được mời là bạn  phải đi. Có những nơi bạn không nên đi, bất chấp sự ràng buộc phải tới nơi đó nặng hay nhẹ. Người khôn ngoan bao giờ cũng bỏ chút thời gian cân nhắc mình có nên mang thân tới một nơi nào đó. Người Pháp có ngạn ngữ rằng “dans le doute, on s’abstient”, khi còn do dự thì hãy miễn làm.

Chủ động chọn người đồng hành. Đây là việc quan trọng. Người đồng hành với bạn có thể là bạn bè, là thầy cô, là anh em, đồng nghiệp. Họ sẽ trở thành những người đi chung đường với  bạn trong rất nhiều công việc, từ học hành đến nghề nghiệp sau này. Một công việc có thành công hay không phụ thuộc vào cá tính, khả năng và thiện chí hợp tác của những người tham gia. Có những sự hợp tác không bao giờ đi tới thành công do các nhân sự không hợp tính, không có tinh thần hợp tác với nhau. Chỉ cần xem một đội bóng với 11 cầu thủ thì sẽ thấy, kết quả có thể thay đổi nhanh chóng nếu có sự thay đổi trong đội hình thi đấu.

Chủ động chọn lộ trình và chiến lược. Bạn chớ bao giờ để cho ai lôi mình đi mà không biết mình sẽ đi đâu, vì sao phải đi và đi để làm gì. Hãy ghi nhớ, làm bất cứ việc gì cũng phải có lý do, có lộ trình và chiến lược. Trước khi đưa ra lựa chọn hoặc làm bất cứ việc gì, bạn luôn phải tính toán cân nhắc, mục tiêu hay điểm đến của bạn là gì? Vì sao bạn cần phải tiến tới mục tiêu đó? Làm thế nào để tiến tới mục tiêu đó một cách nhanh nhất, thông minh nhất, an toàn nhất?

Bạn sẽ phải làm gì, làm vào thời điểm nào thì phù hợp nhất? Và sau đó, bạn chủ động lựa chọn việc bạn sẽ làm, sắp xếp nó vào những thời gian phù hợp, thậm chí lên kế hoạch chi tiết cho từng bước thực hiện, sao cho mọi việc luôn trong tầm kiểm soát, luôn luôn hướng tới đích đến mà bạn đang theo đuổi.

Hãy từ chối những việc không có ý nghĩa nhân văn hay lợi ích cho ai. Hãy tự cho mình một khoảng cách nhất định để suy ngẫm về mỗi lời đề nghị, bằng cách nói: Để tôi sắp xếp thời gian và sẽ báo lại ngay cho bạn. Bằng cách đó, bạn cho mình một khoảng thời gian vừa đủ để tự do và chủ động lựa chọn. Và hãy học cách nói "Không" một cách lịch thiệp và tôn trọng, nhưng thẳng thắn:  "Tôi xin lỗi, tôi rất quý trọng đề nghị của bạn, nhưng tôi đã có kế hoạch khác". 

Đọc thật nhiều sách do những người có trải nghiệm thực sự cũng là một cách để bạn vừa được thừa hưởng kinh nghiệm của người khác, mà vẫn không đánh mất quyền chủ động của mình. Bạn có thể ngẫm nghĩ về những tình huống ngoài đời, rồi nhờ những người có kinh nghiệm giảng giải. Không gì tốt hơn là được nghe những người này trao cho bạn một chìa khóa để hiểu đời, hiểu người, sau khi hiểu chính mình. Bạn chỉ có thể chủ động khi bạn có đủ hiểu biết.

Hoa hậu H'Hen Niê - một trong những người đọc cuốn sách này đã trải lòng: "Với H'Hen Niê thì "Không có đỉnh quá cao" là một lựa chọn tốt để có thể đọc khi nhâm nhi một tách cà phê buổi sáng. Cuốn sách mang tới cho các bạn những bằng chứng thuyết phục về việc không có đỉnh nào là quá cao, nếu chúng ta thực sự cố gắng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn